1. Ở Chương trình giáo dục 2006, ngoại ngữ là môn học chính thức từ lớp 6 đến lớp 12, trong đó đã bao gồm bốn môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc. Nghĩa là môn Tiếng Trung Quốc không phải bây giờ mới được đưa vào chương trình giáo dục.
Điểm khác của Chương trình 2018 là, bên cạnh bốn môn đã kể trên thì còn thêm ba môn nữa là Tiếng Nhật, Tiếng Hàn và Tiếng Đức (trong đó hai môn sau cùng thuộc diện thí điểm). Ngoài ra, đây là hệ 10 năm và có số tiết tăng lên rất nhiều so với chương trình 2006.
Vậy tại sao nhiều người lại tỏ ra bất ngờ với thông tin về việc Bộ GD&ĐT ban hành công văn trong đó có nội dung phê duyệt danh mục sách giáo khoa môn tiếng Trung? Vì dù trước đây tiếng Trung [bên cạnh ba môn ngoại ngữ khác] đã được quy định trong chương trình nhưng dường như không có học sinh đăng ký học, mà đến 99% đã chọn học tiếng Anh, thành ra không ai nhìn thấy việc học tiếng Trung diễn ra cả.
Thực tế này gây ra một sự hiểu sai rằng, trước đây tiếng Trung không có trong chương trình giáo dục phổ thông và nay mới đưa vào.
Sự hiểu lầm này cộng với một cái hiểu lầm khác nữa, là việc bỏ quy định bắt buộc thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 bị diễn đạt thành “bỏ học môn tiếng Anh”, đã dẫn đến những suy diễn rất xa với sự thật. Ai cũng biết, bỏ việc bắt buộc thi, không đồng nghĩa với bỏ việc bắt buộc học, thế mà không ít người vẫn hiểu hai sự việc thành một.
2. Như đã nói trên, Chương trình 2018 có bảy môn ngoại ngữ 1 (bên cạnh ngoại ngữ 2) và học sinh được chọn một trong bảy môn ấy để theo học từ lớp 3 đến hết lớp 12. Có nghĩa là, rất có thể “lịch sử lại lặp lại” với con số 99% chọn học tiếng Anh mà không một ai chọn tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Nga như đã từng diễn ra với chương trình 2006.
Một khi học sinh được chọn học một trong các môn được quy định trong chương trình thì tất nhiên phải dẫn đến quyết định rằng không thể quy định môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc được. Vì giả sử trên cả nước có 5.000 học sinh chọn học tiếng Pháp mà quy định lại là bắt buộc thi tiếng Anh thì rõ ràng phi lý và không thể chấp nhận được.
Thêm nữa, chúng ta cũng cần nhắc lại rằng, các môn ngoại ngữ được quy định trong chương trình sẽ do học sinh tự chọn, chứ không phải bắt buộc. Và điều ấy là đúng, việc học phải tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu của mỗi người chứ không nên cưỡng ép. Nếu tiếng Anh vẫn là môn quan trọng nhất đối với tương lai của mỗi người thì tất yếu học sinh sẽ tự khắc chọn mà không cần lo lắng rằng môn này từ nay sẽ sa sút.
Theo thông tin từ đạo diễn Đoàn Hồng Lê, Mỹ cũng đưa tiếng Trung vào dạy trong trường phổ thông và hiện có 1.600 trường tiểu học và cấp 2 ở Mỹ có chương trình ngoại ngữ là tiếng Trung. Ở Anh đến 2016 có 13% trường công và 46% trường tư thục dạy tiếng Trung. Ở Đức và Tây Ban Nha, trẻ em mẫu giáo đã được học tiếng Trung để dễ tìm cơ hội việc làm trong tương lai. Hiện có hơn 70 nước đưa tiếng Trung vào chương trình học chính khoá trong đó có cả Nhật, Hàn.
Tóm lại, ngoại ngữ là một môn học luôn cần thiết, và cũng là một công cụ quan trọng trong việc hiểu biết các nền văn hóa để từ đó chủ động trong việc theo đuổi nhu cầu của mình. Học tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Trung, tiếng Nhật… đều tốt, miễn là nó mang lại hiệu quả thực tế.
Vấn đề đáng bàn hơn là làm thế nào để việc dạy môn ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông phải trở nên có chất lượng thực sự chứ không còn đáng thất vọng như từ trước đến nay. Học suốt từ lớp 6 đến hết lớp 12 mà đa số học sinh không sử dụng được tiếng Anh, đó là một điều vô lý và lãng phí ghê gớm. Hi vọng, và đòi hỏi rằng chương trình mới sẽ không còn lặp lại thảm trạng ấy nữa.
No comments:
Post a Comment