VOA Tiếng Việt/15/12/2020
Thống kê thường niên mới nhất của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho thấy Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.
Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, được coi là những 'nhà tù' lớn nhất đối với các nhà báo, theo một báo cáo mới nhất của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vừa công bố.
Thống kê thường niên của RSF đưa ra hôm 14/12 cho thấy hơn một nửa số nhà báo bị cầm tù – tương đương 61% – đang bị giam giữ tại 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổ chức bảo vệ quyền tự do thông tin có trụ sở ở Paris, Pháp, cho rằng 5 quốc gia này, trong đó còn gồm Trung Quốc, Ai Cập, Ả Rập Saudi và Syria là “những nhà tù lớn nhất đối với các nhà báo” trong năm thứ 2 liên tiếp.
Trung Quốc đứng đầu với số lượng 117 nhà báo bị bỏ tù trong khi Việt Nam đứng thứ 4, sau Ả Rập Saudi và Ai Cập, với 28 nhà báo – gồm cả chuyên nghiệp và tự do, theo thống kê của RSF.
“Tại Việt Nam, nơi có 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers đang bị giam cầm, các giới chức đã tiến hành một làn sóng bắt giữ mới vào tháng 5 và tháng 6, nhiều khả năng là vì lý do Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021,” báo cáo của RSF cho biết.
Xu hướng những năm gần đây, những cây viết độc lập có tư duy phản biện bị khủng bố nặng nề – bắt bớ, đánh đập, hành hung rồi bị bỏ tù ngày càng nhiều...Mà mỗi lần kết án thì án thật nặng.Võ Văn Tạo, nhà báo
Hồi tháng 6, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nhận định rằng chính phủ Việt Nam đang tăng cường trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến trước kỳ họp của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.
Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về thống kê này của RSF.
“Việt Nam luôn là một trong 5 nước có tự do báo chí kém nhất, hầu như không có tự do báo chí,” nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với VOA từ Khánh Hoà. “Báo chí ở Việt Nam chỉ là một công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam…chính vì vậy báo chí mà đăng đúng sự thật nhưng trái ý đảng thì bị các cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam xử lý theo kiểu một là phạt tiền hai là treo đình bản và thứ 3 là khởi tố, bỏ tù các nhà báo.”
Việt Nam xếp hạng 175/180 nước trên thế giới về Chỉ số Tự do Báo chí của RSF năm 2020.
Trong số những người bị bắt giữ trong năm nay ở Việt Nam có một số thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Phó chủ tịch hội, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, bị bắt vào tháng 5 vừa qua và chủ tịch của hội, nhà báo Phạm Chí Dũng, người còn là một cộng tác viên chuyên viết blog cho VOA, bị bắt trước đó không lâu vào cuối năm 2019.
Cũng vào tháng 5 vừa qua, công an Việt Nam tiến hành bắt giữ nhà văn và blogger Phạm Thành, còn được biết là chủ trang blog Bà Đầm Xoè và tác giả cuốn sách chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại Việt Nam, nơi có 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers đang bị giam cầm, các giới chức đã tiến hành một làn sóng bắt giữ mới vào tháng 5 và tháng 6, nhiều khả năng là vì lý do Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.Reporters Without Borders (RSF)
“Việc bắt giữ (nhà báo) Phạm Đoan Trang, người được trao giải thưởng Tự do Báo chí RSF 2019 hạng mục Ảnh hưởng, vào tháng 10 vừa qua đã khẳng định việc (chính quyền Việt Nam) đang áp dụng một chính sách khắc nghiệt hơn nhiều,” RSF nhận định trong báo cáo.
Theo RSF, bà Trang – người bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 7/10 – nằm trong số 42 nhà báo nữ hiện đang bị bỏ tù trên toàn thế giới, tăng 35% từ 31 người cách đây 1 năm. Người đồng thời là nhà hoạt động xã hội dân sự bị cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” với hai tội danh theo cả điều 88 của Bộ Luật hình sự 1999 và điều 117 của Bộ Luật hình sự 2015, và đối diện mức án lên đến 20 năm tù.
RSF nhận định rằng bà Trang là một trong những nhà báo nổi bật nhất trong năm bị bắt giữ. Không lâu trước khi bị bắt, bà Trang – người đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí – cho xuất bản bản Báo cáo Đồng Tâm về điều tra của bà đối với vụ đụng độ giữa công an và người dân làng Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua.
Theo nhà báo Tạo, người từng tham gia quân đội Việt Nam trong chiến tranh, xu hướng những năm gần đây cho thấy “những cây viết độc lập có tư duy phản biện bị khủng bố nặng nề – bắt bớ, đánh đập, hành hung rồi bị bỏ tù ngày càng nhiều.”
“Mà mỗi lần kết án thì án thật nặng,” nhà báo Tạo cho biết và đưa ra ví dụ về việc nhà văn Trần Đức Thạch, từng là chiến sỹ trinh sát trong quân đội Nhân dân Việt Nam và là tác giả hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”, bị kết án 12 năm tù hôm 15/12 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Theo nhà báo Tạo, ông Thạch chỉ là “một trong rất nhiều các blogger, nhà báo, Facebooker, nói lên sự thật và những suy nghĩ của mình, không đồng tình với một số hành động của nhà nước Việt Nam mà bị kết án nặng nề.”
Theo RSF, số lượng nhà báo bị bỏ tù trên thế giới vẫn ở mức “cao trong lịch sử” với tổng số 387 nhà báo bị bắt giữ vì liên quan đến việc cung cấp tin tức và thông tin” so với con số 389 vào năm 2019. Nhìn chung, tổ chức này cho biết, số lượng nhà báo – chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp – bị giam giữ đã tăng 17% trong 5 năm qua, từ con số 328 ghi nhận được vào năm 2015.
“Gần 400 nhà báo sẽ trải qua những lễ hội cuối năm trong tù, xa người thân của họ và trong những điều kiện thường khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm,” Tổng thư ký RSF Christopher Deloire nói.
No comments:
Post a Comment