Theo RFA-TS. Phạm Quý Thọ-2020-08-03
Hình minh hoạ. Phiên toà ở Hà Nội hôm 22/1/2018 xét xử một cựu quan chức ngành dầu khí bị cáo buộc tội tha
Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vẫn đang được đẩy mạnh trước thềm Đại hội 13. Những kẻ vi phạm bị kỷ luật, lĩnh án, theo ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đều ‘tâm phục, khẩu phục và ăn năn’. Vậy điều gì đang cản trở?
Cuối tháng 7/2020 một loạt báo chính thống của nhà nước đưa tin việc ‘kê khai tài sản’ của cán bộ công chức lãnh đạo lại một lần nữa ‘lỡ hẹn’. Đại diện Thanh tra chính phủ - cơ quan soạn thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị - nêu lý do là Đảng và chính quyền ‘chồng chéo’ kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng này. Chính phủ đã ‘xin ý kiến’ Đảng nhiều lần nhưng vẫn đang phải chờ quyết định.
Kiểm soát tài sản quan chức, nghĩa là ‘động chạm’ đến chế độ, xuất phát từ thực tế, từ sự tồn vong của chế độ và sự đòi hỏi của người dân. Đó chính là điều đang cản trở chiến dịch chống tham nhũng.
Tham nhũng có căn nguyên từ quyền lực tha hóa. Kiểm soát tài sản của cán bộ lãnh đạo dựa trên cơ sở luật pháp là cơ chế điều chỉnh các hành vi tham nhũng do tha hoá quyền lực. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này đang gặp ‘rắc rối’, bắt nguồn từ chế độ đảng toàn trị với quyền lực tập trung.
Tài sản tham nhũng
Tham nhũng được định nghĩa là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Nói ngắn gọn, cán bộ lãnh đạo sử dụng chức quyền như một phương tiện để trục lợi cho mình, gia đình mình hoặc cho người thân về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần.
Tài sản tham nhũng là chứng cứ rõ ràng nhất để kết tội. Không kiểm soát được tài sản của quan chức không thể chống được tham nhũng. Dư luận chỉ có thể bàn tán, người dân ‘nhỏ to’ về sự giàu lên nhanh chóng của quan chức, những biệt thự, xe sang, con cái đi học nước ngoài, du lịch, chữa bệnh cao cấp… thách thức trước mắt họ, nhưng nếu không có bằng chứng tham nhũng, việc tố cáo là không thể, thậm chí gặp ‘nguy hiểm’ liên quan đến quy định pháp luật và cơ chế kiểm soát.
Trong giai đoạn khủng khoảng thể chế trước thềm Đại hội 12, tài sản quan chức cao cấp được tung lên mạng xã hội có chủ đích gây ảnh hưởng tới ‘lá phiếu bầu cử’ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Trang ‘Chân dung quyền lực’ có nhiều bài viết chi tiết về sự giàu có của nhiều quan chức, tuy nhiên đó không thể là chứng cứ. Tài sản của quan chức tham nhũng nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng.
‘Chồng chéo’ quản lý
Chiến dịch chống tham nhũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh từ sau Đại hội 12 của Đảng. Hàng nghìn vụ kỷ luật và án tù được tuyên đối với nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản công, tuy nhiên rất khó khăn để chỉ ra tội tham nhũng của quan chức tha hoá. Đại án AVG là ngoại lệ hiếm hoi, trong đó các cựu lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông bị kết tội ‘nhận hối lộ’, có thể coi là ‘thành tích’, nhưng không thể cung cấp biện pháp chính sách hiệu quả để chống tham nhũng.
Thực trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng và lan rộng. Các cán bộ, đảng viên lãnh đạo giữ chức vụ từ trưởng, phó phòng trở lên đã phải kê khai tài sản. Chính sách này mang nặng tính hình thức, kém hiệu lực do thiếu cơ sở pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ được ban hành 2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, và cần thiết một nghị định – văn bản dưới luật để thực thi.
Thực trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng và lan rộng. Các cán bộ, đảng viên lãnh đạo giữ chức vụ từ trưởng, phó phòng trở lên đã phải kê khai tài sản. Chính sách này mang nặng tính hình thức, kém hiệu lực do thiếu cơ sở pháp luật.
Tuy nhiên, Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa thể được ban hành, cho nên không thể tiến hành ‘kê khai tài sản’ của cán bộ công chức lãnh đạo. Nguyên nhân, được vị đại diện Thanh tra Chính phủ thừa nhận, là Đảng và Chính quyền ‘chồng chéo’ kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng này, và Nghị định không thể ban hành nếu thiếu ý kiến quyết định của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
Nguyên tắc ‘Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý’ vận hành gặp trục trặc ngày càng thường xuyên trong quá trình chuyển nền kinh tế sang thị trường, đặc biệt trong công tác cán bộ. Đảng lệ dựa trên các quy định nặng về định tính trong khi pháp luật nhà nước điều tiết hành vi bằng các chế tài cụ thể, định lượng. Một quan chức suy thoái có thể bị Đảng khiển trách hay cảnh cáo, tuy nhiên luật định gặp khó khi đưa ra các mức chế tài tương đương. Thậm chí, mới đây thôi, cựu thứ trưởng Bộ Công thương, từng bị Đảng cách ‘nguyên’ chức trong nhiệm kỳ khi còn công tác, tuy nhiên khi sai phạm có liên quan trong vụ án được phát hiện sau vài năm, đã kịp ‘cao chạy xa bay’ ra nước ngoài!
Thanh tra Chính phủ - cơ quan soạn thảo nghị định - cho biết, rằng Ban Bí thư ‘sẽ ban hành quy chế phối hợp kiểm soát tài sản’ của đối tượng này để giải quyết ‘chồng chéo’, nhưng đây cũng chỉ có thể là giải pháp tình huống. Kiểm soát tài sản quan chức là cơ sở chắc chắn hơn nếu dựa vào pháp luật. Nghị định trên cần được sớm ban hành và thực thi một cách thực chất như một giải pháp chính sách chống tham nhũng để đáp ứng đòi hỏi của người dân. Tham nhũng đang ‘sói mòn’ niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Niềm tin liệu có ‘quay trở lại’ tuỳ thuộc vào mức độ Đảng tự sửa khi ‘tự lấy đá ghè chân mình’.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment