Tuesday, April 30, 2024

Nhìn lại ngày Quốc Hận 30-4, để hy vọng ở tương lai

 Phan Đức Minh/SGN

Đoạn đường trước khách sạn Continental ở Sài Gòn năm 1975 (trái) và năm 2015. (Hình: Taylor Weidman/Getty Images)

Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư lại đến. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại, dù biến cố lịch sử đau thương, mất mát lớn lao ở mức độ kinh hoàng cho Nam Việt Nam, không thể nào nói lên hết bằng vài ba trang giấy.

-Ngày 6 Tháng Giêng: Tỉnh Phước Long và Thị Xã Phước Bình, cách Sài Gòn 60 dặm về phía Bắc, rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt. Sau “Mùa Hè đỏ lửa” từ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị năm 1972, Phước Bình là thị trấn đầu tiên của Nam Việt Nam bị quân cộng sản đánh chiếm.

Không Quân VNCH thiệt hại 20 máy bay trong công cuộc bảo vệ Tỉnh Phước Long. Nhiều máy bay bị bắn hạ bằng hoả tiễn SA-7 của Liên Xô. Sự thiếu vắng phản ứng quân sự của Hoa Kỳ càng xúi giục cộng sản làm tới vì các chiến lược gia của cộng sản biết rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải rời bỏ Việt Nam.

Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn và Bộ Chính Trị của Đảng CSVN quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam để phát động một cuộc tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó xảy ra vào năm 1976 mà thôi.

-Ngày 28 Tháng Giêng: Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford , yêu cầu Quốc Hội tăng thêm quân viện cho Nam Việt Nam và Campuchia với ngân khoản $522 triệu. Lúc này, quân cộng sản Bắc Việt có mặt tại Nam Việt Nam tới mức 289,000 người. Xe tăng, trọng pháo, hoả lực phòng không, do Liên Xô và Trung Quốc chi viện rất hùng hậu. Để giữ vững “một tiền đồn chống cộng” ở Đông Nam Á Châu, ngân khoản $522 triệu có là bao so với những năm trước đó là mỗi năm vài tỉ đôla. Thế nhưng cũng không xong.  Người ta đã phải bỏ cuộc mà ra đi cho rồi.

-Ngày 5 Tháng Hai:  Đại Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng  vào Nam để chỉ huy quân đội cộng sản.

-Ngày 10 Tháng Ba: Quân Bắc Việt, với những Sư Đoàn thiện chiến , với phương tiện chiến  tranh hiện đại của Liên Xô và Trung Quốc, tấn công Ban Mê Thuột. Ba ngày sau, quân cộng sản tràn ngập thị trấn này, trong khi những trận đánh lớn khác bùng nổ trên mặt trận Cao Nguyên Trung Phần.

-Ngày 14 Tháng Ba: Sau khi họp bàn với một số tướng lãnh và nhân vật thân cận, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ vùng cao nguyên Trung Phần và các tỉnh phía Bắc của Nam Việt Nam. Các Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Phạm Văn Phú, và Quân Đoàn I, Ngô Quang Trưởng, ngỡ ngàng, sửng sốt, không biết tại sao lại bỏ những vùng đất quan trọng, cửa ngõ, quyết định sự sống chết của Nam Việt Nam vào lúc này, chưa đánh nhau chi cả, trong khi các lực lượng chiến đấu của 2 Quân Đoàn (Army Corps) CNCH Việt Nam rất hùng mạnh, sẵn sàng đọ sức với quân đội cộng sản.

-Ngày 24 Tháng Ba: Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn “Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Hà Nội giao cho tướng Văn Tiến Dũng một “thời khoá biểu” phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu vào Tháng Năm. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tây.

-Ngày 25 Tháng Ba: Vào lúc này, dân chúng đông tới hàng triệu người. Họ không quên cảnh cộng sản tàn sát tập thể dân chúng cũng như viên chức chính quyền, nhân vật đảng phái vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nên kéo nhau tràn xuống thành phố Đà Nẵng, lúc đó đang bị quân cộng sản tấn công từ xa bằng hoả tiễn 122 ly của Trung Cộng và đại bác 130 ly của Liên Xô.

Ông Thiệu ra lệnh: Không giữ được Huế thì cũng phải cố mà giữ lấy vùng duyên hải Đà Nẵng, coi như vị trí chiến lược làm đầu cầu cho quân đội Mỹ đổ bộ lên, một khi chính quyền Mỹ quyết định trở lại cứu vớt VNCH, đương đầu với cuộc xâm lăng đại quy mô của cộng sản.

