Diệp Chi
(VNTB) – Ra đường trong giờ hành chánh sẽ thấy kẹt xe dường như đến từ… xe hơi
Câu chuyện “Nhiều người Việt đang mắc kẹt với xe máy” hay “Xe máy là thủ phạm gây ùn tắc giao thông” hoặc “cấm, hạn chế xe máy”… dường chừng như vẫn còn là vấn đề gây ra tranh luận.
Với người thường xuyên đi phương tiện công cộng để đi làm, thì ủng hộ việc hạn chế hoặc tiến tới là cấm hẳn xe máy. Một số không ít người đi xe hơi thì đổ lỗi do xe máy chạy ẩu, lấn làn dẫn đến kẹt xe. Một số khác, với tiêu chí quyết tâm không đi xe công cộng vì rất nhiều lý do bất cập, thì kiên quyết phản bác cái ý tưởng cấm, hạn chế xe máy.
“Rồi, bây giờ đồng ý là cái ý kiến cấm, hạn chế xe máy đó “ổn áp” hơn đi. Vậy thì như tui và bao nhiêu đồng nghiệp khác, phải làm cái gì để kiếm sống? Nói thiệt, từ cái lúc giãn cách hết chỉ thị này đến chỉ thị khác, hết kéo dài rồi siết chặt, lại siết chặt hơn, tài chính đã kiệt quệ lắm rồi. Tưởng chừng mở ra, thời gian đầu khó khăn, sau đó sẽ sáng sủa hơn. Ai dè, càng lúc càng khó khăn. Kiếm đồng tiền đã khó, đã vậy còn điện tăng, vật giá tăng… đủ mọi thứ.
Đó là chưa kể, thất nghiệp càng lúc càng nhiều. Như người quen của tôi, làm công nhân bị thất nghiệp rồi một đứa cháu học đại học xong, cũng thất nghiệp. Nói văn chương một chút, dòng đời vẫn trôi, vì cuộc sống, phải mưu sinh chứ, chọn nghề gì? Giao hàng, xe ôm… Đưa cái ý kiến gọi là cấm, hạn chế xe máy, nghe qua đã là vô lý rồi, xét góc độ tình nghĩa, nó chả có chữ tình nào cả”, ông Hai bức xúc.
Ở một góc độ khác, theo người tham gia giao thông tên Minh, kẹt xe, chưa hẳn đến từ xe gắn máy: “Mấy ông nói theo ý mấy ông thôi, chứ ra đường mà dòm đi. Lúc kẹt xe, xe bus rồi xe bốn bánh, xe 16 chỗ, lấn đầy nhóc sang làn đường của xe máy. Ủa, người ta đang yên đang lành, anh lấn sang làn của chúng tôi, làm sao chúng tôi đi? Một là leo lề, hai là tranh thủ những khoảng trống nhỏ bên làn xe hơi để lách. Các anh đi xe hơi có việc của các anh, chúng tôi đi xe máy cũng có việc của chúng tôi vậy. Các anh muốn đi nhanh, muốn mau thoát kẹt xe, chúng tôi cũng y như vậy mà. Lỗi là do ai mà mấy ông toàn đổ hết cho xe gắn máy vậy?”.
Ủng hộ ý kiến của anh Minh, theo bà Út thì: “Thay vì cứ chăm chăm vào vấn đề của xe máy. Sao không kiểm tra kỹ những chiếc xe hơi đi. Dĩ nhiên, tôi không nói tất cả, bởi có những người chạy rất đàng hoàng, nghiêm túc. Nhưng cũng có không ít những chiếc xe chạy vô cùng ẩu. Thích quẹo lúc nào là quẹo. Thích dừng ngay ngã rẽ là dừng. Thích đậu xe ở đâu là đậu.
Trên thực tế, có bao nhiêu xe hơi gây ra tai nạn giao thông rồi tai nạn liên hoàn rồi? Khi có chuyện thì một là lỗi kỹ thuật xe, hai là lỗi đạp nhầm chân ga. Cuối cùng thì sao, im ru. Có đụng chết người thì cái giá phải trả là như thế nào? Hay chỉ đền 1-2 trăm triệu là xong xuôi?
Hay như một trường hợp tôi tận mắt chứng kiến, ở ngã tư gần công an tỉnh Bình Dương, một chiếc xe hơi quẹo trái, tỉnh bơ, vừa chạy vừa nghe điện thoại, không giảm tốc độ khi tới ngã quẹo. Người ta bóp kèn vẫn không xi nhê gì cái ông tài xế đó hết”.
Tựu trung lại, có thể thấy, vấn đề nào cũng có nhiều mặt của nó. Nếu quy kết hết lỗi là do xe gắn máy, xem ra, đó là một ý kiến duy ý chí và không ‘sòng phẳng’ về… tình người…
Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-ket-xe-hoi/ .
No comments:
Post a Comment