Trung Khang, RFA-2019-07-25
Ảnh minh họa: Sách giáo khoa môn lịch sử, do bạn Danh Phuong hiện đang là một học sinh cấp ba tại thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn sử dụng thiết kế để gạt bỏ nỗi buồn chán mỗi khi học Lịch Sử.Photo courtesy of Danh Phuong
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia 2019, số thí sinh có điểm dưới trung bình môn lịch sử chiếm tới 70,01%.
Vì sao điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại mỗi năm?
Môn học không có lỗi, vậy lỗi do đâu?
Có ý kiến cho rằng do phương pháp dạy, có người thì cho rằng chương trình học có vấn đề, là môn phụ .v.v… nhưng theo một số chuyên gia giáo dục, vấn đề nằm ở chỗ học sinh không hứng thú với môn học này.
Trao đổi với RFA hôm 25/7, Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nhận định:
“Đây là chuyện lớn rồi, vấn đề học sinh học kém môn lịch sử có nguyên nhân sâu xa của nó, do người ta chán môn lịch sử, không hứng thú với nó. Vì thế người ta không chịu học, không để tâm đến nó, không chăm chú học, không phấn khởi học… Nguyên nhân là do nội dung lịch sử có những chỗ không được chuẩn, thành ra người ta coi thường.”
Người ta không chịu học, không để tâm đến nó, không chăm chú học, không phấn khởi học… Nguyên nhân là do nội dung lịch sử có những chỗ không được chuẩn, thành ra người ta coi thường.
-Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, phương pháp dạy lịch sử và trình độ của giáo viên dạy lịch sử cũng là một phần nguyên do, giáo viên dạy lịch sử như dạy chính trị, do đó học sinh chán. Theo ông, nếu dạy lịch sử đúng thì sẽ tạo ra được sự hào hứng và thấy được triết lý sâu xa nằm trong từng con người lịch sử, nằm trong từng nội dung lịch sử.
Đây không phải lần đầu tiên môn lịch sử bị đem ra “mổ xẻ”. Nhiều năm nay, các chuyên gia giáo dục từng lên tiếng, cho rằng học sinh, sinh viên ngày nay không còn thích học môn lịch sử. Tuy nhiên mọi ý kiến phản biện trước đây, dù đã được lắng nghe, vấn đề này vẫn được lặp lại.
Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy nhận định với RFA hôm 25/7:
“Môn lịch sử thì đáng lẽ ra là môn học mà học sinh rất là thích, tại vì lịch sử Việt Nam cũng rất hay. Đối với học sinh, cái gì về tìm hiểu cội nguồn dân tộc thì thường học sinh rất thích thú. Nhưng không thể hiểu tại sao bây giờ lịch sử lại là môn học mà học sinh chán nhất.Đấy là một điều rất buồn, đó là lỗi của sách giáo khoa… lỗi của phương pháp dạy. Chứ hồi xưa tôi đi dạy thì học sinh thích học môn lịch sử lắm.”
Về cơ bản, kỳ thi đại học được chia theo 4 khối: Khối A thi 3 môn chính gồm Toán, Lý và Hóa học; Khối B thi môn Toán, Hóa, Sinh; Khối C gồm 3 môn đó là văn, sử, địa và Khối D gồm Toán, Ngữ văn và môn Ngoại ngữ.
Môn lịch sử nằm ở khối C, là một trong những khối có ít sự lựa chọn về ngành học đại học, do đó học sinh thường không chú ý môn này. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến điểm thi môn lịch sử thấp nhất.
Có phải như vậy hay không, trao đổi với RFA hôm 25/7, Thầy Đỗ Việt Khoa, nhận định:
“Xưa nay tình trạng này vẫn như thế, chưa có sự cải thiện đáng kể, vì học sinh coi thường môn này. Thứ hai là chính xã hội, chính các thầy cô và chính môn lịch sử gây ra như thế. Cụ thể, trong chương trình phổ thông thì nó được coi là môn phụ, số tiết thường chỉ là 1 tiết / 1 tuần. Thứ hai là ít trường đại học tuyển sinh khối này liên quan đến môn sử, cho nên học sinh không tập trung lắm, học sinh thường tập trung khối A, B và D… rất ít học sinh tập trung vào khối C, thường chỉ những em yếu khối A mới chịu thi khối C.”
Có quá nhiều nguyên nhân để đổ lỗi cho việc ngày càng nhiều học sinh chán học môn lịch sử, nhưng đa số các chuyên gia đều cho rằng, nhà nước Việt Nam lâu nay coi môn lịch sử giống như một công cụ tuyên truyền của chính quyền.
Theo Thầy Khoa, nhiều vấn đề trong sách giáo khoa lịch sử viết không khách quan, viết một chiều. Ví dụ như đánh Pháp, đánh Mỹ thì chỉ thấy ta thắng địch thua. Hoặc ta giết bao nhiêu tên địch vào ngày giờ tháng năm nào; thu bao nhiêu vũ khí… Nhưng tuyệt nhiên không thấy ta chết bao nhiêu người và thiệt hại bao nhiêu cả.
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, hiện lịch sử Việt Nam có nhiều vấn đề, như sự phân biệt đối xử đối với những nhân vật lịch sử, ví dụ như Triều Nguyễn, các Chúa Nguyễn đã từng có thời kỳ bị phân biệt. Người ta thấy lịch sử như chuyện chính trị, nay nói thế này, mai nói thế khác nên họ chán. Theo ông, như vậy là không ổn, thái độ đối với lịch sử của những nhà cầm quyền cũng như một bộ phận giới khoa học là không chính xác. Ông nói tiếp:
“Có những vấn đề lịch sử lại không dám nói đến nơi đến chốn, ví dụ như lịch sử hiện đại, cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với 6 tỉnh ở biên giới năm 1979, thì được nói một cách nhạc nhẽo, không đúng. Vì vậy học sinh thấy vô vị. Theo chúng tôi, nguyên nhân là do quan điểm lịch sử không chính xác, có nhiều cái hồ đồ. Vì thế nó làm cho lịch sử mất tính cách lịch sử.”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, các giá trị nhân văn, minh triết, không được khai phá trong môn lịch sử, vì thế người ta chỉ thấy bề mặt và một vài sự kiện. Ông nêu ví dụ:
“Tôi lấy ví dụ chỉ cần một câu nói của Nguyễn Trãi: ‘Làm sao trong thôn cùng xóm vắng… không còn lời hờn giận oán sầu…’ Tư tưởng ấy rất nhân văn, nhưng dạy thế nào mà không khơi dậy tư thức của người học sinh, cái tư tưởng nhân văn ấy.”
Phải xây dựng lại từ đầu
Nhiều năm trở lại đây, mặc dù môn lịch sử dần được nhà nước Việt Nam đưa vào các chương trình ngoại khóa nhiều hơn thông qua các cuộc thi để học sinh tìm hiểu thực tế các địa danh, danh nhân. Thậm chí môn học này cũng được áp dụng công nghệ hiện đại để mô tả sinh động tạo sự hào hứng cho học sinh, tuy nhiên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học vừa qua đã chứng minh, môn học này vẫn không hấp dẫn đối với giới trẻ.
Quốc gia nào cũng cảm thấy lịch sử là thiêng liêng, là cần thiết cho học sinh, nhưng dạy gì mà tương ứng với nhu cầu của đời sống là bài toán không đơn giản.
-Sử gia Dương Trung Quốc
Để tìm hiểu thêm, hôm 25/7, RFA liên lạc Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc, và được ông cho biết như sau:
“Tôi phải trả lời hết sức bi quan rằng, chắc chắn không thể thay đổi ngay một lúc được. Nhưng muốn cải thiện nó, muốn thay đổi nó thì ai cũng nhìn thấy nguyên nhân, từ nguyên nhân nội dung đến chương trình. Hiện luật giáo dục đang được triển khai sau khi đã sửa đổi, cộng với việc thay đổi chương trình đang được diễn ra. Nhưng phải theo một tiến trình thay đổi từ lớp thấp đến lớp cao, từ việc xây dựng chương trình, làm sách giáo khoa, đào tạo giáo viên và đưa vào trong học đường. Sang năm là lớp 1, năm tới là những lớp tiếp theo, và sau một thời gian mới có thể lấp đầy toàn bộ các chương trình.”
Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng, đó là mong muốn, còn thực hiện được hay không vẫn phải cần thời gian. Chính ông cũng đang rất lo lắng, việc chuyển đổi này có diễn ra được như ý hay không, tức là cải thiện được chất lượng dạy và học môn lịch sử để chí ít ra có thể cải thiện được kết quả trong các kỳ thi năm sau. Ông chia sẻ tiếp với RFA:
“Quốc gia nào cũng cảm thấy lịch sử là thiêng liêng, là cần thiết cho học sinh, nhưng dạy gì mà tương ứng với nhu cầu của đời sống là bài toán không đơn giản. Bởi vì những giá trị lịch sử ấy có thể nói đến lòng ái quốc, công dân… nhưng nó có góp phần vào cuộc sống trưởng thành của học sinh hay không? Điều đó sẽ chi phối các bạn trẻ tập trung học cái gì?”
Theo Sử gia Dương Trung Quốc, cho dẫu lịch sử có khách quan như thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ bị chi phối bởi nhà nước khi nhà nước đưa vào những yếu tố mang tính chính trị của những sự kiện đã qua. Đó lại là vấn đề khác và ông Dương Trung Quốc e rằng, liệu điều đó có đủ sức thuyết phục học sinh hay không?.
*Tựa bài đặt lại theo câu nói của ông Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta”.
No comments:
Post a Comment