Friday, July 31, 2020

Dân ‘thủ phủ sầu riêng’ Tiền Giang đốn bỏ hàng ngàn hécta do hạn mặn

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Gần 4,800 hécta sầu riêng trong số hơn 13,500 hécta tại “thủ phủ sầu riêng” thuộc hai huyện Cai Lậy, Châu Thành bị người trồng tự đốn bỏ sau đợt hạn mặn làm chết khô.

Lội bộ ra vườn sầu riêng Momthong (Dona Thái Lan) 17 năm tuổi, rộng 6,500 mét vuông cỏ mọc um tùm vì nhiều ngày không ai chăm sóc, ông Lê Văn Thôi (62 tuổi, xã Long Tiên, thị xã Cai Lậy), cho biết gia đình ông làm sầu riêng trái vụ, mỗi năm thu hoạch một đợt quả, trừ chi phí thu lợi nhuận từ 600- 800 triệu đồng ($25,808-$34,411).

Cùng lúc này năm ngoái, vườn sầu riêng của ông bắt đầu giai đoạn trổ bông, sẽ kịp thu hoạch để gia đình có tiền chơi Tết. Còn năm nay, ảnh hưởng của đợt hạn mặn “kỷ lục” kéo dài gần sáu tháng, những mô đất vun quanh gốc khô nứt nẻ, phía trên là thân cây đã chết ngả màu đen xỉn, lá rụng hết, cành bạc trắng, nhiều đoạn mục ruỗng, gãy rơi đầy vườn.

“Chỉ dám tưới cầm chừng cho cây sống mà từ đầu vụ đến giờ tốn gần 200 triệu đồng($8,602) tiền nước, vậy mà vẫn không cứu được cây nào,” ông Thôi buồn bã nói với báo VNExpress.

Cách nhà ông Thôi 2 cây số, vườn sầu riêng 13 năm tuổi rộng 5,000 mét vuông của ông Nguyễn Văn Phước (50 tuổi) may mắn hơn, khi số cây chết hoàn toàn chỉ khoảng 50%. Năm ngoái, cả vườn cho năng suất 20 tấn mỗi hécta, trừ chi phí gia đình ông Phước lãi hơn 200 triệu đồng ($8,602). Còn năm nay, sau khi kết thúc vụ thu hoạch một tháng trước, cả vườn chỉ bán được 30 triệu đồng($1,290) trong khi tiền nước tưới, phân thuốc đã bỏ ra gấp đôi.

Những cây còn trụ được qua mùa khắc nghiệt tại vườn cũng lâm vào cảnh èo uột, chậm phục hồi. Theo kinh nghiệm dân gian, ông Phước dùng cưa cắt nhánh, thân rồi bôi vôi sống lên bề mặt gốc cây, với hy vọng các chồi non sẽ sớm hồi sinh.

 

Người dân đau sót cưa bỏ những cây sầu riêng bị chết phần trên. (Hình: Mậu Trường/Tuổi Trẻ)

“Đợt rồi tưởng đâu chết hết, tui sẽ dọn vườn trồng mít, nay còn sống bao nhiêu là mừng rồi, vì giờ có trồng mới lại cũng 5, 6 năm mới thu hoạch, lấy vốn,” ông Phước nói.

Không riêng gì ông Thôi, ông Phước, những ngày qua ông Nguyễn Văn Triệu (ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) ngậm ngùi bỏ phế năm công vườn sầu riêng bị chết khô vì không có kinh phí thuê người cưa cây.

Trước đó ông Triệu lỡ tưới nước mặn vào vườn, nước thấm hết vào đất, mưa xuống cũng không thấm thía gì, mặn không trôi hết nên cây vẫn chết trụi.

“Nhà có một mình nên tôi không đốn cây hết được, chỉ bẻ nhánh để mấy đứa cháu gom giùm. Giờ đắp mô trồng cây vô rồi chuyển qua các cây khác, nhẹ vốn và mau lớn,” ông Triệu nói với báo Tuổi Trẻ.

Dọc 20 cây số đường từ xã Long Tiên đến xã Phú Phong (huyện Châu Thành), nhiều đống củi sầu riêng chất cao ven lộ, có cây đường kính thân đến 30 cm. Đây là những cây sầu riêng đã chết được các nhà vườn cưa bỏ, sau đó cho hoặc bán rẻ lại các nhà xưởng làm chất đốt, gỗ công nghiệp.

Xã Tiên Long chỉ trồng chủ yếu cây sầu riêng, có tổng diện tích hơn 1,100 hécta. Tuy nhiên, đợt hạn mặn kéo dài vừa qua đến nay đã có hơn 530 hécta cây chết hoàn toàn.

Cây chết được người dân cưa chất đầy dọc đường. (Hình: Hoàng Nam/VNExpress)

Hầu hết các nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang không có nhiều sự lựa chọn sau đợt hạn mặn nên vẫn cố giữ lấy cây sầu riêng. Thay vì trồng mới mất rất nhiều thời gian để cho trái, họ chọn cách cưa cây để dưỡng tược mới với hi vọng nhanh phục hồi vườn sầu riêng của mình.

Ông Võ Văn Men, chi cục trưởng Bảo Vệ Thực Vật, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Tiền Giang, cho biết tổng diện tích cây sầu riêng chuyên canh ở tỉnh hơn 13,500 hécta, đạt sản lượng hơn 277,000 tấn/năm, nhưng nay có gần 4,800 hécta cây hiện chết gần như hoàn toàn.

Mùa hạn mặn năm 2020 đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến sáu tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống “hạn mặn khẩn cấp.” Đợt hạn mặn gây thiệt hại 43,000 hécta lúa, 80,000 gia đình thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ CSVN đã chi 530 tỷ đồng ($22.80 triệu) cho tám tỉnh chống hạn mặn. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment