Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Theo đó, thành phố Thủ Đức sẽ là một đơn vị hành chính mới, bao gồm ba quận: 2, 9 và Thủ Đức cũ của TP.HCM, với diện tích khoảng 211 cây số vuông và dân số khoảng một triệu người (1).
Theo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ mở ra… nhiều cái mới nhưng mới như thế nào thì từ trên xuống dưới, từ trái sang phải cùng… không biết, nên cùng hứa sẽ… tìm (2). Cho đến giờ, chỉ có một yếu tố rõ ràng là… mới: “Ta” đã có một… thành phố trực thuộc… thành phố!
Tuy nhiên yếu tố vừa đề cập sắp sửa hết… mới bởi sắp có thêm những… thành phố khác nữa, trực thuộc các… thành phố khác. Sau TP.HCM, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở thành phố Hải Phòng đang ráo riết chuẩn bị cho việc biến huyện Thủy Nguyên thành một… thành phố nằm trong… thành phố Hải Phòng (3)!
Nhìn một cách tổng quát, những mỹ từ được sử dụng trong việc giới thiệu - phê duyệt kế hoạch thành lập các thành phố nằm trong một thành phố như… thành phố Thủ Đức nằm trong TP.HCM, thành phố Thủy Nguyên nằm trong thành phố Hải Phòng cũng rổn rảng như cách nay 12 năm khi “ta”… “mở rộng Hà Nội”…
***
Năm 2008, giống như nhiều chuyên gia, nhân sĩ trong và ngoài Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt – cựu Thủ tướng – phản đối kịch liệt việc mở rộng diện tích Hà Nội từ 921 cây số vuông thành 3.324 cây số vuông. Trong một thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc hội lúc ấy, ông Kiệt lên án chủ trương “mở rộng Hà Nội” quá vội vàng (nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án “Quy hoạch Vùng Thủ đô”, chưa nghiên cứu thấu đáo thì Thủ tướng đương nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng đã đem ra… trình Quốc hội).
Ông Kiệt nhấn mạnh, quy hoạch đô thị là lĩnh vực đa ngành, tiếp cận và xử lý nhiều phạm trù tri thức, tác động nhiều chiều đến nhiều mặt của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chung của quốc gia, thành ra mở rộng đến đâu, mở rộng như thế nào, mở rộng để làm gì,… phải phối hợp nhiều ngành để nghiên cứu nghiêm túc mới mong có được một dự báo đủ căn cứ, đáng tin cậy, có viễn kiến.
Bởi thực tế “phát triển đô thị” ở Việt Nam đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, có thể xảy ra “khủng hoảng đô thị”, ông Kiệt kêu gọi các đại biểu Quốc hội ngẫm nghĩ, hành động thận trọng (4). Ở đầu Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 12 – diễn ra suốt tháng 5/2008 – chỉ có 45% đại biểu tán thành “mở rộng Hà Nội”. Sau đó, họ liên tục được mời họp để… “quán triệt” về chủ trương lớn “mở rộng Hà Nội” của đảng, đến cuối tháng, khi Nghị quyết Mở rộng Hà Nội được đem ra biểu quyết lại, có… 93% đại biểu… nhất trí (5).
***
Năm 2018, sau mười năm thực hiện Nghị quyết Mở rộng Hà Nội, báo giới Việt Nam ghi nhận, viễn cảnh về một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc đã kích hoạt một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có vào các khu vực được mở rộng thành… Hà Nội, tạo ra những cơn sốt đất ở nhiều nơi.
Việc thu hồi hàng trăm ngàn héc ta đất để giao cho các dự án bất động sản đã khiến cuộc sống của 180.000 gia đình nông dân bị lộn ngược. Chỉ từ 2011 đến 2012, hàng trăm dự án ở các khu vực, trước đây vốn thuộc tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, đột nhiên thuộc Hà Nội đã trở thành chỗ “treo dự án” khiến cư dân địa phương mất sinh kế (5). Chưa kể vì chủ trương lớn “mở rộng Hà Nội” chỉ nhằm tiếp sức cho các dự án bất động sản nên đã tạo ra những cuộc phản kháng – những thảm án chưa từng có ở Dương Nội (Hà Đông), Đồng Tâm (Mỹ Đức),…
Vào thời điểm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành phố Hà Nội rầm rộ kỷ niệm mười năm “mở rộng Hà Nội”, ông Trần Huy Ánh – Kiến trúc sư – chia sẻ với VOV rằng, mười năm qua, Hà Nội chỉ rất thành công trong phát triển bất động sản, còn kết quả của chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững thì rất hạn chế… Đường sá nhiều hơn nhưng không ai dám nói chuyện đi lại dễ dàng hơn. Hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được trước những thách thức của biến đổi khí hậu, chưa có kịch bản nào mang tính chiến lược trong vấn đề thoát nước. Các cao ốc mọc lên như nấm chỉ khiến người ta lo ngại nhiều hơn về sự cân đối của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội. Nguy cơ lây nhiễm vì bệnh viện quá tải cao hơn. Trong mười năm, Hà Nội không có thêm công viên nào mới, công viên cũ thì bị tư nhân hóa, bị chiếm dụng, sử dụng bừa bãi. Không gian công cộng bị sử dụng tùy tiện và sai mục đích. Quy hoạch Thủ đô thường được điều chỉnh cục bộ nên xây xong rồi sửa...
Chủ trương lớn “mở rộng Hà Nội”, giới thiệu “qui hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050” nhưng theo ông Ánh, Hà Nội thảm hại như hiện nay là do “tầm nhìn”. “Tầm nhìn” thể hiện năng lực quản trị (6). Ông Ánh hy vọng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết sẽ được minh bạch hóa để nhận tham vấn rộng rãi từ xã hội để tránh tình trạng cố làm mà không tính toán, cân nhắc...
Cũng vào thời điểm ấy, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch thành phố Hà Nội, thú nhận: Quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi đang chệch hướng! Việt Nam đang phải trả giá cho những… qui hoạch “băm nát Hà Nội” (7). Trên thực tế, nhiều ý tưởng về các đô thị vệ tinh được vẽ ra trên giấy, giờ vẫn nằm trên giấy trong khi những cánh đồng trù phú bị bỏ hoang vì chưa biết tới lúc nào các dự án bất động sản mới khởi động.
***
Năm ngoái, tuy ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lên tiếng ít nhất hai lần, yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội “làm rõ” vấn nạn 2.000 héc ta ở huyện Mê Linh bị bỏ hoang suốt mười năm nhưng đến giờ này, vấn nạn ấy vẫn chưa được giải quyết tới nơi, tới chốn (8). Mê Linh vốn là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, được sáp nhập vào thành phố Hà Nội nhờ Nghị quyết Mở rộng Hà Nội và nay trở thành bằng chứng sống động về dã tâm của việc “điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô”.
Với đa số cư dân Hà Nội, “mở rộng Hà Nội” chỉ mang lại đại họa cho sinh hoạt thường nhật. Theo sau “chủ trương lớn”… chẳng có gì cả. Đến giờ, những cá nhân hữu trách vẫn đang loay hoay thử nghiệm các ý tưởng về quy hoạch Hà Nội, kể cả… quy hoạch thoát lũ! Sau 12 năm “mở rộng Hà Nội”, “ta” vẫn đang tranh luận tưng bừng về “triết lý phát triển” của Hà Nội: Xây dựng “đô thị nén” - tập trung phát triển hạ tầng ở khu vực trung tâm để tăng tải, hay theo đuổi mô hình “đô thị vệ tinh” - giãn dân từ nội đô ra bên ngoài!
Chẳng riêng Hà Nội, tất cả các đô thị bất kể quy mô lớn, nhó tại Việt Nam đều đã hoặc đang khủng hoảng vì ngập, lụt, ứ rác, giao thông tắc nghẽn, không khí ô nhiễm,… Dường như chừng đó chưa đủ nên phải thành lập thêm những… thành phố trong các thành phố! Liệu các đô thị cả cũ lẫn mới có nát hơn? Thắc mắc này tuy chính đáng nhưng tại Việt Nam lại… thừa vì tại Việt Nam, truy cứu trách nhiệm những cá nhân soạn thảo – đệ đạt – phê duyệt các dự án, quy hoạch phát triển đô thị là chuyện viển vông!
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/tim-co-che-de-thanh-pho-thu-duc-phat-trien-20201031220336939.htm
(3) https://vnexpress.net/hai-phong-du-kien-lap-thanh-pho-thuy-nguyen-4200085.html
(5) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ha-noi-sau-10-nam-mo-rong-3777473.html
(6) https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-mo-rong-va-nhieu-he-luy-da-hien-huu-729482.vov
(8) https://nld.com.vn/thoi-su/lang-phi-cuc-lon-tu-du-an-do-thi-bo-hoang-20190417230741355.htm
No comments:
Post a Comment