Tới lúc này mà còn hy vọng Mỹ trở lại cứu VNCH, thì làm sao cho tướng Ngô Quang Trưởng tuân lệnh được đây!Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa kỳ trên toàn lãnh thổ Đông  Nam Á Châu. Dự luật này được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngày 21 –Tháng Chín 1973. Kế theo đó, ngày 12 Tháng Mười 1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống Mỹ trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc (sau bài học cay đắng tại Việt Nam).

Dân thường và quân đội lên thuyền Hải Quân trong cuộc sơ tán thành phố Huế ở miền Nam Việt Nam vào ngày 26 Tháng Ba năm 1975. (Hình: UPI/Bettmann Archive/Getty Images)
Ngày 29 Tháng Ba: Cộng sản chiếm thành phố Đà Nẵng, đang rối loạn, mà chẳng tốn một viên đạn nào. Dân chúng tìm mọi cách thoát khỏi vùng này bằng mọi giá, chấp nhận chết chóc, đau đớn chia lìa trong máu và nước mắt…
Tôi, lúc đó kẹt lại Đà Nẵng, nên cùng bạn bè đi tù cải tạo. Trước đó phi đạo Đà Nẵng bị hoả tiễn Trung Cộng cầy nát, không sử dụng được nữa, trực thăng không có, tầu Hải Quân VNCH từ trong Nam kéo ra bãi Mỹ Khê, Quận 3 Đà Nẵng cứu nạn, nhưng người trốn chạy cộng sản giành nhau leo lên tàu bằng đủ mọi cách, gây nên cảnh kinh hoàng, người già, trẻ con rơi xuống biển như những chiếc lá mùa thu.
Tôi nói với Đại Úy Từ Khánh Sinh, Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, cựu Đại Đội Trưởng nhảy dù: “ Không đi bằng cách này được! Mấy đứa trẻ sẽ chết hết! “ Đại Úy Sinh kiếm được tay Nghĩa Quân đàn em, lôi cái thuyền nhỏ xíu dìm dưới nước lên và tính chuyện ra khơi, lên tàu Mỹ.
Ngay tức khắc, hàng chục mũi súng AK của du kích địa phương chĩa vào thuyền: thuyền ra là bắn hết ! Cả hai chúng tôi cùng đi tù cải tạo với nhau nơi rừng sâu, núi thẳm ghê người!
Trong khi bạn bè cùng cảnh ngộ chỉ bị giam giữ năm, bảy năm là được thả, riêng tôi đi tù cải tạo 12 năm, 16 ngày. Thật là kinh khủng!
Tôi đã từng sống trong nhà tù của Pháp, từng đi thanh tra trại tù của VNCH, coi trại tù của Mỹ qua truyền hình, báo in, báo điện tử, nhưng chưa thấy có thứ trại tù nào ghê gớm, kinh khủng, ác ôn, tàn bạo như nhà tù của cộng sản.
Điều an ủi cho tôi, là trước đó chỉ non một ngày, nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của hai Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I và Toà án Quân Sự Thường Trực Đà Nẵng còn có mặt, tôi ra lệnh mở cửa nhà tù, phóng thích vô điều kiện tất cả hơn 700 quân phạm, bất kể sĩ quan hay binh sĩ, tiểu hay đại hình, xếp hàng, cứ 10 người một chạy ra khỏi Quân Lao, về lo chuyện gia đình trước họa cộng sản đang tràn đến. Ai cũng có thân nhân, gia đình, ai cũng là người cả!
-Từ ngày 6 Tháng Tư: Hai Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH, cùng với một Lữ Đoàn nhảy dù được đổ xuống phi trường Phan Rang để hy vọng đánh trận phản công.
Cộng sản thấy hơi khó ăn vì ngán quân nhảy dù nên để cho tình hình yên tĩnh ba ngày. Thế là Lữ Đoàn nhảy dù được bốc đi Xuân Lộc là nơi đang có trận đánh lớn giữa Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo với hai Sư Đoàn quân Bắc Việt.
Thay thế cho Lữ Đoàn nhảy dù thiện chiến, người ta đưa tới đó một đơn vị Biệt Động Quân. Lập tức quân cộng sản cho xe tăng T-54 của Liên Xô ào ạt tiến vào, chọc thủng phòng tuyến Phan Rang và chiếm đóng vùng này không khó khăn.
-Ngày 7 Tháng Tư: Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội, tới Tổng Hành Dinh quân cộng sản ở Miền Nam, đóng tại Lộc Ninh để xem xét tình hình và quyết định kế hoạch cho giai đoạn chót của cuộc đánh chiếm miền Nam. Lúc này, cộng sản đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ Nam Việt Nam.
-Ngày 8 đến 21 Tháng Tư: Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, chống giữ oanh liệt trước sức tấn công vũ bão của hai Sư Đoàn cộng sản nhằm tiến chiếm Sài Gòn bằng cách phá vỡ phòng tuyến cuối cùng này. Một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Lữ Đoàn nhảy dù từ Phan Rang được đưa vào tăng viện.
