Diễm Thi, RFA-2021-01-12
Chính quyền tỉnh Đắk Nông vừa duyệt chi thêm gần 90 tỷ đồng để làm sân và đường dẫn lên tượng đài anh hùng N’Trang Lơng. Dự án này kéo dài 8 năm mới hoàn thành giai đoạn 1.
Sáng 25 tháng 7 năm 2012, lãnh đạo trung ương và địa phương tỉnh Đắk Nông đặt đá xây dựng Tượng đài anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên. Dự kiến, tượng đài sẽ hoàn thành vào năm 2014 với kinh phí xây dựng khoảng 50-60 tỷ đồng.
Đến năm 2014, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư, đổi tên công trình thành Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936. Công trình được chia làm hai giai đoạn với kinh phí 146 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Giai đoạn đầu được khởi công xây dựng vào ngày 19 tháng 5 năm 2015, do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư với kinh phí 67 tỷ đồng. Tuy nhiên do chậm tiến độ, tổng vốn của công trình được công bố tăng lên 167 tỷ đồng. Tháng 11 năm 2020, công trình hoàn thành giai đoạn 1, chưa làm khuôn viên và các hạng mục phụ trợ. Xung quanh tượng là đồi đất trống, đường đi lên khu tượng đài cũng là đường đất.
Nếu tính con số kinh phí cho dự án ngay từ ban đầu là 50-60 tỷ đồng thì dự án đã đội vốn lên hơn 100 tỷ đồng.
Trong điều kiện xây dựng ở Việt Nam thì nó đi đôi với việc thiết kế thay đổi thì nó lại đội vốn. Chẳng hạn trước đây họ chỉ định xây một con đường không thôi thì nó khác. Bây giờ có thêm các yêu cầu về trang trí xung quanh con đường đó thì nó lại là vấn đề khác. -Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, hầu như các công trình xây dựng kiểu như vậy ở Việt Nam đều bị đội vốn. Ông giải thích:
“Trong điều kiện xây dựng ở Việt Nam thì nó đi đôi với việc thiết kế thay đổi thì nó lại đội vốn. Chẳng hạn trước đây họ chỉ định xây một con đường không thôi thì nó khác. Bây giờ có thêm các yêu cầu về trang trí xung quanh con đường đó thì nó lại là vấn đề khác.
Thật ra chuyện xây dựng các tượng đài hay đường xá du lịch ở Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều vấn đề lắm. Ngay cả những cái gọi là công trình mang tính tâm linh, mang tính lịch sử, văn hóa mà kinh phí xã hội hóa, tức dân đóng góp tự nguyện, thì nó cũng đội vốn.
Thứ nhất vì nguyên vật liệu tăng. Thứ hai là nhân công tăng. Thứ ba là trong quá trình xây dựng người ta thấy có những hạng mục không hợp lý nên phải điều chỉnh. Nhìn chung các công trình xây dựng ở Việt Nam thời gian qua đều có chuyện tăng vốn, đội vốn.”
Trong quá trình triển khai xây dựng từ năm 2015- 2017, dự án được chuyển chủ đầu tư, từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông sang Ban Quản lý các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông.
Một lãnh đạo Ban Quản lý các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông mới đây cho biết, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục làm đường và sân xung quanh công trình với mức chi phí phát sinh thêm khoảng 90 tỷ đồng. Vị này lý giải rằng: giờ dựng tượng đài lên rồi mà không có đường đi lên thì người dân sẽ phản ứng nên bắt buộc phải làm đường. Tổng chiều dài của con đường này dự kiến khoảng 2km với tổng mức đầu tư là khoảng 77 tỷ đồng.
Là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Đắk Mil, một thị xã thuộc tỉnh Đắk Nông, ông Trần Trọng Nhân nếu ý kiến của mình với RFA vào tối 12 tháng 1:
“Là người dân thì tôi thấy chuyện đó hết sức lãng phí và không thiết thực. Đời sống người dân rất khó khăn trong thời buổi bị ảnh hưởng do dịch bệnh như thế này. Người dân không thể lên ngắm tượng đài thay cho cơm, áo, gạo, tiền được. Người ta không thể ngắm tượng đài mà cảm thấy ấm no được.
