Thursday, September 24, 2020

Ba bài học từ Đồng Tâm


 – Luật Khoa Tạp Chí

Tôi tiếp cận Đồng Tâm ở một góc độ khá khác biệt với hầu hết giới ủng hộ dân quyền và nhân quyền tại Việt Nam.

Tôi không ủng hộ việc ông Nguyễn Đức Chung ký giấy “hứa” không khởi tố những người tham gia vào vụ bắt giữ một số cán bộ và công an viên tại xã Đồng Tâm. Tại thời điểm đó, tôi tin rằng kiểu “trả giá” này không giúp ích gì được cho nền tư pháp vốn đã rệu rã của Việt Nam. Những thảo luận trong tương lai càng khó tuân theo các lằn ranh pháp lý cụ thể khi mà những ngoại lệ cho cả bên hành pháp và những người dân đấu tranh đã được thành hình.

Song có một thực tế là Phong trào Đồng Tâm vẫn giành được cảm tình rất lớn từ công chúng.

Ngày ông Lê Đình Kình được chữa trị xong vết thương ở chân và trở về thôn Hoành, người dân ở đây hồ hởi ra tiếp đón ông, báo chí Việt Nam ca ngợi ông không tiếc lời. Ngoại trừ một số cá nhân có chức quyền hoặc thân đảng, người dân cả nước nhìn chung có cái nhìn khá tích cực về phong trào ở đây, ít nhất là đến giai đoạn 2017 – 2018. Riêng bản thân chính quyền cũng phải nhiều lần nhượng bộ.

Đây không phải là một điều dễ dàng đạt được đối với các phong trào xã hội tại Việt Nam. Nếu chúng ta thật sự nhìn lại những phong trào lớn, có mục tiêu chính đáng và thu hút được sự tham gia tích cực của một lực lượng công dân rất đáng kể như biểu tình ôn hòa yêu cầu minh bạch về môi trường ở Formosa trên khắp đất nước, biểu tình ôn hòa vì một Hà Nội xanh hay biểu tình ôn hòa phản đối những hành vi bành trướng của Trung Quốc, ta sẽ thấy họ đều không đạt được hình ảnh mong muốn. Quan điểm của của công chúng về các phong trào này nhìn chung hoặc là hời hợt, hoặc là lẫn lộn. Báo chí luôn dùng văn phong tiêu cực để miêu tả mục tiêu và cách thức thực hiện phong trào, còn chính quyền thì dùng đủ mọi biện pháp vũ lực để ngăn chặn.

Vậy với tất cả những gì Phong trào Đồng Tâm đã có, điều gì khiến cho nó thất bại? Nhiều bạn đọc có thể đang cho rằng Đồng Tâm không thất bại, chính quyền chỉ đang đàn áp người dân dã man và giết chết người lãnh đạo phong trào mà thôi. Song, cũng có nhiều lý do để tin rằng phong trào đã không còn trọn vẹn với những điều tốt đẹp và đúng đắn mà nó đại diện trước đó. Và với công tác thông tin không hoàn hảo, Đồng Tâm sẽ mất đi tính tiên phong và điển hình của một phong trào xã hội.

Ông Lê Đình Kình được dân làng chào đón khi xuất viện về nhà năm 2017. Ảnh: PLO.
Ông Lê Đình Kình được dân làng chào đón khi xuất viện về nhà năm 2017. Ảnh: PLO.

Không bao giờ dùng diễn ngôn bạo lực

Hiển nhiên, cũng như rất nhiều người có lương tri, tôi không tin rằng có lý do gì để một ông cụ 85 tuổi, một chân đã hỏng vì bị giới công an đánh đập trước đó, lại thức dậy lúc nửa đêm và trực tiếp chỉ đạo một nhóm vài chục người cũng lớn tuổi không kém đi đánh úp lực lượng an ninh có con số lên đến hàng ngàn, được huấn luyện chuyên nghiệp, với đầy đủ khí tài. Và tôi cũng có một niềm tin nội tâm mạnh mẽ rằng nhóm người nhà ông Kình cũng như một số người dân Đồng Tâm bị bắt hoàn toàn không muốn leo thang xung đột một mất một còn với chính quyền đông đảo như vậy.

