Friday, July 26, 2019

Dân mạng: Sẽ không tham gia ‘biểu tình quốc doanh’ chống Trung Quốc

Người dân Việt Nam biểu tình chống Luật Đặc Khu cho Trung Cộng thuê đất 99 năm vào ngày 10 Tháng Sáu, 2018. (Hình: Kao Nguyễn/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong bối cảnh đối đầu căng thẳng tại Bãi Tư Chính chưa có dấu hiệu dừng lại, các báo nhà nước liên tục đưa tin lên án Trung Cộng “làm luật ở Biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,” tuy vậy không có dấu hiệu nào cho thấy người dân Việt Nam sẽ đi biểu tình.
Điều này có vẻ tương phản hoàn toàn so với phản ứng của người dân lúc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Tháng Năm, 2011) và vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981 (Tháng Năm, 2014) và gần nhất là cuộc biểu tình hồi Tháng Sáu, 2018, nhằm phản đối Luật Đặc Khu cho Trung Cộng thuê đất 99 năm tại các vùng trọng yếu của Việt Nam.
Trở lại vụ Bãi Tư Chính, một số Facebooker lý giải rằng nhà cầm quyền CSVN đang có chỉ dấu “bật đèn xanh” cho việc người dân xuống đường phản đối qua bài báo “Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc” đăng trên báo Infonet và Tuần Việt Nam hôm 25 Tháng Bảy.
Bài báo này viết: “Không quan niệm ‘ai là kẻ thù,’ mà hãy nhìn nhận đó là những đối tác, quan hệ với tâm thế bình đẳng, không e ngại nước lớn, nước nhỏ, từ đó đóng góp những giá trị cho thế giới, hiền hòa, nhưng không để nước nào dù lớn bắt nạt hay lấn át. Muốn vậy, Việt Nam cần có cơ chế phát huy cao nhất sức mạnh tổng lực của 96 triệu người đầy nhiệt huyết, có tinh thần quật khởi bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ phẩm giá dân tộc…”
Trong lúc các báo nhà nước vẫn đang “mạnh miệng,” các Facebooker có ảnh hưởng trên mạng xã hội lý giải tại sao lần này, người dân Việt Nam từ chối xuống đường.
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang phân tích trên trang cá nhân: “Chưa bao giờ, chưa một lần nào nhà nước có một phát ngôn công khai thể hiện sự tôn trọng đối với một thứ quyền căn bản của công dân – quyền tụ tập, quyền biểu tình. Và quan trọng hơn nữa, chưa có bất kỳ một cán bộ, quan chức nào của đảng, nhà nước, công an, quân đội, tóm lại là các cơ quan chức năng có liên quan… phải chịu trách nhiệm về những hành động trấn áp tàn bạo mà các lực lượng công quyền đã gây ra đối với nhân dân. Một lời xin lỗi cũng không. Một sự thừa nhận quyền biểu tình cũng không. Một tiếng cảm tạ lòng yêu nước càng không.”
“Nhà nước CS này không thích bất kỳ cái gì không nằm trong tầm quản lý của chúng, nói nôm na là ‘không kiểm soát được.’ Biểu tình quốc doanh, do Mặt Trận Tổ Quốc và các cơ quan đoàn thể phối hợp tổ chức thì được, biểu tình của dân là bất hợp pháp, là gây rối trật tự công cộng, là phá hoại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước,” theo Facebook Pham Doan Trang.
Cùng thời điểm, Luật Sư Lê Công Định tuyên bố trên trang cá nhân: “Nếu nhà nước bật đèn xanh để dân xuống đường biểu tình lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước, tôi sẽ dứt khoát không đi. Chúng ta không thể là con cờ trong tay nhà cầm quyền tồi tệ này.”
Hai ý kiến nêu trên nhận được nhiều sự đồng tình của cộng đồng mạng, kể cả những người đã tham gia biểu tình chống Trung Cộng các năm trước. Điều nay cho thấy sự bất mãn của dân chúng khi nhà cầm quyền CSVN chỉ nhắc đến người dân trong những thời điểm cần tuyên truyền, hô hào về lòng ái quốc, nhưng lại ra tay trấn áp khi có quan hệ “hữu hảo” với Cộng Sản Trung Quốc.
Trong vụ căng thẳng ở Bãi Tư Chính, công luận càng không mấy tin vào cách ứng phó và tâm địa với dân của nhà cầm quyền khi mà Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng mấy lần xuất hiện đều không nói gì về hiểm họa Trung Cộng xâm lược, nhưng lại lớn tiếng hôm 20 Tháng Bảy: “Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.” (T.K.)

No comments:

Post a Comment