Trong cuộc họp với thành ủy, UBND Hà Nội hôm 14 tháng Bảy vừa qua, ông Thứ Trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Lê Xuân Định đã đề cập tới lợi thế “Ba cái nhất” của thành phố Hà Nội đang nắm giữ là “Hạ tầng mạnh nhất, nhiều trung tâm khoa học, nghiên cứu và nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất, đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia …cũng như các nguồn tài nguyên lịch sử, văn hóa, truyền thống to lớn khác.”
Qua đó, giới chức CSVN thể hiện sự tự tin trong việc thực hiện được mục tiêu phát triển trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước. Trước đó, ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra cuối tháng Sáu, 2020 cũng đã chỉ đạo Hà Nội phải trở thành trung tâm khu vực Đông Nam Á.
Nói về thói quen lộng ngôn của giới chức CSVN thì nói suốt năm suốt tháng cũng không hết. Họ nói phét, nói láo đâm quen, lâu dần họ không có nhận thức đúng những gì họ nói nữa. Thói quen trở thành phản xạ, bản năng. Thậm chí kẻ nào càng nói phét, nói láo giỏi thì lại càng được cho là có năng lực, nhiệt huyết. Nói phét không phải đóng thuế, cũng chẳng ai bị “kỷ luật nghiêm khắc” bao giờ. Cho nên, từ các “lãnh tụ” cộng sản như Lê Duẩn, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh cho giờ tới Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đều phát huy cái truyền thống ấy.
Chuyện mấy ông bí thư hàng tỉnh, thứ bộ trưởng, viên chức làng nhàng có nói phét thì cũng không có gì lạ. Nhưng vì nói tới “Ba cái nhất” của Hà Nội, thì người viết phải nói thêm nhiều cái “Nhất” của cái đất luôn tự hào là “ngàn năm văn hiến” đó.
Ô nhiễm nhất
Hà Nội hiện là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí nhất thế giới. Liên tục xuất hiện ở vị trí số 1, mức ô nhiễm của Hà Nội vượt xa mức ô nhiễm của thành phố xếp thứ 2 là TP.HCM trên bảng xếp hạng mức ô nhiễm không khí của AirVisual. Đáng chú ý là ngay cả thời gian giãn cách xã hội vừa qua, với lượng giao thông giảm hẳn, mức ô nhiễm của Hà Nội vẫn rất cao. Giới chức thì đổ thừa cho người dân dùng than bùn để nấu nướng và nông dân ngoại thành đốt rơm rạ gây ra ô nhiễm. Bây giờ, cứ vấn nạn xã hội môi trường nào xảy ra thì người dân trở thành sọt rác để giới cầm quyền trút bỏ trách nhiệm “do ý thức người dân kém, do thói quen người dân, do người dân hám lợi…”
Ngày 28 tháng Bảy, chỉ số AQI (Air Quality Index – chỉ số chất lượng không khí) của Hà Nội nhiều nơi đã ghi nhận mức ô nhiễm màu tím tức là mức nguy hại cho sức khỏe. Đây không phải là lần đầu Hà Nội ghi nhận mức ô nhiễm này, tình trạng nghiêm trọng đến mức nhà cầm quyền đã nhiều lần phải khuyến cáo người dân hạn chế ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết. Vào tháng Tám, 2019, Bộ Chính Trị CSVN đã ra chỉ đạo về khắc phục ô nhiễm môi trường không khí và nước thải ở Hà Nội và TP.HCM.
Mặc dù vậy, rõ ràng là trái với “quyết tâm chính trị” của nhà cầm quyền, Hà Nội vẫn liên tục được “vinh danh” là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Tình trạng này chỉ có thể cải thiện được phần nào bởi …ông Trời, khi thời tiết thuận lợi hơn mà thôi.
Khác với TP.HCM, Hà Nội là một khu vực có địa hình thấp lòng chảo và các khu vực ngoại thành cũng như các tỉnh giáp với Hà Nội được qui hoạch chú trọng phát triển công nghiệp nặng trong nhiều thập kỷ qua. Những tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng là những tỉnh có số doanh nghiệp công nghiệp nặng như luyện kim, nhiệt điện, xi măng, nhựa, cao su, hóa chất, điện tử, da giày… Tất cả đều có mức ô nhiễm cao và đặc biệt với các dây chuyền cũ lạc hậu.
Thời tiết của miền Bắc theo khí hậu gió mùa, nguồn ô nhiễm công nghiệp này theo gió mùa Đông Bắc sẽ tràn xuống đô thị Hà Nội ở phía cuối gió và quẩn quanh trong những địa hình đô thị ken đặc các cao ốc. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường công bố cho biết Hà Nội là đô thị có tỷ lệ che phủ cây xanh/ đầu người thấp nhất toàn quốc, chỉ có 2m² cây xanh/người. Con số này bằng 1/10 so với tỷ lệ trung bình của các đô thị trên thế giới. Tuy vậy, giới chức Hà Nội thì thích chặt cây bán gỗ lấy tiền hơn là trồng cây. Chuyện này chẳng phải ông Nguyễn Thế Thảo đã làm đó sao?
