Sáng sớm ngày 6 tháng 9, chúng tôi sang chào gia đình ông bà hàng xóm duy nhất cùng tầng còn ở lại thì bà bảo, ông bà đi trước, rồi chúng tôi cũng phải đi. Vậy là 8 gia đình tầng tôi ở sẽ không còn ai ở lại.
Bấm thang máy, chẳng phải đợi lâu như mọi lần và chẳng có ai đi chung. Xuống tới sân chung cư, một cảnh đìu hiu đến đắng lòng. Nhìn lên căn hộ mình ở lần cuối, nghĩ không biết bao giờ mới có thể quay trở lại. Sân khu chung cư, không một bóng trẻ em. Tôi không phải để ý tránh những trái bóng của các em đá ra từ đủ mọi hướng, hoặc nhỡ một em nào đó mải chạy va vào.
Thực ra, tôi chỉ quyết định đi vào lúc ấy khi sáng nay vợ tôi ôm ngực và nôn ọe bảo không thể chịu được nữa còn tôi thì tức ngực và khó thở. Chúng tôi, cặp vợ chồng già là tốp cuối cùng rời căn hộ. Nhà tôi có 2 trẻ sơ sinh, các cháu đã được sơ tán từ ngay sau hôm 28/8. Trẻ em phải được quan tâm tốt nhất, ai dám mang các cháu ra để thử phản ứng của thủy ngân.
Chúng tôi lên một chiếc taxi của một anh nhà ở ngay Hạ Đình. Anh bảo anh đã cho các cháu sơ tán ngay sau vụ cháy, còn hai vợ chồng cũng sẽ về quê, tất nhiên sẽ không chạy taxi được nữa.
Chiều, vợ tôi quay về lấy thêm một số đồ sinh hoạt cho biết cả tòa chung cư 13 tầng, giờ chỉ còn một gia đình “đại diện” để “cố thủ”.
Nhớ lại buổi tối 28/8 hôm ấy, lửa cháy rừng rực bên nhà máy Rạng Đông. Khu chung cư cách nhà máy một bức tường bao. Cư dân chung cư thót tim nhìn những ngọn lửa đỏ lòm thè ra, lởn vởn bên trên bức tường bao làm ranh giới với nhà máy, lo nó liếm sang bên này. Đội phòng cháy chữa cháy của chung cư chống chọi đến kiệt sức, ra sức ngăn chặn ngọn lửa, không cho đám cháy lan sang. Cuối cùng thì điều tồi tệ thêm đã không xảy ra. Tôi cảm thấy tức ngực, khó thở nên quay về đóng cửa lại, khi đám cháy đã được khống chế.
Về cơ bản, các gia đình đã đi sơ tán ngay 2,3 ngày sau vụ cháy. Tôi đi được 1 tuần thì quay về “ở thử” và xem xét tình hình thấy không ổn nên buộc lòng phải đi và không dám nghĩ đến trở về vào một ngày gần. Đi sơ tán, dù điều kiện, tiện nghi đến đâu cũng không thể như nơi ở chính thức vì nó liên quan đến nhiều thứ, nhất là điều kiện làm việc. Nó như là một kiểu “nghỉ mát” bất đắc dĩ, trong khi, năm thì mười họa, người ta chỉ dám đi nghỉ mát đến 2, 3 ngày mà thôi.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một thảm họa môi trường. Nếu thảm họa môi trường formosa làm ô nhiễm nguồn nước biển giết chết hàng trăm tấn cá thì thảm họa Rạng Đông làm ô nhiễm một bầu khí quyển rộng, đe dọa sức khỏe và có thể cả tính mạng của hàng nghìn người dân ở một khu dân cư với mật độ dân số dày đặc của một thành phố đã quá tải.
Có thể thấy một điều là những thông tin về độ ô nhiễm nguồn nước và bầu không khí rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Nghe bàn tán có chuyện phe nhóm “chơi nhau” ở đây. Vì vậy, những thông tin đưa ra, người dân không biết đâu mà lần.
Thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường của Ủy ban phường Hạ Đình sau đám cháy được phát đi vào ngay hôm sau nhưng cũng lập tức bị ủy ban quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi ngay cùng ngày.
Trong vụ này, Công ty Rạng Đông và Ủy ban quận Thanh Xuân phối hợp với nhau khá nhịp nhàng. Ủy ban quận Thanh Xuân phán bừa rằng, theo các cơ quan quan trắc, các chỉ số về môi trường đều đảm bảo an toàn sau vụ cháy. Khi Công ty Rạng Đông giải thích vật liệu chế tạo bóng đèn không gây hại đến sức khoẻ con người khi cháy thì Ủy bạn quận Thanh Xuân trấn an, “khoe” Công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Cách nói lập lờ này để người ta người nhầm tưởng việc sử dụng Amalgam là vật liệu khác không chứa thủy ngân, an toàn khi xảy ra cháy nổ.
Và nhiều những biểu hiện khác như Ủy ban Tp.Hà Nội họp về vụ cháy nhà máy Rạng Đông mà lại cản trở phóng viên tham dự đưa tin buộc người ra nghĩ đến họ đang che đậy một điều gì ghê gớm lắm.
*
Thì đây, nhiều thông tin được tiết lộ cho thấy hậu quả của vụ cháy không thể xem thường. Hôm 5/9, vừa có thông tin 100 người xét nghiệm máu thì có tới 82 người nhiễm thủy ngân thì ngày hôm sau đã có tin, trong ngày đầu tổ chức khám tại phường cho 179 người thì 52 người phải điều trị.
Trong khi nhà máy Rạng Đông và chính quyền địa phương cho là không ảnh hưởng gì thì Bộ Tài nguyên môi trường cho biết đã có tới 15,1 – 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường. Tại nhiều điểm quan trắc cho thấy nồng độ thủy ngân trong không khí vượt ngưỡng cho phép từ 10 – 30 lần. Quả là những con số đáng sợ.
Thói quen giấu giếm trước hết nói lên thái độ coi thường dân. Họ tự cho mình quyền độc quyền thông tin, thậm chí quyền xuyên tạc, giấu giếm thông tin. Họ luôn coi dân là một đám quần chúng ngu si, u tối.
Còn lo nhân dân hoang mang ư? Vậy nếu bưng bít hay xuyên tạc thông tin để dân không hoang mang thì sẽ điều gì sẽ xảy ra? Là cứ vậy sống chung với thủy ngân mà không biết? là sức khỏe của con người bị xâm hại và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu được thông báo đầy đủ và khách quan, người dân sẽ có biện pháp đối phó, cho dù sự thật tàn nhẫn đến mấy. Vậy, làm theo hướng nào thì tốt hơn? Bưng bít hay nói ra sự thật?
Đã 10 ngày xảy ra thảm họa môi trường Rạng Đông và những thông tin về nó vẫn còn nhiều tù mù. Người dân chưa biết đến khi nào có thể quay về để ổn định cuộc sống. Nhà máy Rạng Đông và chính quyền bồi thường cho người dân vùng bị ảnh hưởng như thế nào? Thực phẩm ở vùng còn bị nhiễm độc sẽ xử lý ra sao… và cuối cùng là nhà máy Rạng Đông có được phép tiếp tục sản xuất ở mặt bằng hiện tại hay không?
Đó là câu hỏi mà những người dân đang sống chung với thủy ngân cần giải đáp./.
No comments:
Post a Comment