Theo tôi, đây chẳng qua là cơ hội làm dự án để bòn rút tiền nhà nước. Một hình thức tham nhũng hợp pháp. Người dân họ nhìn thấy, họ biết hết nhưng họ không làm gì được. Họ phải chấp nhận vậy thôi.
Theo tôi thì hiện tại không nên làm vì làm cũng chẳng ai lên để ngắm. Số tiền này đem hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số. Họ nghèo đói, không có cái ăn. Những vùng dân tộc thiểu số ở Đắk Nông này nhà nước biết rất rõ là họ đói lắm. Số tiền này cứu trợ cho dân sẽ tốt hơn xây đường lên ngắm tượng đài. Tượng đài lỡ xây rồi thì thôi, còn đường đi lên thì khi nào có tiền dư dả hãy xây. Cái đói, cái khổ, cái bệnh tật là chuyện cần thiết hơn hết.”
Ngoài bức tượng chính về hình ảnh người anh hùng N’Trang Lơng đeo nỏ và cầm dao, phần phù điêu đã phác họa hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đấu tranh với kẻ thù xâm lược và đời sống hàng ngày của người dân. Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 được cho là công trình tượng đài có giá trị lớn nhất tỉnh Đắk Nông.
Trong khi đó, theo con số thống kê từ cổng thông tin Chính phủ tỉnh Đắk Nông, năm 2015, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh Đắk Nông chỉ hơn 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh này tăng lên hơn 2.600 tỷ đồng, vẫn trong nhóm 10 tỉnh có số thu ngân sách thấp nhất cả nước.
Tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 514/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk để cứu đói cho Nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2020. Theo đó, tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ 326,340 tấn gạo.
Theo tôi, đây chẳng qua là cơ hội làm dự án để bòn rút tiền nhà nước. Một hình thức tham nhũng hợp pháp. Người dân họ nhìn thấy, họ biết hết nhưng họ không làm gì được. - Người dân
Tuy nghèo, thu ngân sách ‘đội sổ’ nhưng lãnh đạo tỉnh này vẫn quyết định chi cả trăm tỷ đồng cho việc xây dựng tượng đài. Nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết nói với RFA trước khi công trình hoàn thành giai đoạn 1:
“Tôi thấy nó không phù hợp trên nhiều phương diện, chứ không phải chỉ tiền nong. Riêng tiền nong thì Việt Nam cũng đang khó khăn chứ cũng không dồi dào gì. Nào là nhu cầu chống dịch, nhu cầu sản xuất, đặc biệt là nhu cầu cuộc sống nhân dân còn khó khăn mà phần lớn nhân dân là thợ thuyền, lao động, công nhân...
Nếu bình thường có tiền, có vốn thì còn nói, nhưng tượng đài ở Việt Nam cũng lắm rồi, cũng không có nhu cầu, người dân cũng không có nhu cầu. Nhưng những người muốn xây là họ muốn lấy le, tôi có tượng này tượng nọ để xưng hô với các địa phương khác, nhất là những người muốn có thế để nhảy vào cuộc, tham gia vào đại hội các cấp, đại hội toàn quốc... họ bất chấp tiền nong đó, họ cố bòn rút để làm chứ đâu phải họ tự bỏ tiền ra làm.”
Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu việc xây dựng đó nằm trong một tổng thể về lịch sử, văn hóa, đồng thời phát triển truyền thống, bản sắc bản địa vùng đó, hoặc để phát triển kinh tế du lịch thì nên làm. Bởi vì đầu tư thì sau này khai thác sẽ đem lại lợi nhuận. Nếu chỉ nghĩ ‘bóc ngắn cắn dài’ thì không được. Phải có cái tầm nhìn nó xa hơn thì mới khuấy động được một nền kinh tế phát triển.
Hồi tháng 9 năm 2020, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã tổ chức trao tặng 6 căn nhà tình nghĩa cho 6 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tổng kinh phí xây dựng mỗi căn nhà là 50 triệu đồng, trích từ quỹ phúc lợi của Công ty.
Như vậy, công trình tượng đài 167 tỷ đồng có giá trị tương đương với hơn 3.300 căn nhà để trợ giúp cho người nghèo trong tỉnh.
No comments:
Post a Comment