HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Một số tổ chức hiện đăng tải thông tin về chất lượng môi trường như Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam, một số các trang thông tin điện tử như Airvisual và một số các báo. Chúng tôi xin được khẳng định thông tin chính thức về quan trắc môi trường phải được thực hiện bởi các mạng lưới quan trắc môi trường của quốc gia và địa phương. Các mạng lưới này đã được quy hoạch, triển khai đầu tư, máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn được kiểm định theo đúng quy định pháp luật. Ngoài các kênh thông tin chính thức này, các kênh thông tin khác chỉ mang tính chất tham khảo.” Đó là phát ngôn mang của ông Lê Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Quản Lý Chất Lượng Môi Trường, Tổng Cục Môi Trường được báo VietnamNet hôm 2 Tháng Mười, trích dẫn.
Ông Nam đưa ra nhận định này trong bối cảnh tình trạng bụi mịn tại Hà Nội và Sài Gòn vẫn đang gây quan ngại trầm trọng, người dân phải tự tìm biện pháp ứng phó dựa vào các chỉ số Airvisual trong lúc giới chức chỉ biết khuyên “đừng ra đường.”
Cùng với việc giới chức môi trường biện hộ, lấp liếm, một số Facebooker có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng đang “làm công tác tư tưởng” để giảm nhẹ mức độ nguy hại của tình trạng bụi mịn. Một trong số đó, ông Đỗ Cao Bảo, phó tổng giám đốc Tập Đoàn FPT đưa ra thuyết âm mưu trên trang cá nhân: “Nhiều bạn tưởng Hà Nội ô nhiễm nặng, về quê không bê tông, không nhà chọc trời sẽ hết, hoá ra về đến quê thì AirVisual còn đỏ hơn, ô nhiễm còn nặng hơn. Cảm tưởng không có lối thoát bao trùm… Điểm lạ là tại sao các tổ chức bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc hay của các tổ chức phi lợi nhuận lại không có hệ thống đo, cảnh cáo ô nhiễm không khí mà lại để IQAir, một công ty tư nhân chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ làm sạch không khí, với ứng dụng AirVisual, công bố? Ô nhiễm không khí ở Việt Nam là có thật và ở mức cao. Chúng ta cần có ngay biện pháp tổng thể để giảm ô nhiễm, nhưng tạo ra nỗi sợ hãi cho cả xã hội thì không nên. Những người bán máy lọc không khí càng không nên làm việc ấy.”
Cùng thời điểm, nhà báo Nguyễn Như Phong, cựu tổng biên tập báo PetroTimes viết trên trang cá nhân: “Mấy hôm nay, đúng là Hà Nội luôn có mức động cao về ô nhiễm không khí. Và nhiều người bảo rằng trời mù thế này là do… bụi! Tôi thì lại nghĩ khác. Cái loại trời nắng ong ong, nắng gắt, nóng rát… nhưng nhìn ra xa thì cứ như có lớp sương mù… thường hay thấy vào mùa Thu, và khó chịu nhất là vào tầm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Và dân chụp ảnh chẳng lạ gì loại ‘nắng… đểu’ này. Loại ánh sáng này, dân chụp ảnh gọi là ‘nắng om’. Loại nắng om này, có thể gặp bất cứ đâu, kể cả khi ra ngoài biển khơi. Tôi nghĩ nếu bụi mà như sương mù thế này, chắc dân Hà Nội chết sạch rồi!”
Trong khi đó, báo điện tử VNExpress trích lời bà Holly Lindquist Thomas, trưởng phòng Môi Trường, Khoa Học, Công Nghệ và Y Tế, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Dữ liệu thu được cho thấy nồng độ bụi PM2.5 cao nhất vào sau giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều ở Hà Nội. Do đó tôi ước đoán nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm chính là khí thải từ giao thông. Nhìn chung các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí là khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp nặng, các nhà máy sử dụng nguyên liệu than đá. Việc người dân ở nông thôn đốt rơm rạ, chế phẩm sản xuất nông nghiệp cũng có thể gây ô nhiễm không khí. Thời tiết như độ ẩm, tốc độ gió cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment