Sunday, August 9, 2020

Chuyên gia cảnh báo thông tin cá nhân bị rò rỉ khi cài Bluezone của Việt Nam

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các báo nhà nước cho hay, đến nay đã có 10 triệu lượt người tải app Bluezone trên điện thoại để truy vết tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong khi đó, chuyên gia an ninh mạng cảnh báo coi chừng bị lấy thông tin cá nhân.

Ứng dụng ra mắt vào khoảng Tháng Tư, 2020, được ghi nhận là sản phẩm của công ty BKAV theo yêu cầu của Cục Tin Học Hóa, Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN.

Theo báo VietNamNet, chức năng của Bluezone là phát hiện người tiếp xúc gần thông qua sóng Bluetooth. Dù chỉ vô tình lướt qua nhau, thông tin về lịch sử cuộc gặp cũng sẽ tự động được ghi lại. Điều kiện duy nhất là hai người phải có thiết bị cùng bật Bluetooth và đã cài đặt ứng dụng Bluezone. Lịch sử tiếp xúc của mỗi người sẽ được mã hóa và lưu trữ trên chính bộ nhớ trong của máy.

Để trấn an người dùng, các báo đảng đồng loạt đăng lời khuyên cài app Bluezone của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trong lúc chỉ nhấn mạnh lợi ích mà không đề cập chi tiết về quan ngại lỗ hổng bảo mật của ứng dụng này. Thậm chí trang tin công nghệ ICT News của Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN còn trấn an người đọc: “Việc sử dụng ứng dụng Bluezone hoàn toàn không ảnh hưởng tới quyền riêng tư của người sử dụng. Do vậy, người dùng không nên nghe theo các thông tin lan truyền trên mạng, thay vào đó hãy cài đặt ứng dụng Bluezone để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.”

Báo Pháp Luật TP.HCM hôm 8 Tháng Tám dẫn lời ông Trần Việt Hải, giám đốc sản phẩm di động công ty BKAV, thành viên nhóm phát triển ứng dụng Bluezone: “Khi phát triển ứng dụng chúng tôi muốn phải đảm bảo để người dùng cảm thấy thoải mái vì ứng dụng không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Nhờ vậy đảm bảo tính riêng tư, tính minh bạch.”

Trong khi đó, trả lời BBC Việt Ngữ, Kỹ Sư Dương Trọng Thái, chuyên gia an ninh mạng cho biết: “Khi dịch COVID-19 bùng nổ trở lại ở Việt Nam, tôi đoán trước sau gì chính phủ Việt Nam sẽ yêu cầu người dân cài Bluezone, vì Bluezone không chỉ là công nghệ mà còn là sự nghiệp chính trị của nhiều người. Tôi nghe nói người đứng đầu dự án Bluezone sắp lên chức thứ trưởng Thông Tin Truyền Thông, nhưng chắc không phải nhờ Bluezone đâu, vì tôi tin chính phủ Việt Nam có tiêu chuẩn cán bộ rất cao.”

Ông Thái cũng đưa ra lời cảnh báo: “Tập trung tất cả dữ liệu ở một chỗ sẽ giúp việc truy vết dễ dàng và hiệu quả hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là Bluezone, tức nhà nước Việt Nam, sẽ biết được ai đã gặp ai, trong bao lâu, vào lúc nào. Từ thông tin này có thể suy ra được ai quen ai, tức social graph [sơ đồ xã hội] của phần lớn quan chức và dân chúng. Đây là thông tin rất nhạy cảm, vì nó tiết lộ, chẳng hạn như, ai đang cặp bồ với ai. Giữa trưa mà thấy hai số điện thoại liên tục trao đổi ‘mã số’ cả tiếng đồng hồ là có thể đoán được họ chỉ đang nằm ôm nhau cho đỡ rét thôi.”

Nhiều người hoài nghi tính bảo mật của app Bluezone vì đây là sản phẩm của công ty BKAV. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Trong lúc nhiều người dân “ngoan ngoãn” nghe theo lời khuyên của chính phủ CSVN, giới xã hội dân sự lên tiếng cảnh báo về nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân khi cài Bluezone.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng viết trên trang cá nhân: “…Ở thời điểm này, cài Bluezone chẳng có tác dụng gì, tốn tài nguyên và không an toàn khi ứng dụng đòi hỏi khá nhiều quyền truy cập phần cứng, như trên Android. Còn khi nào dùng được thì chỉ khi được Apple/Google cho phép sử dụng dịch vụ chuẩn hóa ‘COVID-19 Exposure Logging,’ và việc có muốn cấp phép hay không nhiều khi không phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật mà lại phụ thuộc vào yếu tố… chính trị.” (N.H.K) [qd]

No comments:

Post a Comment