Song, có một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận là chính bản thân những người lãnh đạo phong trào đã để cho rất nhiều video clip và các phát ngôn cụ thể, chi tiết về những hành vi bạo lực chủ động, trực tiếp lan truyền trên mạng trở thành những lời đe dọa dành cho chính quyền. Từ việc ông Lê Đình Công đòi sống chết với “lực lượng giả danh quân đội” xâm phạm khu 59 hecta đất đang tranh chấp, cho đến việc ông Bùi Viết Hiểu tự hào nói về số lượng xăng và bình gas dự trữ cho xung đột. Chưa cần nói đến việc những con số này có thật hay không và họ có thực hiện những hành vi này hay không, những phát ngôn nói trên khiến phong trào xa rời nền tảng ủng hộ đông đảo của quần chúng mà nó có trước đó.

Điều này có phải lạ lùng và không công bình lắm với những phong trào chính trị hiện đại chăng? Chẳng phải những thay đổi quan trọng trong lịch sử nhân loại đều dựa trên bạo lực hay sao? Cách mạng Pháp, Cách mạng Hoa Kỳ, các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ hậu Đệ nhị Thế chiến, rồi cả cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền hiện nay cũng đã bằng con đường bạo lực cả đấy thôi. Nói theo kiểu Mao Trạch Đông, cách mạng – phong trào mà càng nhiều người chết thì càng thành công.

Nhưng rõ ràng thời đại của các phong trào bạo lực đã đi qua, và có nhiều lý do để lý giải cho việc đó. Phong trào bất bạo động có khả năng tiếp cận đến một nền tảng ủng hộ rộng lớn và đa dạng hơn. Ngưỡng để tham gia vào các hành động vì mục đích chung thấp hơn. Yêu cầu về rủi ro và hy sinh lợi ích cá nhân thấp hơn. Khả năng ảnh hưởng của phong trào đến tâm lý, tình cảm của đại bộ phận nhân dân cao hơn. Không chỉ vậy, trong môi trường kinh tế thế giới gắn chặt với nhau, lợi ích của các quốc gia có phần lệ thuộc và với các cơ quan quốc tế về nhân quyền đã được thành lập có thẩm quyền giám sát và can thiệp tương đối, bất kỳ xu hướng bạo lực nào, kể cả dù nó chỉ là diễn ngôn và chưa được thực hiện thành hành động, cũng là đang tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới.

Cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Ảnh: Reuters.
Cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Ảnh: Reuters.

Cũng sẽ có người cho rằng các phát ngôn bạo lực được lan truyền chỉ nhằm mục tiêu tự vệ, là phản ứng thụ động trước sự tấn công, sự lấn tới của chính quyền. Nhưng như chúng ta đã bàn ở trên, đây không phải thời đại của các phong trào phản kháng bạo lực.

Một mặt, khó có quốc gia nào, dù cấp tiến đến đâu, có thể ủng hộ tư duy cho rằng có bất kỳ lực lượng nào ngoài nhà nước được phép sử dụng vũ lực.

Mặt khác, ngay cả khi chính quyền sở tại là kẻ thủ ác, kẻ gây hấn (mà thông thường đều là vậy), duy trì tâm thế phi bạo lực cho dù bị bắt bớ, đàn áp mới là thứ khiến thông điệp của bản thân phong trào Đồng Tâm, và các phong trào khác tại Việt Nam, nhận được sự ủng hộ nhất định từ phía cộng đồng vốn vẫn luôn “nặng tình” với sự lãnh đạo “ổn định, tài tình” của Đảng Cộng sản.

Nói theo ngôn ngữ của Martin Luther King, bất bạo động không có nghĩa là hèn nhát. Và chỉ có bất bạo động mới có thể đánh trực diện vào những thế lực, ý thức hệ xấu xa, thay vì làm hại đến những con người bằng xương bằng thịt bị trói buộc bởi thứ ý thức hệ đó.

Một lần nữa, tôi vẫn không tin rằng nhóm của ông Lê Đình Kình chủ động tham gia vào xung đột rạng sáng ngày 9 tháng Một năm 2020.

