Tuesday, November 21, 2023

Bà Bộ trưởng Y tế nhầm lẫn giữa ‘bệnh án’ và ‘giấy chuyển viện’?

 Mai Lan   

(VNTB) – Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: “Vai trò giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án. Nên chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết”.   

Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Công Hoàng, giám đốc bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nhìn nhận việc chuyển tuyến vốn có hai ý nghĩa là để quản lý quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh không vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều với bệnh thông thường. “Nhưng chính sách lại đẩy khó cho người dân. Họ không có trách nhiệm phải bảo vệ quỹ Bảo hiểm y tế và giải quyết chính sách”, ông Hoàng nói. 

Ông đề xuất giải pháp công khai danh mục kỹ thuật bệnh viện tuyến huyện thực hiện được, để những kỹ thuật nằm ngoài khả năng điều trị thì bệnh nhân đương nhiên được lên tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện. Trường hợp kỹ thuật bệnh viện huyện làm được nhưng vẫn chuyển lên tuyến trên thì mới cần giấy chuyển viện. 

Ông Nguyễn Anh Trí, cựu Viện trưởng của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi. Hiện công nghệ thông tin đã tiến bộ và việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông suốt. 

“Hiện tại, hơn 93% dân số Việt Nam đã có bảo hiểm y tế thì việc có thêm barrier (rào chắn) đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ” – vị đại biểu Quốc hội này đề nghị. Ông Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị đẩy mạnh thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tới phải làm sao để người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc… Phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này. 

Phản hồi ý kiến trên của hai thầy thuốc, bộ trưởng Đào Hồng Lan dường như trong cách nghĩ đã ít nhiều nhầm lẫn về “bệnh án”, khi bà cho rằng “Vai trò giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án”. 

Theo bà Lan, luật Khám chữa bệnh cũ chia làm 4 cấp chuyên môn khám, chữa bệnh, luật mới hiện hành là 3 cấp, đảm bảo các cấp nào được khám, chữa bệnh đến mức độ nào, căn cứ khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng người bệnh. 

“Giải quyết bài toán quá tải cũng qua nhiều đời bộ trưởng phải giải trình rồi. Vấn đề chuyển tuyến, từ 2014 phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên, nhưng 2016 đã thông tuyến cấp huyện và 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh. Bước chuyển tuyến tạo thuận lợi cho người dân đã cơ bản hoàn tất. Nhưng vấn đề là từ tuyến huyện, tuyến tỉnh có được chuyển thẳng lên tuyến trung ương hay không?” – Theo bà Lan, hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài. Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân. 

Câu hỏi là có bỏ được giấy chuyển tuyến hay không? Theo bộ trưởng Bộ Y tế, vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ “tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án”, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết. 

Mẫu giấy chuyển tuyến được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, chỉ là phần gọi là “tóm tắt bệnh án”.

 Theo Khoản 1 Điều 59 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định: Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước: bệnh án nội trú, ngoại trú được lưu trữ ít nhất 10 năm; hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được lưu trữ ít nhất 15 năm; hồ sơ bệnh án đối với người bệnh tâm thần, người bệnh tử vong được lưu trữ ít nhất 20 năm. 

Như vậy, trong thủ tục của giấy chuyển viện không có chuyện ghi rõ bệnh án như cách diễn đạt của bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Điều này cũng giải thích cho chuyện vì sao mỗi lần chuyển viện thì ở cơ sở điều trị sau thường yêu cầu làm lại các xét nghiệm y khoa tương tự với cơ sở điều trị trước đó.

 *** 

Một bác sĩ kể: Năm 2005 tôi là trưởng khoa khám bệnh, được ủy quyền ký giấy chuyển viện. Tôi lập tức nếm mùi phức tạp. Lúc đó bảo hiểm y tế (BHYT) căn cứ vào số thẻ đăng ký tại bệnh viện mà giao quỹ BHYT. Chuyển bệnh nhân đi là giao tiền của mình cho viện khác tiêu hộ, điều mà trong thâm tâm không ai muốn cả. 

Sau này tôi chuyển công tác tới bệnh viện khác, ở đâu tôi cũng chứng kiến nỗi khổ của giấy chuyển viện. Đầu tiên là bệnh nhân khổ. Đến viện nào cũng bị hỏi có giấy chuyển không. Nhưng chỉ có xin giấy từ xã lên huyện là dễ nhất. Còn lại thì vô vàn khó khăn, nhẹ là năn nỉ, nặng là dọa dẫm mới được chuyển tuyến. 

Bác sĩ cũng khổ. Nếu bệnh nặng thật sự thì bệnh nhân không đòi, bác sĩ cũng chuyển ngay, nhưng phần nhiều bệnh nhân đòi chuyển tuyến chỉ vì không tin tưởng ở lại. Cho chuyển là mình bị hụt quỹ. Mà không cho thì có thể bị xúc phạm. Tôi ngoài miệng vẫn phải giải thích kỹ để giữ bệnh nhân ở lại nhưng thâm tâm cũng thấy bất ổn. Rõ ràng là mình đang hạn chế quyền tự do lựa chọn nơi khám bệnh của người dân. 

Tại sao người bệnh thích chuyển lên tuyến cao hơn? Do tuyến trên điều trị tốt hơn? Điều này cũng đúng nhưng chỉ đúng một phần. Có một lý do khác, là càng lên tuyến trên càng được thuốc đắt tiền hơn, xét nghiệm nhiều hơn. Cũng là bệnh tăng huyết áp, nếu chữa ở tuyến dưới thì được thuốc hạ áp cổ điển, còn lên tuyến trên hoặc lên hẳn trung ương thì được thuốc mới nhất. Tức là càng lên tuyến trên càng được bảo hiểm chi trả cao hơn. 

Tổng kết của BHXH năm 2022, trung bình bao hiểm y tế chi cho một lần khám ngoại trú tuyến trung ương là 1,4 triệu đồng, tuyến tỉnh là 533 ngàn, tuyến huyện là 238 ngàn, xã là 84 ngàn đồng. Điều trị nội trú còn chênh lệch nữa, một đợt điều trị nội trú ở tuyến trung ương là 11 triệu đồng, tỉnh là 5 triệu, còn huyện chỉ 2,2 triệu. Dĩ nhiên có thể giải thích càng lên tuyến trên thì bệnh càng nặng, nên chi phí phải càng cao hơn. Nhưng cũng không loại trừ là do càng lên tuyến trên càng được chi trả rộng rãi, nên càng kích thích người dân xin chuyển tuyến, tạo nên áp lực quá tải ở tuyến trên.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-ba-bo-truong-y-te-nham-lan-giua-benh-an-va-giay-chuyen-vien/ .

No comments:

Post a Comment