Nguyễn Đình Cống
(VNTB) – Bản chất độc tài chưa đủ để tạo ra tham nhũng mà phải là độc tài của những người kém trí tuệ và tham lam.
Cứ mỗi đợt lò của ông Nguyễn Phú Trọng nhập thêm vài súc củi gộc, lần sau lớn hơn lần trước thì một số người hân hoan, phấn khởi, ca ngợi, hy vọng, nhưng một số khác lại thờ ơ vì cho rằng ông Trọng không thật lòng chống tham nhũng, nên vừa đốt củi này lại để củi mọc lên ở chỗ khác. Vì sao vậy?. Vì một lý do nào đó mà vô tình hay cố ý không vạch ra nguyên nhân cơ bản (NNCB) làm phát sinh, phát triển tham nhũng. Ban do ông Trọng lập ra có tên “chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, nhưng chẳng thấy phòng được gì, chỉ thấy tìm củi để đốt. Mà phải chăng, tham nhũng chỉ mới là tiêu chuẩn cần nhưng chưa đủ để đưa vào lò.
Tôi không đồng ý với một số người cho rằng “Nguyên nhân cơ bản của nạn tham nhũng là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm suy thoái tư tưởng chính trị dẫn đến thoái hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ các cấp các ngành”(1).
Trong văn bản Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực không nêu nhiệm vụ tìm nguyên nhân tham nhũng và ở mục 1 điều 3 có ghi :
Điều 3. Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo
1.Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.
Theo Đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị là nghi ngờ chủ nghĩa Mác Lê (CNML) và lý tưởng cộng sản (LTCS), là đòi đa nguyên, đòi thoát ly sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, là phủ nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và đòi thành lập các tổ chức xã hội dân sự v.v…,. Đảng cho rằng đó là tiêu cực lớn và rất lo sợ điều này, phải xem việc chống lại nó là trọng tâm.
Xin tạm chưa bàn đến quan điểm của Đảng là đúng hay sai, chỉ biết rằng những điều vừa kể là sự nhận thức lại về CNML và LTCS của một số người. Trước đây họ nhận thức rằng bản chất CNML là đúng, là tốt, LTCS là đáng tôn thờ thì bây giờ, qua kiểm nghiệm thấy rằng nó khác xa chứ không phải như thế. Thực tế chứng tỏ rằng, sự nhận thức lại bất kỳ việc gì, thường là đúng. Đảng đang ra sức chống người có nhận thức lại, kết tội họ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Việc đó là trái lẽ tự nhiên.
Đọc kỹ đoạn trên thấy rằng kết luận (1) chưa phải là NNCB mà chỉ là nguyên nhân gần. Dùng A>>B để ký hiệu “A là nguyên nhân, sinh ra B là kết quả”. Trong chuỗi A>>B>>C>> ….>>M>>N, khi truy từ A sinh ra B cho đến N, là truy xuôi, từ nguyên nhân ra kết quả, còn truy từ N ra M cho đến A là truy ngược, từ kết quả tìm nguyên nhân. Có M>>N rồi, cần hỏi tiếp, cái gì làm sinh ra M. Trong việc truy ngược này sẽ truy được nguyên nhân gần đến nguyên nhân cơ bản, giống như lần theo các cành cây, từ cành bé đến cành lớn để tìm gốc rễ. Truy ngược, đến một lúc thấy tạm đủ, không cần truy tiếp hoặc không thể tìm được câu trả lời mà phải công nhận là “Trời sinh ra thế” (Ngẫm hay muôn sự tại Trời- Truyện Kiều) thì có thể dừng lại và xem đó là NNCB.
Mà một kết quả N thường không phải chỉ do một nguyên nhân M mà là có sự kết hợp giữa nguyên nhân M1 và nguyên nhân M2 trong đó một cái được gọi là nhân, cái kia là duyên. Thí dụ một đám cháy, do chập điện tạo ra tia lửa (nhân), nó chạm vào vật cháy ngay được (duyên) mới xảy ra đám cháy.
Để đề phòng, khắc phục, tiến tới xóa bỏ được một tai họa thì phải tìm cho được NNCB, còn nếu chỉ tìm thấy nguyên nhân gần mà tập trung vào chữa nó thì giống như bệnh trong tủy sống làm da bị ngứa mà chỉ gãi ngoài da, gãi chỗ này chưa xong đã ngứa chỗ khác. Tìm ra nguyên nhân gần khá dễ. Nhưng khi Đảng tuyên bố nguyên nhân (1) thì nhiều kẻ a dua đã vội ca ngợi và reo lên “Tìm thấy rồi”.
Phân tích mấy điều trình bày ở trên có thể vạch ra một số ngụy biện. Thứ nhất là ngụy biện kiểu “vàng thau lẫn lộn” bằng cách ghép người tự diễn biến về tư tưởng với người thoái hóa đạo đức. Hai loại người này đều bị Đảng chống lại, nhưng cho rằng từ tự diễn biến về tư tưởng chính trị sẽ chuyển thành thoái hóa đạo đức là một sự vu cáo. Trong thực tế có thể tìm thấy một vài người như thế, nhưng đó không phải là tất yếu. Đại diện cho những người tự diễn biến như các tướng Trần Độ, Đặng Kim Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, các ông Trần Xuân Bách, Hoàng Minh Chính, Chu Hảo, Nguyễn Đình Bin, Hà Sĩ Phu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Hộ, Tống Văn Công, Phạm Đình Trọng, Tương Lai và nhiều trí thức phản biện khác, đã bị Đảng lên án hoặc trừng phạt. Họ là những người có đạo đức trong sáng, là những người yêu nước chân chính. Trộn tên của họ cùng với tên những ủy viên bộ chính trị, ủy viên BCH TƯ mà tham nhũng, đòi hối lộ là một thủ đoạn, nếu không phải đê hèn thì cũng chứng tỏ có trí tuệ quá thấp kém.
Từ phân tích vừa nêu thì phải bỏ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị ra khỏi định nghĩa (1) và chỉ giữ lại :“Nguyên nhân của nạn tham nhũng là sự thoái hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ các cấp các ngành”(2) .
Thứ hai, câu (2) vẫn chỉ là nguyên nhân gần mà chưa phải là NNCB, vì còn có thể hỏi và trả lời “Cái gì làm sinh ra sự thoái hóa đạo đức”. Cái đó là lòng tham có sẵn trong mỗi con người, là bản tính của con người, nó thuộc vào những yếu kém trong truyền thống chưa gột rửa được, và hình như không thể loại bỏ được, chỉ có thể hạn chế. Chứng cớ là người thuộc dân tộc nào, ở thời đại nào cũng có lòng tham, nhưng tham nhũng thì nơi này ít, nơi khác nhiều, lúc này ít, lúc khác nhiều. Ít hay nhiều lại phụ thuộc vào thể chể chính trị là dân chủ, quang minh hay độc tài, xảo trá; vào mức độ minh bạch, liêm khiết, uy tín của chính quyền. Cũng với những con người ấy nhưng với chính thể dân chủ, minh bạch thì nếu có tham nhũng cũng sẽ ít hơn (hoặc không có) so với thể chế độc tài, xảo trá, không minh bạch.
Lòng tham của con người chỉ mới là một phần của NNCB tạo ra tham nhũng, tạm xem nó là nhân. Nó còn cần kết hợp với duyên là thể chế độc tài, không minh bạch. Bản chất độc tài chưa đủ để tạo ra tham nhũng mà phải là độc tài của những người kém trí tuệ và tham lam.