Chỉ mang theo vài thứ trên lưng, một gia đình khóc trên đường chạy loạn khi đi bộ dọc theo Quốc Lộ 1, cách Nha Trang 27 dặm về phía bắc hướng tới Qui Nhơn. Ước tính có khoảng 1.5 triệu người bị mắc kẹt ở Đà Nẵng, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản năm 1975. (Hình: Getty Images)
Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng phải tung vào mặt trận này hai sư đoàn nữa là bốn sư đoàn tất cả để hòng dứt điểm càng sớm càng tốt. Đánh chiếm miền Nam mùa Xuân năm 1975, đây là mặt trận duy nhất quân cộng sản gặp sức chiến đấu dũng mãnh, oanh liệt của quân đội VNCH.
Cộng sản phải dùng số quân 4 đánh 1 trong lúc thế mạnh mọi mặt đang ở phía chính họ. Ngày 21 Tháng Tư, Tướng Tư Lệnh Quân Khu 3 VNCH không muốn hy sinh trong thế tuyệt vọng, cả Sư Đoàn 18 Bộ Binh anh dũng, thiện chiến trong hoàn cảnh bất lợi về tất cả mọi mặt nên đã ra lệnh cho Sư Đoàn này rút khỏi phòng tuyến đang trấn giữ.
Bị áp lực từ nhiều phía, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức, chuyển giao quyền hành cho Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Hương để ra ngoại quốc, bỏ lại đằng sau: Quê Hương, Chiến Hữu và Đồng Bào của Ông, là những gì thiêng liêng mà ông từng long trọng tuyên đọc lời thề khi nhậm chức, cũng như trong các dịp Quốc Lễ là sẽ sống chết bảo vệ đến hơi thở cuối cùng.
-Ngày 23 Tháng Tư: Tại Hoa kỳ, Tổng Thống Gerald Rudolph Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam kể như chấm dứt. Dư luận hiểu rằng chính quyền Mỹ lúc đó đã buông tay và tháo chạy bằng mọi giá, trong khi Liên Xô và Trung Cộng hồ hởi, phấn khởi là đã hoàn thành nhiệm vụ “Dứt điểm tiền đồn chống cộng của Mỹ tại Á Châu.”
-Ngày 28 Tháng Tư: Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền hành cho Tướng 4 sao Dương Văn Minh, người đóng vai chính trong vụ đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm Tháng Mười Một năm 1963.
Cộng sản không mạnh bằng Mỹ về vũ khí chiến tranh nhưng với tinh thần cuồng tín, liều mạng và hầu như luôn giữ thế tấn công trên các mặt trận, trong khi Mỹ quá mạnh nhưng luôn ở trong thế thụ động với các mục tiêu, đồn bót rõ ràng nên thế thuận lợi lại luôn nghiêng về phía cộng sản.
Người dân trèo lên xe buýt chở người di tản vào Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, trong khi hàng trăm người chen chúc quanh cổng, cố gắng chen vào để tham gia cuộc di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn ngày 29 Tháng Tư. (Hình: Getty Images)
-Rạng sáng ngày 30 Tháng Tư, quân cộng sản tiến vào Sài Gòn, vẫn còn gặp vài ổ kháng cự lẻ tẻ. Dương Văn Minh cứ yên trí theo bài bản đã nhận được từ “cấp trên” qua điện thoại, ra đón tiếp quân “giải phóng” và sau đó “xin bàn giao chính quyền.”
Buổi sáng hôm đó, cộng sản bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, nhưng dân chúng miền Nam không vui mừng, sung sướng, hạnh phúc mà lại xô nhau chạy đi mọi ngả, tìm cách thoát chạy khỏi chính quê hương, đất nước của mình để tránh họa cộng sản, bất kể mọi gian nguy, bị giết chóc, cướp bóc, hải tặc hãm hiếp, quăng  xác xuống biển…
Chính quyền mới truy lùng, tiêu diệt, bắt bớ những kẻ phục vụ cho chế độ cũ, nhân vật đảng phái chính trị, tống họ vào những trại tập trung cải tạo ở các vùng rừng núi âm u, hiểm hóc, cách biệt hẳn với xã hội loài người.
Nam Bộ là cái túi đựng người quá đông đảo mà lại không có rừng núi thích hợp cho việc thiết lập các trại cải tạo, vừa an toàn lại tiện cho việc khai thác có lợi nhiều, cho nên cộng sản mới phải đưa số đông “kẻ thù” của họ ra Bắc, tống lên các trại cải tạo vùng Thượng Du Bắc Việt.
Cán bộ cộng sản từ lớn đến nhỏ, ngơ ngác nhìn Sài Gòn và Nam Việt Nam trong cảnh xác xơ, buồn thảm nhưng vẫn không làm mất, không che dấu được sự phồn thịnh, phát triển quá cao so với “thiên đàng hay địa ngục Bắc Bộ. Cộng sản lớn nhỏ thi nhau vơ vét tài sản vét của kẻ bỏ chạy, của nhân dân Miền Nam “tay sai Mỹ Ngụy” đem về Bắc như những chiến lợi phẩm.
