Bình luận của Nguyễn Nhơn-2024.04.20
Phố đi bộ Nguyễn Huệ và chợ Bến Thành là hai trong số vài chục điểm du lịch địa phương (cũ và mới) mà TP HCM đang ra sức quảng bá để thu hút khách du lịch, thực hiện kế hoạch đẩy mạnh du lịch trong năm nay.
Thì, hai cái tên ấy gần như là trọng điểm của trọng điểm.
Phố đi bộ bản sao
Năm kia, tôi được hân hạnh đón tiếp một đoàn cán bộ miền núi vùng (rất) sâu phía Bắc vào Sài Gòn dự hội nghị cuối năm của ngành. Họp hành, dự tiệc chiêu đãi, ăn khuya nhóm nhỏ xong thì đã gần 11 giờ đêm, mà trưa mai họ đã lên máy bay về lại rừng núi rồi. Thực tế mà nói, căn cứ vào đồng lương thì với hầu hết trong số họ, đây sẽ là chuyến đi Sài Gòn đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời. Do vậy, tôi muốn đưa anh em đến thật nhiều địa danh nổi tiếng và đặc trưng của Sài Gòn để từ ngày mai, họ có nhiều khoảnh khắc với nơi này để mà nhớ lại.
Trưng cầu ý kiến, tất cả đều muốn đến phố đi bộ Nguyễn Huệ và nhà thờ Đức Bà. Lúc ấy đã khuya, cuối năm vẫn còn nhiều cơn mưa bất thần nên nhiều cửa tiệm đã tắt đèn, người chơi đêm cũng vắng vẻ hơn hẳn ngày thường. Khung cảnh vì thế không còn sáng rực lung linh và đông đúc tấp nập như trên các hình ảnh quảng cáo thường thấy. Nhưng đám anh em của tôi vẫn rất phấn khích. Họ thi nhau chụp ảnh, chụp tập thể, chụp đơn, chụp đôi, chụp nhóm, chụp ngồi ở lề đường ven vườn hoa, chụp với tượng Đức Mẹ, với hai ngọn tháp của nhà thờ Đức Bà trên cao… Rồi chúng tôi đi đến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Các ánh đèn màu đặc sản phố phường cũng đã tắt gần hết, nhưng những người đàn ông sinh ra và lớn lên trong núi rừng cao ngất điệp trùng lại bị vòng vây trùng điệp của những tòa nhà cao tầng làm cho choáng ngợp.
Thời gian gấp rút, chúng tôi chỉ nhặt được chừng đó không gian của Sài Gòn. Nhưng với họ, dường như nó đã đủ tạo thành ấn tượng đậm nét cho chuyến đi này.
Có lẽ với đa số khách du lịch nội địa, nói đến Sài Gòn là phải nhắc đến nhà cao tầng chót vót, đường phố rộng lớn với hệ thống cầu đường nhiều tầng uốn khúc phức tạp, những con đường đặc kín người và xe, bạt ngàn ánh đèn xanh đỏ…. Gần đây trên mạng có nhiều video quay bằng flycam quay Sài Gòn từ trên cao với những hình ảnh đúng như vậy, và ở dưới có rất nhiều bình luận, cảm thán, ao ước được tận mắt chứng kiến cuộc sống đô thị nhộn nhịp (hay nhốn nháo) ấy.
Thế nhưng với người dân Sài Gòn, phố đi bộ Nguyễn Huệ không thể gọi là một điểm du lịch hay điểm đến đặc sắc mà chủ nhà nhất quyết phải khoe với khách phương xa. Thậm chí, cái tên Phố đi bộ được đặt cho nó cũng thật khiên cưỡng. Có phố nào đâu, nó chỉ là một mảnh sân bê tông thật rộng, có đài phun nước, có nhiều chậu hoa đặt trong các bồn hoa lớn nhiều hình dạng và được thay thường xuyên nên có cảm giác tươi tắn rực rỡ mà thôi.
