Một tấm ảnh đăng trên trang mạng cá nhân Yen Nguyen của cựu nhà báo Nguyễn Thị Phương Yên (báo Lao Động) cho thấy 7 cô gái mặc áo dài mỏng màu xanh đang xúm xít nấp sau chiếc cột trên cầu Thăng Long (Hà Nội). Chút màu áo khác lộ ra nơi bắt đầu hai tà áo cho thấy các cô đã mặc một lớp áo sát người bên trong áo dài nhưng vẫn co ro, tay ôm chặt lấy người, cố gắng thu nhỏ mình lại. Có vài cô ngồi thụp xuống đất, lưng quay ra ngoài gió. Tất cả các cô gái đều có vẻ đang phải chịu lạnh cóng trong làn áo mỏng manh.
Ở một tấm ảnh khác, các cô gái vẫn trong tà áo dài đó, đang đứng bưng chiếc khay đựng dải vải đỏ thắt hoa đã được cắt ra nhiều phần, chứng tỏ một buổi lễ đã hoàn tất phần nghi thức quan trọng nhất theo cách thức được ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Đó là lễ thông xe cầu Thăng Long sau 5 tháng sửa chữa, diễn ra sáng 07-01-2021.
Trong bản tin thời sự của VTV trước lúc lễ thông xe diễn ra, người ta thấy quang cảnh buổi sáng trời Hà Nội âm u, sương mù mịt che kín bầu trời và mặt sông, gió thổi lồng lộng trên mặt cầu. Nhiệt độ Hà Nội sáng hôm đó chỉ khoảng 10oC, bản tin thời tiết đánh giá là “rét đậm rét hại”.
Ngay sát các cô gái trong tà áo dài mỏng bay phần phật trong gió mùa đông
là các quan chức-đàn ông, bọc kín trong nhiều lớp gillet ấm, áo khoác ngoài dày cộp nai nịt cùng khăn quàng cổ to dày không kém.
Bình luận trên trang cá nhân của nhà báo Yen Nguyen, nhiều người chỉ trích tâm lý ưa chuộng hình thức hão của những người tổ chức lễ thông xe.
Tôi cho rằng chỉ trích như thế là quá nhẹ.
Đấy không phải chỉ là sự thích khoe khoang, chuộng màu mè. Nó là tâm lý mục hạ vô nhân phổ biến của những ông chủ mới xã hội chủ nghĩa. Tất cả những ai mang lại quyền lợi cho họ là Trời, tất cả những người còn lại đều là bùn đất. Trong họ, chữ “nhân tính” không tồn tại. Họ nhìn nhận và đối xử với tất thảy những ai không giàu có, không quyền lực hoặc không mang lại mối lợi cho mình bằng con mắt dửng dưng như nhìn cái… cột điện.
Các cô gái lạnh tái người trong tà áo dài ư? Kệ các em. Các cô chỉ là những lọ hoa di động được thuê đến để làm vui con mắt của những tay đàn ông già lão, xấu xí, bụng phệ nhưng lắm quyền và tiền.
Thái độ khinh rẻ con người ấy tương phản nhưng lại hòa quyện và gắn chặt một cách hữu cơ với thái độ khom lưng uốn gối cũng của chính những ông chủ mới trước “quan trên”.
Dân miền Bắc chẳng ai lạ những thủ đoạn nịnh bợ, những ngón nghề hầu hạ quan trên như thế. Để tiến thân trong bộ máy công quyền và những doanh nghiệp nhà nước, người ta sẵn sàng thượng đội hạ đạp. Có những cấp dưới cứ cuối tuần, giỗ chạp, lễ lộc, tết nhất… thì cun cút bỏ vợ chồng con cái cha mẹ để đến tận nhà riêng của cấp trên nấu nướng, lau nhà, rửa chén, giặt đồ, tưới cây, dọn cứt cho chó mèo… như những người hầu tận tụy cực độ. Họ chầu chực để đón đưa con sếp đi học, vợ sếp đi chợ, đi may mặc, mua sắm, giải trí, lo tất cả mọi việc trong ngoài khi con sếp cưới, khi bố mẹ sếp bệnh, khi sếp đi chùa, về quê, xây nhà… Nói không đùa, con chó nhà sếp bỏ ăn họ còn thắt gan thắt ruột hơn mẹ họ liệt giường liệt chiếu.
Mặt ngoài là anh em, chị em thân thiết còn hơn ruột thịt. Nhưng khi sếp dính phốt, nguy cơ không thể hạ cánh an toàn, hoặc về hưu, bên trong họ sốt vó chạy tuột cả gót giày để săn lùng những ông chủ mới, bên ngoài lặng lẽ tháo hết các hình ảnh chụp chung với sếp từng được phóng to, lồng khung treo trang trọng gần sát … cái bàn thờ!
Và dĩ nhiên rồi, sau khi làm … con chó ở nhà sếp, thì họ phải làm vua ở những chỗ còn lại-theo nguyên tắc cân bằng tâm lý.
Tuy nhiên, hãy cứ vui lên hỡi người dân Việt Nam.
Năm 2014, một quan chức Trung Quốc là phó chánh văn phòng thành phố Quý Khê khi đến hiện trường chỉ đạo cứu hộ ba học sinh bị nước cuốn, cũng đã yêu cầu cấp dưới cõng qua con đường ngập nước, vì sợ bị ướt giày (hoan hô, Trung Quốc và Việt Nam luôn là anh em).
Giữa làn sóng chế nhạo vị quan chức trên, có vài ý kiến rất đáng để ý vì sự độc đáo của nó.
Ý kiến đầu tiên nói: (Mưa gió như vậy) “Liệu được mấy quan chức ra ngoài đó? Mọi người thử đếm xem có được bao nhiêu người?”.
Ý kiến thứ hai nói: “Mọi người tức giận chuyện gì? Nó chẳng có gì so với cưỡng hiếp trẻ em hay tham ô, hối lộ cả”.
Như đã nói, Trung Quốc và Việt Nam là anh em. Nên các ý kiến trên của dân mạng Trung Quốc áp dụng vào Việt Nam cũng chính xác lắm. So với quốc nạn tham nhũng, hối lộ, thì vài ba cái lẻ tẻ như hầu hạ nịnh bợ, khom lưng uốn gối, khinh rẻ con người… chả là cái gì đáng nói cả. Nếu đồng chí nào hành xử như thế mà cũng bị lên án thì lấy đâu người ra mà làm việc, nhỉ!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment