THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Các bản tin của báo nhà nước hôm 13 Tháng Mười Hai về việc khánh thành tượng “Hồ Chí Minh và nông dân” ở tỉnh Thái Bình đều có điểm chung là giấu nhẹm chi phí, mà theo phỏng đoán là không dưới một trăm tỷ đồng (khoảng $4.3 triệu).
Đây được cho là “giá sàn” của “tượng ông Hồ” mà các tỉnh thành ở Việt Nam đều chạy đua để dựng cái sau to hơn, tốn nhiều tiền hơn tượng trước. Tất nhiên, chi phí dựng tượng đều được chi từ tiền thuế dân.
Theo mô tả của báo VNExpress, cụm tượng được làm từ đá xanh, gồm 13 nhân vật, trong đó ông Hồ là nhân vật trung tâm với chiều cao 5 mét, các nhân vật còn lại đại diện cho các thế hệ, người già, các cụ bô lão, trung niên, thanh niên và trẻ em nông thôn Việt Nam, có chiều cao trung bình là 4.6 mét.
Cụm tượng nêu trên được đặt trong công viên sinh thái rộng đến 91 hécta, bao gồm khu vực quảng trường, đền thờ Hồ Chí Minh, đường diễu hành, vườn cây xanh, hồ nước và các công trình phụ trợ.
Theo tường thuật của báo Thái Bình, tượng ông Hồ “có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt và ý nghĩa chính trị to lớn, nhằm giáo dục truyền thống, tri ân công lao của Hồ Chí Minh…”
Đáng nói là cụm tượng được xây dựng trong bối cảnh tỉnh Thái Bình vẫn còn hơn 17,000 gia đình nghèo và hơn 18,500 gia đình “cận nghèo” đang cần giúp đỡ, theo trang web Đài Phát Thanh-Truyền Hình tỉnh Thái Bình hồi Tháng Mười.
Tình trạng dân nghèo mà lãnh đạo tỉnh vung tay chi triệu đô của Thái Bình được ghi nhận tương tự một số tỉnh khác ở miền Trung và miền Bắc.
Hồi Tháng Sáu, Bức tượng Hồ Chí Minh” mới dựng ở tỉnh Quảng Bình được ghi nhận có kinh phí lấy từ tiền thuế dân lên đến 78.8 tỷ đồng (gần $3.4 triệu) và làm từ hợp kim đồng, báo Người Lao Động hôm 14 Tháng Sáu tiết lộ.
Quảng Bình là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam, theo “Wikipedia Tiếng Việt,” năm 2018, tỉnh này đứng hạng 51 trên 63 tỉnh thành, với thu nhập bình quân đầu người đạt 37.5 triệu đồng ($1,628)/năm. Còn theo trang “Cổng Thông Tin Quảng Bình,” vào đầu năm 2020, tỉnh này có 12,393 hộ gia đình nghèo (chiếm tỷ lệ 4.98%) và 16,613 hộ gia đình cận nghèo (chiếm 6.67%).”
Theo truyền thông nhà nước, “Quảng Bình nhiều năm nhận gạo hỗ trợ cứu đói cho người dân trong thời gian giáp hạt. Năm 2018, tỉnh nhận 1,368 tấn gạo; năm 2017, gần 790 tấn; năm 2016, hơn 1,999 tấn.”
Theo VNExpress, tính đến thời điểm năm 2015, cả nước đã có 101 tượng đài ông Hồ.
Việc nhà cầm quyền CSVN ráo riết dựng thêm tượng ông Hồ diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội dấy lên chỉ trích mỗi khi có tin một tỉnh thành dùng tiền thuế dân để dựng tượng đài với kinh phí hàng triệu đô la.
Mặt khác, việc dựng tượng ông Hồ được coi là cách để đảng CSVN tuyên truyền rằng người dân vẫn còn “thần tượng” ông này, cũng như đáp trả việc giới xã hội dân sự thường xuyên đăng bài “giải ảo Hồ Chí Minh” trên Facebook. (N.H.K) [kn]
No comments:
Post a Comment