ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Dù bị dư luận chỉ trích, nhà cầm quyền tỉnh Đắk Nông tiếp tục ra lệnh đẩy nhanh việc xây dựng tượng đài “N’Trang Lơng và Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc 1912-1936” tại phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
N’Trang Lơng được ghi nhận là tù trưởng người dân tộc M’Nông, nổi dậy kháng chiến chống Pháp ở Nam Tây Nguyên (giáp ranh Cambodia) trong 24 năm đầu thế kỷ 20.
Theo báo Dân Trí, công trình có tổng chi phí 167 tỷ đồng ($7.2 triệu), riêng phần tượng và phù điêu được chế tác bằng đá xanh chở từ Thanh Hóa vào, trị giá 47 tỷ đồng (hơn $2 triệu). Khoản tiền trên được ghi nhận là “được huy động từ nguồn đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đắk Nông.”
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông, yêu cầu chủ đầu tư công trình “đẩy nhanh tiến độ thi công, kể cả vào ban đêm” để kịp bàn giao cho Công Ty Xây Dựng Mỹ Thuật Hà Nội hoàn tất việc dựng tượng ngay trong Tháng Mười.
Tờ báo điện tử của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN không dám chỉ trích quyết định lãng phí của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông mà chỉ viết:
“Hiện tỉnh Đắk Nông vẫn là một trong những địa phương khó khăn, với 40 thành phần dân tộc cùng sinh sống.”
Liên quan tượng đài được khởi công từ năm 2015 nêu trên, báo Văn Hóa hồi Tháng Năm cho biết: “Công trình tượng đài N’Trang Lơng sau sáu năm khởi công chỉ có phần móng và trụ. Việc đấu thầu có nhiều sai sót. Ngoài ra, việc giám sát, bảo vệ và nghiệm thu các hạng mục cũng không đảm bảo dẫn đến các sai sót về kỹ thuật buộc phải tạm dừng để thanh tra.”
Tờ báo của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch CSVN cũng bình luận: “Sai thì phải sửa và phải chịu trách nhiệm là lẽ đương nhiên nhưng dư luận vẫn nhận thấy rằng, trong những bất cập về xây dựng biểu tượng, tượng đài ở Đắk Nông có điều gì đó chưa thật sự minh bạch, gây lãng phí không nhỏ tiền của nhà nước. Bài học này không chỉ của riêng tỉnh này.”
Việc xây tượng đài tượng $7.2 triệu diễn ra trong bối cảnh Đắk Nông đang bùng phát bệnh bạch hầu, với 36 ca được ghi nhận và hơn một ngàn người phải cách ly, khiến giới chức y tế tỉnh này phải khẩn cấp khống chế các ổ dịch.
Báo Phụ Nữ TP.HCM hồi cuối Tháng Sáu dẫn lời ông Hà Văn Hùng, phó giám đốc Sở Y Tế tỉnh Đắk Nông: “Hiện nay, tại tỉnh Đắk Nông và hầu hết các tỉnh chưa có huyết thanh kháng độc tố. Chúng tôi liên lạc với nhiều cơ sở trung ương xin nhượng lại huyết thanh kháng độc tố để điều trị cho các ca nặng nhưng vẫn không có thuốc. Do không có sẵn huyết thanh kháng độc tố khiến việc điều trị gặp không ít trở ngại. Chúng tôi rất mong Bộ Y Tế chỉ đạo việc cung cấp huyết thanh kháng độc tố cho các địa phương.”
Hồi đầu Tháng Bảy, báo Infonet cho hay: “…với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đoàn thể và nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo ở Đắk Nông năm 2020 còn dưới 7%.”
Trong giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông “tiếp tục đề ra mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ…” (N.H.K) [kn]
No comments:
Post a Comment