Hai bên phố đi bộ là những khách sạn, cửa tiệm to nhỏ, nhà sách Fahasa lớn nhất thành phố và những cửa tiệm boutique đủ loại. Nhưng phần rìa này không tạo nên đặc trưng của Phố đi bộ, mà dân Sài Gòn cũng không xem nó là Phố đi bộ. Vì trước tới nay, từ khi chưa có Phố đi bộ thì người ta vẫn đi bộ trên vỉa hè đó, mua sắm ngắm nghía ở những cửa tiệm đó, vô nhà sách đọc sách ké và ngồi lề đường uống cà phê ở đó.
Cho nên nhắc đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ chính thức của Nhà nước thì chính là, và chỉ là cái sân lớn ở giữa hai vỉa hè đó thôi. Công bằng mà nói, nó đúng là để cho người ta luyện tập đi bộ thật. Nhưng cũng chỉ có thể đi bộ được vào buổi tối mà thôi, vì ban ngày nó trụi thùi lụi dưới cái nắng đổ lửa của Sài Gòn, nắng nóng chết người, đến con ruồi cũng không dám đậu xuống.
Tôi không rõ ý tưởng thiết kế Phố đi bộ được lấy từ đâu, nhưng đoán là các vị lãnh đạo nhà ta bê nguyên xi về từ mấy chuyến học tập các nước châu Âu nào đó. Vì khi mới xây dựng, Phố đi bộ trông đến chết cười. Với thời tiết Sài Gòn mà họ quất hẳn một cái sân bêtông mênh mông trắng trơn, bói từ đầu đến cuối không ra một bóng cây cũng không có cái ghế ngồi nào, nói chung y chang cái sân phơi lúa của nông dân. Rồi trịnh trọng gọi nó là Phố đi bộ. Nhưng mà khí hậu nước Tây khác, khí hậu nước ta lại khác. Người ta thiếu nắng (nhưng cũng không hề thiếu cây), còn mình buổi trưa nắng xói thẳng xuống sàn bê tông rừng rực, đến chiều tắt nắng thì hơi nóng từ sàn phả ra trả lại không khí hầm hập. Thế nên người dân cười toáng lên với Phố đi bộ nhà trồng.
Lẽ ra với vị trí trung tâm, cái thung lũng bé nhỏ lọt giữa muôn vàn tòa cao ốc trần trụi này chỉ cần biến thành chiếc công viên nhỏ, trồng đầy cây cao che bóng mát xanh tươi quanh năm thì hút khách còn hơn tôm tươi, nhưng thôi, lãnh đạo đã chỉ thị là Phố đi bộ…
Chỉ ít tháng sau khi khánh thành, dư luận người dân mạnh quá nên thành phố cũng nhìn ra điểm này. Họ trồng thêm hai hàng cây nho nhỏ trên Phố. Ít lâu nữa thì đặt thêm những băng ghế công cộng. Tuy nhiên, cây bé tí không đủ che mát nên như đã nói, Phố đi bộ chỉ lác đác có người sau khi mặt trời tắt nắng, còn thực sự đông đúc thì chỉ sau 7h tối. Thất cách đến độ sau ngót 10 năm hoạt động nhưng cho đến hiện tại, chủ đề bóng mát cho Phố đi bộ vẫn được đem ra bàn thảo, vẫn là chủ đề “nóng”.
Nhiều nhà “pha học” được thành phố trưng cầu ý kiến đề nghị lắp mái che cho Phố đi bộ, tiện thể lắp cho cả công viên Bạch Đằng ở ven sông. Thế mới ngược đời! Vì lắp mái che thì ít nhiều cũng sẽ bít bùng, thiếu thông thoáng, chẳng còn nhìn thấy trời trăng mây nước, cũng giảm mất làn gió lồng lộng từ sông Sài Gòn thổi vào vốn là món quà lớn của thiên nhiên tặng cho nơi này. Báo đăng, dân tình phản đối. Hầu hết mọi người muốn trồng cây xanh để tạo bóng mát, nhanh nhất thì trồng các dàn cây dây leo lớn chẳng hạn. Như vậy sẽ luôn mát mẻ, phù hợp thời tiết, đẹp, rẻ và bền. Giả sử có nhu cầu gì khác thì phá cũng dễ.
Ý kiến người dân là vậy, tất nhiên dân nói cứ nói còn lãnh đạo thành phố nghe hay không lại là chuyện khác. Nếu lãnh đạo quyết mái che thì OK mái che, dân Việt Nam ngoan quen rồi, chẳng ai làm gì để thay đổi đâu.
Thế nhưng quyết rồi, Ủy ban thành phố đã chỉ đích danh Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Ủy ban quận 1 trình giải pháp (mái che) chậm nhất là tháng 6/2023, mà ngót một năm trôi qua Phố đi bộ vẫn đâu đóng đấy, ban ngày vẫn nắng chói chang rực lửa y như cái lò hấp nhiệt cho khu vực trung tâm.
Thật ra do trung tâm Sài Gòn quá thiếu những không gian công cộng rộng lớn, mà vừa vặn xung quanh khu vực này còn rất nhiều khu dân cư nhỏ bé lụp sụp và chung cư cũ tối nên cái Phố đi bộ mới thu hút người ta ra khỏi nhà, đến nơi này hưởng không gian và gió trời đến thế.
Trừ mỗi năm vài dịp được sử dụng làm sân khấu công cộng hoặc tổ chức sự kiện lớn thì hoạt động trên Phố đi bộ hoàn toàn là tự phát. Nên có những lúc nó cực kỳ sôi động, như khi có nhiều nhóm nhạc hay nhóm nhảy đường phố ra biểu diễn miễn phí, chơi nhạc. Cuối tuần, thường sau 11 h đêm thì là lãnh địa của cún cưng hay “hoàng thượng” (mèo). Các con sen bế chúng ra đây cho chạy nhảy và chơi với nhau. Đi khuya khuya vậy là vì chờ người đi chơi đêm về bớt, không phải ai cũng thích chó mèo.
Nhưng suốt các buổi tối trong tuần thì nhạt lắm, không có hoặc rất ít các nhóm biểu diễn đường phố. Người ra phố cũng ít, hầu hết chỉ biết dắt tay nhau đi lên đi xuống, hoặc phổ biến nhất là ngồi ghế ngắm ông đi qua bà đi lại, các cô gái thì tranh thủ mọi lúc mọi nơi để chụp hình selfi hoặc quay TikTok. Ngắm thiên hạ chán rồi về ngủ. Nhưng chỉ ngắm suông, ngoài ra không có hoạt động gì khác thì nhanh chán lắm! Thế nên trừ những người dân sinh sống ở khu vực xung quanh tranh thủ ra Phố hóng mát thì cũng chẳng mấy ai có thể đến Phố đi bộ thường xuyên.
Chính vì thế Phố đi bộ thường chỉ đông đúc vào những đêm cuối tuần của mùa khô. Ban ngày cho kẹo người ta cũng chẳng dám phơi mặt ra ở đây. Còn những đêm mùa mưa thì vắng tanh, lặng lẽ, đèn đường vàng vọt, cây đứng im rủ bóng rũ rượi, gần như không một bóng người.
So với việc thủng thẳng chắp tay đi dạo trên những con phố thực sự của Sài Gòn thì Phố đi bộ chỉ được cái là tập trung hơn, nhưng lại tẻ nhạt và đơn điệu.
Những đường phố buôn bán xen lẫn sinh hoạt lề đường sống động, những khu chung cư cũ kỹ có muôn vàn cảnh sống thường nhật nhưng đặc sắc và thú vị, ở đó phong vị địa phương phong phú và đậm nét hơn tất cả… Du khách thích những điều như vậy hơn là những bản sao mờ nhạt của những gì đã quá quen thuộc ở nước họ. Cho nên khách Tây thích lang thang ở những kiến trúc cổ, các con hẻm đặc biệt, những ngôi chợ xưa cũ, thung lũng sâu, thôn bản cheo leo trên núi cao, địa hình đi bộ vất vả qua đồi, suối… chứ còn Phố đi bộ Sài Gòn, Hà Nội, Phú Quốc, vân vân… thì cứ quảng bá rầm rộ thế thôi, tiếng to chứ miếng không mấy.
Phiền một cái là các sản phẩm cố gắng làm ra để thu hút khách du lịch của Sài Gòn cứ nhàn nhạt kiểu bản sao như vậy. Hoặc nó khá lụn vụn, chỉ hướng đến một số đối tượng nhỏ, không liên tục, thậm chí không thể gọi là quần thể khách du lịch đặc thù, nói gì đến việc kinh doanh kiếm tiền như lãnh đạo thành phố mong đợi. Ví dụ tour một ngày học nghề Đông y của quận 10, tour đi miếu Ngũ Hành ở Nhà Bè, tour đi đình Bình Trị Đông, xưởng bánh ABC, xem cá KOI của quận Bình Tân, tour đi xem các cơ sở cách mạng cũ… Những tour này về mặt đặc sắc thì kém xa các tour do các nhóm nhỏ tự mở. Ví dụ cách đây vài năm có tour đi bộ qua các hội quán nổi tiếng ở Chợ Lớn, dừng chân ăn ở các tiệm gia đình lâu đời, gặp đầu bếp cũng đồng thời là ông chủ/bà chủ, chiêm ngưỡng cách họ chế biến món ăn và giải thích về từng yêu cầu khi làm món rất thú vị.
Còn nếu so sánh với tour của các công ty du lịch lữ hành thì thôi, chênh lệch quá xa. Các công ty luôn sục sạo các điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn nhưng đảm bảo có lượng khách ổn định. Kinh doanh mà, họ bỏ tiền túi, đồng tiền liền khúc ruột chứ làm gì có kinh phí Nhà nước chi để viết báo cáo cho hài lòng lãnh đạo.
Đến… du lịch quốc doanh
Mấy năm nay, TP HCM ra sức triển khai du lịch. Trong ba năm gần đây thì có hẳn một chương trình mang tên “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch” nhằm khai thác du lịch từ chính người dân TP HCM, được báo chí và ngành du lịch quốc doanh ca ngợi là sáng tạo, đột phá. Các tên tour được trích dẫn ở phần trên chính là thuộc chương trình này. Ngoài ra nó còn có: “Sài Gòn tôi yêu-đổi mới từng ngày”, “Phú Nhuận-Nơi ta tìm về”, “Tân Phú-Đi là nhớ”. “Bình Chánh-Những điều chưa kể”, “Quận 10-Nơi lịch sử ghi dấu”, “Tân Bình-Vì yêu mà đến”, “Chuyện nhỏ Chợ Lớn”, “Quận 11-Có một Chợ Lớn rất khác”… Tổng cộng 32 tour nội thành.
Công ty du lịch lữ hành Chim cánh cụt là đơn vị đồng hành cùng các quận huyện tổ chức tour này. CEO được lên báo, ca ngợi là người trẻ dám nghĩ dám làm.
Tôi thử đi tìm một tour. Tưởng nổi tiếng vậy thì dễ tìm lắm. Ai dè gõ tên tour, tìm mãi trên mạng không thấy cả tên công ty lẫn các sản phẩm du lịch của họ. Tôi cũng không tìm được trang web của công ty mà chỉ có một trang face book hoang vắng đến khó tin: status nhiều nhất được 22 lượt likes, ít nhất có ba lượt likes.
Lùng sục mãi, cuối cùng tên tour cũng xuất hiện, trên trang thương mại điện tử shoppee. Bất ngờ, shop bán hàng (là công ty Chim cánh cụt) hiển thị thời điểm online vào… 24 ngày trước. Tức là suốt một tháng nay họ không thèm ghé mắt đến trang bán hàng này của mình.
Tất cả 32 tour họ bán, nhấn mạnh-đều thuộc chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch” của TP HCM thì số liệu trên sàn hiển thị chỉ có vài tour đã bán được hai lần, còn lại tất cả đều có lượt bán là 0. Số Không tròn đến tuyệt vọng.
Nhấn vào nút Mua thì nhảy ra một cảnh báo của Shoppee: “Tạm thời bạn không thể mua được sản phẩm này vì người bán đã không hoạt động trong hơn 7 ngày. Bạn nên chat với người bán”.
Trên sàn Lazada, công ty này có 89 followers, còn tất cả các sản phẩm du lịch thì không hề có bất kỳ lượt đánh giá nào. Đồng nghĩa họ dường như chưa bán được sản phẩm nào qua sàn này. Nhưng ngoài các sàn thương mại điện tử thì tôi cũng không thể tìm mua những tour quốc doanh này ở đâu khác cả.
Ủa, là sao?
Là, rất là hoang mang!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment