Wednesday, December 6, 2023

Đập phá trước, đền bù sau: tiền lệ xấu từ chính quyền TP.HCM

 Hoài Nguyễn 

(VNTB) – Để được bồi thường thì trước khi đập phá, phải có “kiểm đếm bắt buộc” được quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai. 

Tuần lễ nữa sẽ động thổ khởi công dự án xây dựng trường học ở khu vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP.HCM. 

Chi trả hỗ trợ: khi sự việc ở thế đã rồi 

Việc “chi trả hỗ trợ” đang được tiến hành với những người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng sau thời gian mấy năm trời bị chính quyền cưỡng chế đập phá toàn bộ nhà cửa của người dân nơi đây. 

Theo thông báo từ nhà chức trách, đến ngày 5-12-2023, quận Tân Bình tiến hành chi trả tiền hỗ trợ 40 trường hợp và ngày 6-12 sẽ chi trả cho 28 trường hợp. Trong sáng 5-12, có 25 trường hợp đầu tiên đã hoàn tất thủ tục nhận hỗ trợ. 

Vấn đề pháp lý đặt ra: tài sản nhà cửa đã bị đập phá trước khi làm thủ tục kiểm đếm, vậy thì căn cứ vào đâu để có các mức gọi là “chi trả hỗ trợ”? Và khi đã gọi là “chi trả hỗ trợ”, phải chăng đây là dự án thuộc diện “không được bồi thường về đất ở”?. 

Vì sao người dân Lộc Hưng không được bồi thường?

 Thử cùng phân tích qua pháp luật chuyên ngành về đất đai. Theo đó, Luật Đất đai hiện hành, tại Điều 82. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất, ghi:

 “Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây: 

1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này; 

2. Đất được Nhà nước giao để quản lý; 

3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này; 

4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này”. 

Về các khoản, điều nói trên, có nội dung như sau: 

“Điều 76. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng 

1.Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: 

a) Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này;

 b) Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất; 

c) Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; 

d) Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn; 

đ) Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối”. 

“Điều 64. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai 

1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: 

a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

 b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; 

c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; 

d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; 

đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm; 

e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm; 

g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành; 

h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

 i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. 

2. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. 

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”. 

“Điều 65. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người 

1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm: 

a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; 

b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

 c) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; 

d) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;”.

 “Điều 77. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân 

2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này”. 

Tiền lệ xấu từ chính quyền đô thị TP.HCM 

Như các nội dung cụ thể trên thì các hộ dân ở vườn rau Lộc Hưng chịu sự điều chỉnh của khoản 2, Điều 77 Luật Đất đai, tức họ phải được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, chứ không phải là “chi trả hỗ trợ” như kiểu ban ơn. 

Và để được bồi thường thì trước khi diễn ra cảnh đập phá, buộc phải thực hiện yêu cầu “kiểm đếm bắt buộc” được quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai.

 Thế nhưng với những gì đang diễn ra ở TP.HCM cho thấy một tiền lệ xấu về pháp luật đang mở ra: cứ thoải mái đập phá và sau đó chỉ cần… ‘bố thí’ chút bạc gọi là “chi trả hỗ trợ”, trước sức mạnh của họng súng quyền lực thì dân đen cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt thôi.

https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-dap-pha-truoc-den-bu-sau-tien-le-xau-tu-chinh-quyen-tp-hcm/ .

No comments:

Post a Comment