Tuesday, January 12, 2021

Vì sao cơ quan chức năng không thể “đụng” đến tài sản nghìn tỷ bất minh của nhiều người trẻ?

 RFA 2021-01-12

Vì sao cơ quan chức năng không thể “đụng” đến tài sản nghìn tỷ bất minh của nhiều người trẻ?Ảnh minh họa. Biệt phủ tọa lạc trên diện tích 2.300 m2 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên chủ sở hữu. Courtesy of zing.vn

Nhiều người trẻ tuổi Việt Nam sở hữu tài sản nghìn tỷ

Tại buổi báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng ngày 12/1, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Trí được báo giới dẫn lời khẳng định rằng “thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ sau đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước”. Điển hình, nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10% nhưng nhiệm kỳ này hơn 50%.

Mặc dù vậy, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh trong thực tế nhận được phản ánh hiện nay có những người trẻ từ 20-30 tuổi đã đứng tên các tài sản cả trăm tỷ, cả ngàn tỷ đồng. Cơ quan chức năng dù biết nhưng không thể xử lý được vì quyền sở hữu của công dân nên không đụng vào được.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng đó là hiện tượng quan chức tham nhũng không bao giờ tự đứng tên tài sản, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên do quy định kê khai tài sản ở Việt Nam chỉ trong hệ thống chính trị. Do đó, ông Lê Minh Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản để khi một tài sản mới được đăng ký mà không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị điều tra và sẽ có cớ sở pháp lý để xử lý cũng như chắc chắn không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng.

Nhìn thấy có quá nhiều người trẻ sở hữu khối tài sản lớn như thế thì rõ ràng sự bất công trong xã hội đang rất nhiều. Tại vì ở Việt Nam có cơ chế xã hội chủ nghĩa, là cơ chế ‘xin-cho’ và nếu như không làm láo, không làm bậy, không mua gian bán lận thì không bao giờ giàu. Kiểu gì cũng phải móc nối với chính quyền, đút lót cho chính quyền thì mới giàu được; hoặc họ là sân sau của các quan chức hoặc là họ móc nối với quan chức và hai bên cùng có lợi. Cho nên, những đồng tiền đó bất minh nhiều hơn những đồng tiền chính đán-Đỗ Nam Trung

Anh Đỗ Nam Trung, một bạn trẻ ở Việt Nam lên tiếng xác nhận về thông tin mà Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đề cập đến nhiều người tuổi từ 20-30 sở hữu tài sản giá trị trăm, ngàn tỷ.

“Theo tôi thấy đa phần những người trẻ mà có khối tài sản lớn như thế là do của cha ông để lại hay cha mẹ làm quan chức hoặc một kiểu kinh doanh ‘tư bản đỏ’, tức là hình thức kinh doanh có móc nối với chính quyền để làm giàu và sau đó thì tuồn tiền cho họ đứng tên. Thật ra thì những tài sản đó không phải của họ mà là của cha mẹ họ thôi. Thứ hai nữa là mình không có gì để cảm thấy phục những người đó cả, tại vì họ được sinh ra trên một ‘cái mâm vàng’ thì họ tận dụng thôi chứ thật ra họ chẳng tài cán gì cả.”

Bạn trẻ Đỗ Nam Trung không đồng ý với giải thích của ông Lê Minh Trí rằng chính quyền không thể “đụng” đến các tài sản khổng lồ của những người trẻ tuổi.

“Nhìn thấy có quá nhiều người trẻ sở hữu khối tài sản lớn như thế thì rõ ràng sự bất công trong xã hội đang rất nhiều. Tại vì ở Việt Nam có cơ chế xã hội chủ nghĩa, là cơ chế ‘xin-cho’ và nếu như không làm láo, không làm bậy, không mua gian bán lận thì không bao giờ giàu. Kiểu gì cũng phải móc nối với chính quyền, đút lót cho chính quyền thì mới giàu được; hoặc họ là sân sau của các quan chức hoặc là họ móc nối với quan chức và hai bên cùng có lợi. Cho nên, những đồng tiền đó bất minh nhiều hơn những đồng tiền chính đáng.”

f9a9772a-515c-4d5c-9147-3bb271a53e09.jpeg
Ảnh minh họa: Tin tức về tham nhũng trên báo chí nhà nước. RFA Edited

Phản biện của xã hội

Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 12/1 nhắc lại một vụ việc điển hình gây xôn xao dư luận hồi năm 2017, được báo giới Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải về biệt phủ ở trung tâm huyện Bình Chánh, TP.HCM do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên.

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành tư pháp, luật sư Phạm Công Út cho rằng ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nói rằng không thể “đụng” vào những tài sản như của trường hợp vừa nêu là không hiểu đúng theo luật pháp hiện hành.

“Vấn đề thu nhập hợp pháp thì sẽ dựa theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một thanh niên, thanh nữ 18 tuổi, vừa đủ tuổi đứng tên tài sản, mà đứng tên tài sản khủng thì người ta phải xem lại thu nhập cá nhân của người đó. Nhưng nếu không xem thu nhập cá nhân của một người nào đó để tạo nên một gia sản khổng lồ thì thu nhập đó là phi pháp, chứ không thể dơn giản chỉ xem xét vấn đề truy thu thuế. Việc đó là việc bất minh bởi đó là con của một quan chức hưởng lương và các bổng lộc khác để rồi tạo ra những khoản tài sản khổng lồ để cho con của mình đứng tên. Đối với các cơ quan thanh tra, điều tra sẽ truy ngược lại là có khai báo về thu nhập cá nhân hay không. Vấn đề này là một lỗ hổng rất lớn và vấn đề này vẫn có luật nhưng tôi chưa thấy luật đụng đến những câu chuyện cụ thể như thế này. Ở đây, nhà nước chưa làm mạnh tay mặc dù có luật, không nằm trong luật này thì nằm trong luật khác. Chẳng hạn đó là Luật Thuế thu nhập cá nhân.”

Luật sư Phạm Công Út khẳng định rằng giải thích của ông Viện trưởng Lê Minh Trí sai vì Luật Thuế thu nhập cá nhân là áp dụng cho tất cả công dân Việt Nam.

Tôi cho rằng bây giờ có đưa ra luật gì đi nữa thì cũng chưa thoát ra khỏi phương thức giao dịch thực tế. Khi nào thoát ra được gaio dịch thực tế thì lúc đó các luật đưa ra mới áp dụng được. Còn bây giờ giao dịch thực tế hiện nay, ví dụ như một quan chức tiến hành tố tụng và người ta đưa ra một con số được viết trong lòng bàn tay của họ rồi đưa cho người đưa hối lộ đọc thấy và sau đó họ xóa đi, thì dù có đưa luật nào đi nữa cũng không đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vì tại Việt Nam, người ta thanh toán bằng những khoản ‘tiền tươi’, chứ không thông qua ngân hàng. Do đó, nếu ra luật kiểu nào đi nữa thì tôi nghĩ trong thời điểm bây giờ và tương lai gần sẽ không hiệu quả-Luật sư Phạm Công Út

Về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản do Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra, luật sư Phạm Công Út nhận định:

“Tôi cho rằng bây giờ có đưa ra luật gì đi nữa thì cũng chưa thoát ra khỏi phương thức giao dịch thực tế. Khi nào thoát ra được gaio dịch thực tế thì lúc đó các luật đưa ra mới áp dụng được. Còn bây giờ giao dịch thực tế hiện nay, ví dụ như một quan chức tiến hành tố tụng và người ta đưa ra một con số được viết trong lòng bàn tay của họ rồi đưa cho người đưa hối lộ đọc thấy và sau đó họ xóa đi, thì dù có đưa luật nào đi nữa cũng không đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vì tại Việt Nam, người ta thanh toán bằng những khoản ‘tiền tươi’, chứ không thông qua ngân hàng. Do đó, nếu ra luật kiểu nào đi nữa thì tôi nghĩ trong thời điểm bây giờ và tương lai gần sẽ không hiệu quả.”

Vào ngày 11/1, truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải nội dung văn bản liên quan kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi. Báo giới cho biết Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ông Nguyễn duy Giảng vừa gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để yêu cầu trả lời kiến nghị vừa nêu.

Theo nội dung kiến nghị thì  cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.

Luật sư Đặng Đình Mạnh trong cùng ngày 11/1, nhận xét với RFA rằng kiến nghị của Viện KSND Tối cao là chưa chuẩn xác.

“Mặc dù về ý nghĩa tôi nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay kiến nghị vi phạm Luật Hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu?”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng theo thiển ý của ông thì tài sản tham nhũng đôi khi bị tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình đứng tên cho nên cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ của bị can, bị cáo tham nhũng và nhờ đó để có cơ sở thu hồi tài sản mà họ thu lợi bất chính.

No comments:

Post a Comment