Không chỉ ô nhiễm không khí, Hà Nội còn là địa phương có nguồn nước ô nhiễm nhất toàn quốc. Tất cả nguồn nước mặt của Hà Nội đều ô nhiễm tới mức không thể sử dụng, thậm chí cả vào việc tưới tiêu. Nhiều nghiên cứu cho thấy thậm chí nguồn rau, thực động vật nuôi trồng sử dụng nguồn nước ở các con sông Hà Nội đều có dư lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu, ký sinh trùng ở mức nguy hiểm không thể sử dụng. Tuy vậy, người dân thủ đô vẫn đang ăn rau trồng từ nguồn nước thải đáng sợ này!
Nông dân ở Đại Kim, Thịnh Liệt, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì… vẫn đang trồng rau cung ứng cho nhu cầu ăn uống của Hà Nội. Tất cả hai bên bờ những dòng sông chảy qua Hà Nội như Tô Lịch, Kim Ngưu, Sông Lừ, sông Nhuệ, sông Sét… đều là những ổ dịch bệnh thường trực như sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, đau mắt, đường ruột… cho cộng đồng dân cư sống ở hai bên bờ.
Sau 30 năm “phát triển” đô thị với tư duy “qui hoạch theo mét vuông và lấy lu chống lụt,” những “thiên tài” AQ đảng CSVN đã biến một đô thị cổ duyên dáng bên bờ sông Hồng với chồng chất tầng lớp trầm tích văn hóa lịch sử hàng nghìn năm trở thành một đô thị ken đặc những khối bê tông, nhà chọc trời, nhưng cực kỳ ô nhiễm, thành phố 8 triệu dân này chưa hề có một công trình xử lý nước thải đô thị tập trung. Toàn bộ nguồn thải đều đổ thẳng ra sông ngòi, không chỉ là nước thải sinh hoạt mà thậm chí cả nước thải của tất cả các khu công nghiệp.
Tuy giới chóp bu CSVN luôn nói rằng không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhưng sự thực thì tất cả các nguồn ô nhiễm mà những doanh nghiệp thải ra đều được tính bằng… phong bì cho giới chức. Bắc Ninh là địa phương được coi là thủ phủ của hàng nhái, hàng giả, nơi tập trung rất nhiều làng nghề ô nhiễm nhất miền Bắc vẫn tồn tại hàng thập kỷ qua.
Một hậu quả tồi tệ mà không một báo cáo kinh tế xã hội nào của nhà cầm quyền muốn đề cập và nhìn nhận thực trạng là “Tất cả các sông của Hà Nội đều …chết.”
Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, Việt Nam có khoảng 97,2 triệu dân, trong đó, riêng ở Hà Nội, gần 3 triệu dân không có nước sạch sử dụng. Đó là một thực trạng đáng …kinh ngạc. Phần lớn vùng ngoại ô, khu vực Hà Nội mở rộng, người dân vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm trầm trọng amoni, asen để sinh hoạt và ăn uống. Không có gì lạ khi Hà Nội hiện cũng là địa phương có tỉ lệ ung thư cao nhất toàn quốc.
Hệ thống cấp nước khu vực đô thị Hà Nội đảm bảo cho 12 quận nội thành với quy mô dân số khoảng 3,7 triệu người, chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm từ 16 nhà máy nước và các trạm cấp nước nhỏ cục bộ. Tuy vậy, chất lượng nước sinh hoạt cũng không đảm bảo. Sự kiện nước cấp sinh hoạt của hơn một triệu người dân Hà Nội bị nhiễm dầu thải trong tháng Mười, 2019 là một ví dụ điển hình. Việc bị cắt nước vào mùa nóng do… vỡ đường ống cấp nước sông Đà đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện.”
Câu chuyện về rác thải ở Hà Nội cũng luôn là một đề tài nhức nhối. Cơn khủng hoảng về rác thải vừa qua có lẽ đã mang lại cho 8 triệu dân thủ đô biết được mùi vị của “công bằng và bình đẳng” ở xứ thiên đường CS là gì. Khi 4000 dân của xã Nam Sơn đã chặn đường không cho xe rác vào vì không thể chịu đựng nổi cảnh tượng nguồn chất thải của 6 triệu con người cứ đổ lên …đầu họ mỗi ngày, “thủ đô văn hiến” đã chứng kiến cảnh tượng rác ngập tới mặt và thất thủ hoàn toàn chỉ trong ba ngày.
Dân Hà Nội phát bệnh, phát rồ, kêu la, oán thán. Giới chức lại cuống cuồng trấn an, xoa dịu dư luận và hứa hẹn đền bù cho 4000 dân ở quanh bãi rác Nam Sơn. Sự việc tạm lắng khi người dân Nam Sơn lại phải ngậm ngùi tháo dỡ lều bạt, barrier …nhẫn nhịn chờ đợi lời hứa của ông Chủ Tịch Chung. Đối mặt với “chính quyền cách mạng” thì có lẽ cũng phải vậy thôi. Hóa ra, phần lớn người dân ở xứ này từ chối chia xẻ trách nhiệm với thứ mà họ xả ra hàng ngày. Phần lớn đều thích mình được “bình đẳng hơn những đồng loại khác.”
Chưa nói đến những cái “Nhất” khác của Hà Nội mà người viết sẽ có dịp liệt kê sau đây, chỉ riêng một cái “Nhất” về ô nhiễm này, thay vì giới chức Hà Nội đang nói phét về một trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hãy thử nghĩ ra giải pháp và kế hoạch để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội. Điều đó thiết thực và có ý nghĩa hơn nhiều./.
No comments:
Post a Comment