Sau này, có cơ hội tiếp xúc với người thân ở Bắc Việt Nam, từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cộng sản thời gian này, tôi được biết mật lệnh của cộng sản Hà Nội lúc đó có những điểm rất kinh khủng: bắt nhốt hết mọi kẻ có khả năng chống cự, nổi dậy sau này, tịch thâu mọi loại vũ khí có tầm sát hại tập thể hay cá nhân, khi có dấu hiệu hay mầm mống biến động thì tất cả những kẻ ít nguy hiểm nhất cũng phải tập trung cải tạo.
Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên một điều: Quân Đội VNCH nói chung, đã chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, bất chấp mọi trở ngại, khó khăn, thiếu thốn. Miền Nam sụp đổ, nhiều Tướng Lãnh: Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng… và nhiều sĩ quan cao cấp khác đã tự sát trong khung cảnh vô cùng oanh liệt, chưa từng có trong một quân đội, một quốc gia nào trên thế giới.
Hình ảnh những anh hùng vị quốc vong thân, đặt tại đài tưởng niệm trong khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ ở Little Saigon, thành phố Westminster, CA. (Hình: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)
Họ không chịu đầu hàng hay để bị bắt làm tù binh. Hàng triệu quân nhân, viên chức chính phủ, nhân vật đảng phái chính trị bị nhốt vào các trại tù cải tạo khổng lồ nơi rừng thiêng, nước độc. Dân chúng ồ ạt bỏ nước ra đi, bỏ hết tài sản, không kể sống chết, thảm họa kinh hoàng trên biển cả… Tất cả là những vấn đề vượt quá khả năng và tầm tay của người Việt Miền Nam chúng ta. Chỉ có các đấng thiêng liêng, chỉ có lịch sử mới hiểu được mà thôi!
Điều đáng mừng cho chúng ta là càng ngày, dân chúng Hoa Kỳ cũng như thế giới loài người càng hiểu ra sự thật của cuộc chiến tranh Việt Nam (mà có những nhà chính trị, giáo sư đại học lẩm cẩm kêu là cuộc nội chiến, tức là người Việt Nam đánh lộn với nhau), một bài học đắt giá, quý báu cho người Việt, cho siêu cường quốc Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia nhược tiểu khác trên thế giới.
Nước nhỏ yếu mà chỉ biết trông cậy, giao tất cả vận mệnh dân tộc mình vào tay một nước lớn mạnh khác lo hộ hoàn toàn thì nhiều chuyện nguy hiểm bắt buộc sẽ phải đến. Nước lớn, dù là Đệ Nhất Siêu Cường Quốc mà thiếu chung thủy, coi thường đồng minh, bạn bè, phản bội dễ dàng những người đã từng sống chết với mình trên cùng một chiến tuyến, coi thường Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế có thẩm quyền cao nhất để giải quyết những khó khăn, tháo gỡ những rắc rối, tranh chấp điên khùng của loài người ngày nay có nhiều tham lam, ích kỷ, ưa dùng bạo lực, ít biết đến giá trị của hòa bình… thì không được đồng minh, bạn bè chân thành kính nể. Không lúc này thì cũng lúc khác, họ sẽ bị những thế lực thù địch khác, mà tất nhiên có nhiều kẻ thù lớn nhỏ, tìm cơ hội đánh cho những đòn chí mạng, thảm khốc, kinh hoàng.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai. Thế hệ trẻ Việt Nam, những người yêu nước trong cũng như ngoại quốc, với trình độ kiến thức, hiểu biết rộng rãi về “tiến trình của nhân loại,” hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nhất là với niềm tự hào của một dân tộc tuy nhỏ bé, luôn luôn bị xâm lăng, thống trị dã man, tàn bạo, nhưng không bao giờ đánh mất Niềm Tin vào Tổ Quốc.
Việt Nam từng có những trang sử oanh liệt của Ngô Quyền, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ… sẽ mãi mãi muôn đời có mặt trong cộng đồng thế giới tự do, tiến bộ và thật sự văn minh.
(Tháng Tư, 2024 – San Diego)
-Ngày 24 Tháng Ba: Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn “Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Hà Nội giao cho tướng Văn Tiến Dũng một “thời khoá biểu” phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu vào Tháng Năm. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tâ

Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn và Bộ Chính Trị của Đảng CSVN quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam để phát động một cuộc tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó xảy ra vào năm 1976 mà thôi.

No comments:

Post a Comment