Độc tài ở Việt Nam hiện nay là chuyên chính vô sản, một thể chế độc tài toàn trị của đảng cộng sản, chưa từng có trong lịch sử trước khi có Liên xô, là độc tài của những người vừa kém trí tuệ, vừa tham lam, bắt toàn dân phải phục tùng. Nó được dựng lên từ cách mạng và chiến tranh do Đảng lãnh đạo, được duy trì và củng cố bằng một số thủ đoạn. Một là bằng bạo lực của công an cùng hệ thống tư pháp do Đảng lập ra, sẵn sàng dẫm lên công lý, chà đạp nhân quyền. Đó là biện pháp làm cho người ta sợ, không dám làm, không dám nói. Hai là hoạt động của tuyên giáo với những thủ đoạn gây ra và phát triển lòng hận thù giai cấp, không dung tha những ý kiến phản biện; bằng những lời ca ngợi CNML, LTCS , sự anh minh của Đảng cùng lãnh tụ . Ba là tạo ra “Giai cấp thống trị mới”, đó là các “nhóm lợi ích” gắn kết chặt chẽ giữa những người có quyền cao chức trọng trong chính quyền cộng sản với bọn “tư bản đỏ” là những người rất giàu, vừa nổi lên nhờ kết hợp với nhóm có quyền, làm sân sau cho họ. Chinh giai cấp thống trị mới đã tạo ra một chế độ tư bản hoang dã, mang danh định hướng này nọ.
Tôi đã khái quát hóa như sau : Nguyên nhân cơ bản của mọi tai họa mà nhân dân Việt Nam phải chịu hiện nay (trong đó có nạn tham nhũng) là sự kết hợp và cộng hưởng, một bên là những yếu kém của truyền thống dân tộc, một bên là chất độc hại trong CNML.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Lấy vài thí dụ. 1- Yếu kém của truyền thống như là dân trí chính trị thấp, dân chưa quen với sinh hoạt dân chủ mà quen với việc tin và sợ chính quyền, lại quen với cảnh “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Những yếu kém này rất thích hợp cho thể chế độc tài chuyên chính vô sản được dựng lên theo CNML, không minh bạch, không cho tự do ngôn luận, nơi các người có quyền vừa thiếu trí tuệ và tham lam bao che cho nhau, không để dân biết những việc làm gian dối của họ.
2-Dân trí người Việt nói chung còn thấp, quen với việc lười suy nghĩ. Điều này dễ dàng kết hợp với chủ trương của những người truyền bá CNML rằng phải thống nhất và độc tôn tư tưởng. Mọi người không cần và không được có ý nghĩ khác với lãnh đạo vì có gì cần suy nghĩ thì lãnh đạo đã nghĩ và luôn luôn đúng, luôn luôn sáng suốt, người thường chỉ cần làm theo mà không được phản biện. Thế thì cần gì phải suy nghĩ cho mệt óc, giáo dục chỉ cần đào tạo ra loại người chỉ biết vâng lời.
3- Bao dung là một nét tốt của văn hóa đối xử. Để có được tính bao dung cần có nền GD nhân bản cao. Nhưng ngược lại tật tranh giành, tước đoạt tài sản của người khác là thói xấu dễ lây lan, lại vẫn còn tồn tại trong một số người Việt. CNML chủ trương và đề cao dùng bạo lực trong đấu tranh giai cấp, là biện pháp dùng để cướp quyền và giữ ổn định chính trị, nó rất dễ kết hợp với tính cách hung bạo của một số người trong quần chúng cách mạng.
Sự kết hợp và cộng hưởng là tự động, không có người chủ trương, không có ai lập kế hoạch và chỉ đạo, theo kiểu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Nhưng phải có người chịu trách nhiệm. Đó là lãnh đạo của Đảng CS. Nếu xã hội VN không do Đảng CS kiên trì CNML thì lấy đâu ra những độc hại của nó để kết hợp với những yếu kém trong truyền thống. Nguyên nhân cơ bản phải được vạch ra để có phương hướng đúng trong việc phục hưng.
Trong một cuộc hội thảo của Hội cựu giáo chức toàn quốc vào năm 2013 do Chủ tịch hội Phạm Minh Hạc chủ trì, bàn về “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục”, có vài đại biểu tham luận cho rằng cần gắn chặt tư tưởng Hồ chí Minh với CNML. Tôi đã công khai phát biểu, chỉ ra vắn tắt những độc hại của CNML, vậy để làm tốt việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh thì cần từ bỏ CNML. Ý kiến đó tuy hồi ấy bị một số đại biểu không hiểu được, nhưng có nhiều đại biểu khác tỏ ra đồng tình.
Tham nhũng, hối lộ bắt đầu từ việc đưa quà cáp, biếu xén có tác dụng tích cực như thứ dầu mỡ bôi trơn mà nguyên nhân gần là vì lương cán bộ thấp, đời sống khó khăn.
Tại sao lương thấp ?
Lương của công chức VN cao hay thấp là ở hệ số: m = L / (LTT), (trong đó L là tiền lương tháng trung bình (thí dụ ở VN hiện nay là L=250 đô la), LTT là lương tối thiểu. Hệ số m dùng để tinh : L= m.LTT. Mỗi lần tăng lương cá nhân là tăng m, còn tăng lương đồng loạt là tăng LTT. Hệ số lương m chỉ phản ảnh lương của công chức trong nước so với nhau. Để có cái nhìn toàn diện hơn nên dùng hệ số : k = L/GDP là hệ số lương công chức, GDP là thu nhập bình quân của xã hội trên đầu người. Có lẽ nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam thuộc loại có k thấp nhất thế giới.
Tại sao vậy?. Để trả lời phải quay về năm 1945. Lãnh đạo của Việt Minh, vì muốn lôi kéo nhiều người theo nên đã thực hiện một số việc nặng tính dân túy, trong đó có ba việc tạo ra lương thấp. Một là vì cướp chính quyền mà không kế thừa được những gì chính quyền cũ để lại, ngân khố trống rỗng, dù có tổ chức “Tuần lễ đồng, tuần lễ vàng” nhưng chỉ tạm đủ đút lót cho bọn Tàu Ô để chúng rút quân về, nhường chỗ cho quân Pháp. Thu ngân sách được đồng nào lại chủ yếu chi cho chiến tranh. Hai là, muốn có tiền thì phải thu thuế, nhưng đã lỡ tuyên truyền rằng phải đánh đổ thực dân và phong kiến vì chúng thu nhiều thuế, bòn rút nhân dân đến xương tủy, nay cách mạng sẽ giảm hoặc bỏ thuế cho dân. Ba là dựa quá nhiều vào tinh thần của các cán bộ cách mạng, cho rằng cán bộ là đầy tớ dân, có trách nhiệm phục vụ dân, mà trong lúc ngân khố của chính phủ đang eo hẹp thì cán bộ phải biết thắt lưng buộc bụng. Lương của Chủ tịch nước, của thủ tướng chính phủ, cũng chỉ nhiều hơn lương của cán bộ một chút.
Thực ra đây là một kiểu ngụy biện, vì thu nhập của cán bộ còn có những thứ được cung cấp, mà cán bộ càng cao thì cung cấp càng nhiều, đặc biệt là nhà đất, xe, đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, thuốc men. Tôi biết một số người mà những thứ họ được cung cấp có giá trị bằng hàng chục lần tiền lương suốt đời. Đó là những người may mắn bậc trung. Còn nhiều người may mắn bậc cao thì khi họ bán bất động sản được phân phối có thể thu nhiều trăm tỷ, gấp hàng trăm lần tiền lương. Đó là chưa kể những vị còn có những bỗng lộc khác. Còn những vị tham nhũng thì không sao kể xiết.
Nhưng không phải tất cả đều có may mắn. Tôi cũng có một số bạn là giáo sư, hầu như không được phân phối thứ gì có giá trị. Việc này thể hiện sự bất công của chế độ lương kèm phân phối.
Khi kinh tế phát triển, chính phủ có tăng lương hàng loạt cho công chức, nhưng vẫn chưa đủ, chỉ tăng nhỏ giọt. Vì sao vậy. Vì sự phát triển về số lượng của những người hưởng lương quá lớn. Hiện có trên một triệu sáu trăm ngàn giáo viên, còn người trong quân đội, công an và cơ quan nhà nước gồm ba hệ thống chồng chéo, dẫm đạp lên nhau (Đảng, chính quyền, mặt trận), người hưởng lương hưu, không biết bao nhiêu nữa. Nếu tăng lương tháng cho mỗi người một triệu thì mỗi năm ngân sách phải chi thêm nhiều chục ngàn tỷ
Nhà nước kêu gọi giảm biên chế từ năm 1949 nhưng càng kêu gọi thì biên chế càng tăng vì giảm chỗ này thì chỗ khác phình ra do nạn tham nhũng quyền lực, một thứ tham nhũng gắn với chế độ, được ngụy trang là lòng tốt và còn tệ hại hơn tham nhũng vật chất. Đó là người có quyền tìm mọi cách đưa người thân quen vào biên chế, tở thành công chứa, hưởng lương. Tuy đồng lương ít ỏi, nhưng họ nhìn xa hơn, được hưởng lương hưu khi về già, được mang danh cán bộ nhà nước. Đưa được người vào biên chế rồi thì đưa tiếp họ vào Đảng và tìm cách tiến thân bằng “các thủ đoạn ranh ma”.
Lại còn cách phân loại cơ quan theo số lượng cán bộ. Cán bộ càng đông thì cơ quan càng lớn và thủ trưởng có càng nhiều quyền nhiều lợi. Các thủ trưởng cơ hội và tham nhũng quyền lực tìm đủ mọi cách tăng số lượng cán bộ.
Một cách làm tăng biên chế là lương èo uột, cán bộ làm việc cầm chừng, năng suất thấp nên phải tăng số lượng để bù chất lượng. Đây là hiệu ứng “vòng quanh đèn cù”
Quay trở lại với tác dụng của dầu mỡ bôi trơn. Có bôi có trơn thật. Nhưng rồi lãnh đạo vì vô minh mà không thấy trước sự phát triển tai hại của thứ dầu mỡ này, hoặc cũng muốn dùng nó để trục lợi nên chỉ kêu gọi chống lại bằng lời chứ không hành động có hiệu quả. Muốn hành động có hiệu quả thì trong hai nguyên nhân cơ bản phải trừ bỏ hoặc hạn chế ít nhất một thứ. Mà bỏ được yếu kém của truyền thống thì quá khó, chỉ có thể khắc phục một cách chậm rãi, còn độc hại của CNML thì có thể từ bỏ nhanh hơn. Mà từ bỏ CNML thì lãnh đạo cao cấp của Đảng không muốn, làm như vậy khác nào tự phủ định, tự cầm dao cứa vào cổ mình, tự phá nát nhóm lợi ích, tự giải tán giai cấp mới mà vì nó phải tốn bao công sức, xương máu (của người khác) mới tạo nên được. Đó là lý do chính mà khi lò của ông Trọng đang đốt củi này thì nhiều củi khác vẫn mọc ra. Củi vẫn mọc vì nguyên nhân cơ bản vẫn chưa bị đụng đến. Phải chăng các nhà lý luận của Đảng chưa thấy. Không phải họ chưa thấy mà họ bị buộc phải ngụy biện để che giấu sự thật. Những người bị đặt dưới sự khống chế của Đảng, không có tự do tư tưởng, không thể nào tìm được đúng nguyên nhân cơ bản của tham nhũng tại Việt Nam hiện nay.
https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-tai-sao-dang-che-giau-nguyen-nhan-co-ban-cua-tham-nhung/ .
No comments:
Post a Comment