Thời điểm đó không phải là thời điểm để họ có được sự hỗ trợ tốt nhất từ những người dân thôn Hoành có cảm tình với phong trào. Nhưng những phát biểu và tuyên bố mang tính chất ủng hộ xung đột – bạo lực trước đó đã đẩy những nhà hoạt động đất đai khốn khổ vào một thế quá khó để kêu gọi sự ủng hộ và đồng cảm từ một bộ phận quần chúng Việt Nam đông đảo vẫn còn chưa định hình quan điểm, kể cả những người có thể đã từng ủng hộ Phong trào Đồng Tâm hết mình tại thời điểm 2017, khi mà ông Lê Đình Kình bị bắt và đánh gãy chân, dẫn đến khủng hoảng con tin đáng nhớ nhất lịch sử Việt Nam mấy thập niên trở lại đây.

Xác định và xây dựng rõ mục tiêu tích cực dài hạn

Mục tiêu tích cực dài hạn ở đây, có thể hiểu là điều mà phong trào hướng tới duy trì, từ đó thể hiện sự tích cực và chính danh của phong trào.

Trong các cuộc biểu tình chống Formosa, có rất nhiều mục tiêu tích cực như đòi bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng, đòi minh bạch hóa thông tin về kiểm soát ô nhiễm, đòi xác định trách nhiệm của giới chức trách cũng như bản thân công ty Formosa… đều góp phần vào một hệ thống pháp luật và quản lý hành chính lành mạnh hơn trong dài hạn.

Trong các cuộc biểu tình chống hành vi bành trướng của Trung Quốc, các mục tiêu tích cực bao gồm kiến nghị nhà nước Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thông qua các tài phán quốc tế, yêu cầu minh bạch hóa kênh thông tin đối ngoại giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời là một lời khẳng định về tinh thần dân tộc trước nhà nước Trung Quốc.

Hay kể cả trong xung đột tại Tiên Lãng, vốn cũng mang tính vũ trang với mìn tự cài và súng hoa cải khiến cho một người bên đoàn cưỡng chế thiệt mạng. Quyền lợi tích cực mà ông Đoàn Văn Vươn và gia đình hướng đến là quyền sử dụng đất lâu dài của chính gia đình ông, vốn đã được phía chính quyền trực tiếp giao đất và thừa nhận, cũng như bảo vệ kế sinh nhai và số tiền tâm huyết cả đời ông đầu tư vào khu đất. Cộng thêm thực tế là với việc sử dụng quân đội trái phép trong hoạt động cưỡng chế là nguyên nhân chính khiến xung đột và căng thẳng leo thang, khó có ai có thể phủ nhận những giá trị chính đáng mà ông theo đuổi. Hiện nay, Đoàn Văn Vươn đã ra tù và tiếp tục canh tác, sinh sống trên phần đất mà ông từng bảo vệ.

Một thông điệp của Phong trào Đồng Tâm, chụp ngày 21/4/2017. Ảnh: RFA.
Một thông điệp của Phong trào Đồng Tâm, chụp ngày 21/4/2017. Ảnh: RFA.

Trong những năm 2017 – 2018, Phong trào Đồng Tâm rõ ràng đã có được tiếng vang lớn nhờ vào việc xây dựng tính thiết thực liên quan đến quyền lợi đất đai của người dân đang sinh sống và trồng trọt trên cánh đồng Sênh. Tiếng nói của phong trào, vì vậy, tương tự như tiếng nói của xung đột tại Tiên Lãng, nhắm vào quyền sử dụng đất ổn định và lâu dài của những cư dân có liên quan. Điều này dễ dàng khiến người dân Việt Nam đồng cảm với thông điệp, trong bối cảnh tranh chấp đất đai giữa nhà nước và công dân tiếp tục là một trong những tranh chấp xã hội phổ biến và căng thẳng nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nền tảng này lại không được đẩy mạnh và làm rõ.

Phong trào Đồng Tâm đã không thể hiện quan điểm phản đối rõ ràng về các diễn ngôn của chính quyền liên quan đến 14 hộ dân trực tiếp sinh sống và canh tác ở khu đất chấp thuận di dời với phương án tái định cư.

Hiển nhiên, đất cộng đồng – đất hương ước và thậm chí là đất hợp tác xã tồn tại từ lâu trong chiều dài lịch sử Việt Nam. Khả năng rất cao là đất phía Tây đồng Sênh vẫn là mảnh đất nông nghiệp được cộng đồng thôn Hoành sử dụng chung. Đến cuối cùng, người dân và cộng đồng có trước, chứ không phải Luật Đất đai của chính phủ.

Nhưng khi chúng ta không thể xác định được những người trực tiếp đòi hỏi quyền lợi đối với khu đất, và khu đất vốn vài năm qua cũng không còn được người dân trong thôn canh tác trên thực tế, nhiều người quan tâm đến vụ việc hoặc ủng hộ phong trào không khỏi phải thắc mắc liệu mảnh đất sẽ được ai khai thác, cơ sở nào để khai thác, và quan trọng nhất là khai thác như thế nào sau phong trào.

Sự mất kết nối giữa quyền lợi thực tế chính đáng của công dân và tiếng nói, mục tiêu của phong trào khiến thông điệp Đồng Tâm mất đi tầm ảnh hưởng rõ ràng, mạch lạc mà nó từng có.

Luôn xây dựng phương án đấu tranh bất bạo động thay thế

Dựa dẫm quá nhiều vào nhánh hành pháp có lẽ là phương án lợi bất cập hại cho việc xác lập phương án đấu tranh của Phong trào Đồng Tâm.

Ở đầu bài viết, tôi đã nhắc việc mình từng phản đối việc phong trào dùng ông chủ tịch Chung như là tấm khiên hộ pháp cho những hoạt động trong tương lai. Sau sự kiện bắt giữ ông Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm đáp trả bằng việc giam giữ con tin là cán bộ, công an địa phương, ông Bùi Viết Hiểu là người trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Đức Chung, và cũng thể hiện một niềm tin sắt đá rằng bộ máy hành pháp nói chung, hệ thống thanh tra đất đai và cá nhân ông Chung nói riêng, sẽ giám sát, xác minh dứt điểm tranh chấp.

Thực tế cho thấy ông Nguyễn Đức Chung không lừa dân, và làm rất “dứt điểm”.

Ngay trong năm 2017, Quyết định của Thanh tra Hà Nội khẳng định không tồn tại khái niệm đất đồng Sênh trong hồ sơ địa bạ, và toàn bộ diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu quốc phòng.

Đến năm 2019, Quyết định của Thanh tra Chính phủ tiếp tục ủng hộ quyết định của Thanh tra Hà Nội, quả quyết kết quả rà soát là khách quan, chính xác; có sự phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Quốc phòng.

Đây là cấp khiếu nại cuối cùng mà phong trào có thể dựa vào, nhưng vẫn không tìm ra được kết quả như mong muốn.

Vậy bước đi kế tiếp là gì? Liệu có thể sử dụng các biện pháp tư pháp, vốn đã bị chính những người lãnh đạo phong trào gián tiếp phủ nhận về tính khách quan và hợp lý bằng “thỏa hiệp” hồi năm 2017 với ông Nguyễn Đức Chung?

Hay trong cuộc “đấu trí mới” với chính quyền mà ông Lê Đình Kình tuyên bố sau quyết định của Thanh tra Chính phủ năm 2019, vì sao cho đến nay các luật sư liên quan vẫn chưa có động thái nào rõ ràng và cụ thể hơn, đặc biệt trong bối cảnh ông Lê Đình Kình và các hộ dân quan tâm bị cáo buộc là những người không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến khu đất?

Hay người dân thôn Hoành cũng như những thành viên của phong trào đã từng nghĩ đến việc số hóa các tư liệu đất đai liên quan đến Đồng Tâm, từ đó chuẩn bị cho một phong trào đấu tranh dài hơi, tranh thủ sự ủng hộ của người dân cả nước?

Có một điều rất rõ ràng là phong trào vẫn còn dựa dẫm quá nhiều về tính minh bạch và lòng chính trực của chính quyền, điều khi có khi không tại Việt Nam, và dường như chưa có những chuẩn bị cần thiết nhằm đối phó với những hành động bất ngờ cùng thẩm quyền vũ lực vượt trội từ phía chính quyền.

***

Bài viết này không nhằm phủ nhận mục tiêu, thành quả và những định hướng tốt đẹp mà Phong trào Đồng Tâm hướng tới; nó lại càng không phải để ủng hộ phương pháp quản lý đất đai hời hợt, lạm quyền, cũng như cách thức giải quyết khủng hoảng yếu kém và bạo lực của chính quyền. Song có thể khẳng định các phong trào dân sự tại Việt Nam trong tương lai có thể học hỏi và rút kinh nghiệm rất nhiều từ sự suy yếu của Phong trào Đồng Tâm.

No comments:

Post a Comment