RFA tiếng Việt
Tại buổi làm việc về Đề án ‘Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045’, vào sáng ngày 22/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam sẽ đào tạo chuyên sâu 1.300 giảng viên ngành bán dẫn.
J ens Schlueter / AFP.
Theo ông Hà, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có tầm quan trọng lớn, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, nhưng cần những gói cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc.
Khó thực hiện
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/4/2024, nhận định với RFA :
"Đối với tôi, 1.300 giảng viên cũng là nhiều. Nếu họ đã là giảng viên rồi thì để học khoa học kỹ thuật tân tiến, thì tôi không lấy làm lạ. Các giảng viên mà tôi đã từng làm việc tại trường Bách Khoa thì họ cũng đã được đào tạo một cách tương đối bài bản. Những giảng viên ở trường Bách Khoa Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn thì tôi nghĩ họ có thể học được. Chỉ có điều nếu họ là những người Hàn lâm quá, từ trước đến giờ học những ngành quá lý thuyết, mà bây giờ bước sang ngành bán dẫn thì cái này đòi hỏi nhiều kiến thức khác hoàn toàn".
Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từ hàn lâm mà hội nhập với công nghệ mới, thì đó là chuyện khó :
"Tôi có thể lấy ví dụ có những người giảng viên đã dạy 20 năm trở lên, nhưng những điều họ dạy thường là những điều Hàn lâm, tức là lý thuyết. 20 - 30 năm nay họ cứ như con tằm nhã tơ mỗi ngày, cứ lập đi lập lại lý thuyết đó. Nhưng bây giờ một công nghệ mới như công nghệ bán dẫn, cần thay đổi liên tục, phải có những trường hoặc viện công nghệ, hoặc những phòng bào chế đủ điều kiện để tạo ra công nghệ bán dẫn. Tại vì công nghệ bán dẫn là công nghệ rất cao và cần những phòng thí nghiệm gần như theo điều kiện vô trùng không khác gì nhà thương".
Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng, nếu đào tạo từ một số nhân lực đã từng biết về công nghệ thì còn khả thi, chứ còn đào tạo một lượng lớn giảng viên như vừa nêu thì khó thực hiện. Vì phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam tuy đã có, nhưng chưa đủ để tiếp nhận số lượng lớn giảng viên.
Liên quan đề án này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Theo số liệu ông Đông cung cấp, ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể), khi trao đổi với RFA hôm 22/4/2024 về vấn đề này, nhận định :
"Tôi nghĩ khả năng của Việt Nam hoàn toàn có thể làm được việc đó trong 10 năm… chứ không phải là trong sáu tháng hay là hai năm, ba năm. Bởi vì việc đào tạo một giảng viên cần ít nhất năm năm ; hay ba năm từ những kỹ sư điện tử đã có kinh nghiệm và họ phải thực tập thêm khoảng hai đến ba năm nữa thì mới trở thành giảng viên được. Hoàn toàn khả thi, không có vấn đề khó khăn gì cả với những nguồn đầu vào sẵn có của Việt Nam. Vấn đề là họ được ai đào tạo ? Thực tập như thế nào và chương trình đào tạo ra sao ? Đây mới là vấn đề cốt lõi".
Quá xa mục tiêu
Trước đó vào tháng 3/2024, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Công ty Samsung hỗ trợ cho mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn đến năm 2030.
Trả lời RFA vào tháng 3/2024, Tiến sĩ Trọng Tống, một chuyên gia cấp cao tại trụ sở của Intel ở bang Oregon, Hoa Kỳ, nhận xét :
"Đối với Intel và cá nhân tôi, số lượng kỹ sư và ngành học của người lao động không quan trọng bằng phẩm chất của họ. Như tôi đã nói, ứng viên có thể học bất kỳ ngành gì miễn là thuộc ngành kỹ thuật thì chúng tôi đều tuyển hết miễn là người đó có khả năng.
Xin lấy ví dụ về sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, là trường kỹ thuật lớn nhất Việt Nam, chúng tôi có tuyển không ? Điều đó không nói được. Không phải cứ tốt nghiệp Bách Khoa là chúng tôi nhận, ngay cả sinh viên tốt nghiệp đúng ngành bán dẫn. Điều kiện trước hết vẫn là phải giỏi, chứ không phải học làng nhàng là có thể vào làm được. Điều tôi muốn nhấn mạnh là chất lượng của sinh viên chứ số lượng thì không nói được".
Thời gian gần đây, vấn đề nhân lực cho ngành bán dẫn thường được các lãnh đạo Việt Nam nhắc đến như một phong trào và đưa ra nhiều con số mục tiêu được các chuyên gia nhận định là khó thực hiện. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định thêm :
"Người nghe phải hiểu đây là một biện pháp tuyên truyền, để có thể có kích động những người tham gia. Nhưng tôi nghĩ phải rất là thực tiễn, Việt Nam muốn trở thành một trung tâm của Việt Nam đã khó chứ chưa nói đến là trung tâm của khu vực, còn nói chi trung tâm của thế giới. Chúng ta phải biết rất rõ hoàn cảnh cụ thể của chúng ta, cố gắng hết sức để theo trình độ của thế giới. Còn khoác lác vỗ ngực sẽ thế này, sẽ thế kia thì chỉ là biện pháp tuyên truyền và làm không khéo thì nó sẽ phản tác dụng".
Còn Giáo sư Phạm Minh Hoàng thì cho rằng :
"Thật sự những chuyện này không lạ ở Việt Nam, từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc còn làm Thủ tướng từng nói, 52 tỉnh thành Việt Nam đều là những đầu tàu của thế giới… Tôi thấy chuyện đó lố bịch quá. 10 phần mình phải làm được bảy hay tám phần thì hãy công bố, chứ không phải còn cách quá xa mục tiêu, thậm chí từ zero mà đã nói".
Theo trang Thư viện Pháp luật, ngành bán dẫn là ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính và thiết bị di động bằng cách sử dụng chất bán dẫn. Chất có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Các vi mạch và chip được sản xuất từ chất bán dẫn này.
Nguồn : RFA, 22/04/2024
No comments:
Post a Comment