Theo RFA-Thanh Trúc-2020-08-13
Hình minh hoạ. Sổ Hộ khẩu và sổ Tạm trú.-File photo
Kế hoạch của Việt Nam bỏ sổ hộ khẩu cuối năm nay được dư luận trong nước hoan nghênh. Theo đó thì muốn hay không cũng đến lúc ‘cái tròng hộ khẩu trên đầu trên cổ dân bao đời nay’ cần được hủy bỏ.
Tại phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về Dự thảo Luật Cư Trú sửa đổi hôm 10/8 vừa qua, chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những nét mới mà Bộ Công An đưa vào dự thảo luật, trong đó có việc bỏ sổ hộ khẩu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trên thế giới không còn bao nhiêu nước dùng sổ hộ khẩu, trong khi nước ta lại để quá lâu mà chưa cải cách.
Bà nói nguyên văn là “ Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà".
Bản thân bà Chủ tịch Quốc hội còn chia sẻ “đã từng làm mất sổ hộ khẩu và phải vất vả khai đi khai lại nhiều lần”.
Chính sách khai báo hộ khẩu, áp dụng cho toàn miền Bắc từ 1954, sau đó với miền Nam từ 1975, thường bị chỉ trích là đã gây khó khăn nhiều cho người dân.
Cựu thiếu ta án ninh, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, qua thư điện tử trả lời cho RFA, viết rằng hộ khẩu là thứ được áp dụng ở Trung Hoa từ thời cổ đại. Thời hiện đại, nhiều nước châu Á cũng thực hiện; nhưng đặc biệt các thể chế cộng sản/độc tài dùng nó như phương tiện siết chặt quyền tự do của công dân, đảm bảo “ổn định chính trị”.
Vẫn lời blogger này, được trích đọc nguyên văn:
“Không thể kể hết những khốn khổ của người dân Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua chỉ vì một cuốn sổ này. Tới “Đổi mới”, “cơ chế thị trường, tưởng sẽ được thoát cái “vòng kim cô” đó, nhưng lại nảy sinh hệ lụy khác. Đó là nạn nhũng nhiễu dân để kiếm lợi quanh nó, từ ngành công an cho tới nhiều ngành “ăn theo” khác”.
Riêng với ngành Công an, đây là thứ duy trì cả quyền lực lẫn quyền lợi, nên rất khó bỏ. Nếu như người lãnh đạo ngành thực tâm muốn thay đổi tiến bộ, thì cũng chưa chắc thực hiện nổi nếu như bộ máy bên dưới không muốn, tìm mọi cách cản trở.
Không thể kể hết những khốn khổ của người dân Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua chỉ vì một cuốn sổ này. Tới “Đổi mới”, “cơ chế thị trường, tưởng sẽ được thoát cái “vòng kim cô” đó, nhưng lại nảy sinh hệ lụy khác. - Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
Trên diễn đàn Quốc hội, trên báo chí đều chưa (“dám”?) bàn sâu, đi vào thực chất nguyên nhân sâu xa bên trong của việc cố níu kéo duy trì hộ khẩu.
Nhiều người khi được hỏi tới cũng chia sẻ trải nghiệm họ gọi là đau đớn lòng hay cười ra nước mắt trong một thể chế hộ khẩu mà Báo Công An Nhân Dân từng ca tụng là thông minh, ưu việt cho an ninh và trật tự xã hội.
Đó cũng là nhận định của nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương, ông Nguyễn Khắc Mai:
“Miền Bắc từ 1954, 1955 là bắt đầu có hộ khẩu rồi. Khi tôi về Huế tháng Năm 1975, khi đưa chủ trương làm hộ khẩu thì dân Huế họ nói “hộ khẩu là hậu khổ”, tức là làm xong cái hộ khẩu là sẽ khổ đấy. Họ nhận định theo trực giác nhưng mà nó y chang như thế, nó quan liêu, nó lợi dụng hộ khẩu nó hành hạ cho người ta rất là đau khổ”.
“Xã hội nào thì cũng phải lo cho dân an toàn, phải biết dân đang ở đâu đang làm gì nhưng mà có cần làm hộ khẩu đâu. Khi tôi ở trong miền Nam trước 1954 chả có hộ khẩu hộ khiếc gì cả mà người ta vẫn sống đàng hoàng. Bịa ra cái hộ khẩu để mà nắm chắc để mà quản lý người dân là chủ trương của đảng cộng sản, nó làm con người mất cả tự do, nhân quyền, nhân thân của mình. Bây giờ bỏ cái đó đi là hợp lý”.
Kê khai, trình báo hộ khẩu là chính sách từ thượng tầng, ông Nguyễn Khắc Mai nói tiếp, thế nhưng xuống tới tỉnh thành làng xã thì lại giao vào tay những cán bộ thừa hành vốn ít chữ mà còn thiếu hiểu biết, dẫn đến chuyện dở khóc dở cười như bản thân ông và rất nhiều người gặp phải:
“Kém cỏi, thủ tục hành chính lần mò, lạc hậu. Ví dụ của cá nhân tôi mới tức cười, năm sinh mà tôi khai thì họ không viết, họ lại lấy năm sinh của bà nhạc tức bà mẹ vợ của tôi, rồi họ chuyển năm sinh của tôi lên chỗ bà mẹ. Sau ngày phát hiện tôi phải lóc cóc đến công an rồi đến Ủy Ban Nhân Dân, yêu cầu họ sửa lại cũng rất là khó khăn”.
“Có lần tôi đi làm khai sinh cho đứa con, cách đây cũng 50 năm rồi, tôi khai tên vợ tôi là Trần Thị Băng Thanh, ông làm giấy tờ bảo tên gì mà dài thế rồi ông tự bỏ xoẹt chữ “Thị” đi. Nghĩa là họ nghĩ sao họ làm vậy thôi, chả cần khoa học chả cần thực tế, muốn thì làm thôi. Đấy là chuyện rất thường ở xã hội miền Bắc hay ở Việt Nam hiện nay”.
Đối với nhà báo độc lập, blogger Nguyễn Vũ Bình, trải nghiệm cá nhân với hộ khẩu không nhiều, nhưng không phải vì thế mà anh không biết đến những chuyện tiêu cực liên quan:
“Bởi vì tôi ở vị trí là làm ở Tạp Chí Cộng Sản, đâm ra có nhiều thuận lợi cho nên cảm nhận về khó khăn là có nhưng không nhiều. Còn những người đã trải qua sổ hộ khẩu thời bao cấp đều hiểu nó cực kỳ là khổ sở. Chuyển hộ, chuyển khẩu rồi chứng sinh, chứng tử, hôn nhân vân vân mất hàng chục triệu là có”.
Vẫn theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, hộ khẩu vừa là chính sách, vừa là phương tiện, vừa là cách thức quản lý gắn liền với tất cả mọi sinh hoạt và đời sống của người dân trong các chế độ cộng sản:
“Đối với chế độ thì phương thức này cực kỳ hiệu quả, nhưng khi chuyển sang đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường thì hộ khẩu không còn phù hợp nữa mà phải thay đổi theo với thời hội nhập”.
Bày ra cái hộ khẩu là thể hiện quyền lực kiểm soát nơi ở cũng như sự di chuyển của người dân. Nhưng bây giờ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng. Việt Nam đã mở cửa rồi và cũng đã thấy cần phải học các nước tiên tiến. - Ông Lê Thân - Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng
Quyết định bỏ hộ khẩu tuy muôn màng nhưng cần thiết, còn phát biểu liên quan của chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đúng lúc thôi, là nhận định của ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, một tổ chức dân sự ở TP.HCM:
“Nhà Nước cần một sự quản lý ở một qui mô lớn hơn chứ không phải vì thương hay tốt với dân. Cho nên chuyện đứng lên mà tuyên bố như chủ tịch quốc hội tôi cho là có tính cách tuyên truyền nhiều hơn”
“Bày ra cái hộ khẩu là thể hiện quyền lực kiểm soát nơi ở cũng như sự di chuyển của người dân. Nhưng bây giờ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng. Việt Nam đã mở cửa rồi và cũng đã thấy cần phải học các nước tiên tiến. Nước Mỹ đâu có cần họ khẩu, chỉ cần số thẻ an sinh bấm một cái là ra, rất chặt chẽ mà không rườm rà. Hơn nữa Việt Nam bây giờ đã bắt đầu ra thẻ căn cước có gắn con chip nắm toàn bộ dữ liệu mà thậm chí anh đi đâu nó cũng biết. Do đó chuyện bỏ hộ khẩu, xét trong tình hình hiện giờ là vì nó không còn giá trị sử dụng”.
Được biết Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội vừa đề nghị chính phủ gia hạn giá trị pháp lý sổ hộ khẩu thêm 18 tháng. Lý do được giải thích là để có thể giúp các cơ quan hành chính có sự chuẩn bị, đồng bộ trang thiết bị, dữ liệu quốc gia về dân cư, không gây xáo trộn đột ngột.
Theo blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, cuối cùng việc bỏ hộ khẩu đã được nêu ra sau những hứa hẹn từ 3 năm qua mà cứ lần khân với nhiều lý do không mấy thuyết phục.
Và càng chậm ngày nào thì càng thêm nặng tội với dân ngày đó, là khẳng định mà cũng là cảnh báo của cựu thiếu ta an ninh Nguyễn Hữu Vinh.
No comments:
Post a Comment