Maya Dangelas là tên nước ngoài của doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Tân Tạo, cựu ĐBQH khóa XIII.
Theo thông tin được đăng tải trên Prnewswire, thì vụ kiện nhắm vào nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có liên quan đến dự án nhiệt điện Kiên Lương (thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).
“Dự án nhiệt điện phức hợp Kiên Lương sẽ tạo ra hàng tỷ USD cho các công ty của tôi để cung cấp cơ hội việc làm và giáo dục cho người nghèo ở Việt Nam.” bà Yến được dẫn lời cho biết hôm 6/9/2019.
Theo Thông cáo, thì khi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm trái hợp pháp hợp đồng xây dựng, sở hữu và vận hành Dự án Nhiệt điện Kiến Lương tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 7/2007, trong cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng đồng ý về dự án đầu tư cho một khu công nghiệp, nhà máy điện và cảng biển sâu ở Kiên Lương của Công ty CP Năng lượng Tân Tạo (TEC).
Chín năm sau khi thực hiện hợp đồng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ý kiến rà soát và loại bỏ dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 khỏi Quy hoạch điện VII, vi phạm trực tiếp thỏa thuận đầu tư giữa TEC và chính phủ Việt Nam, theo Thông báo của Trọng tài.
“Hồ sơ này nhằm buộc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm về hành động của mình cả về [chức vụ] chính thức và về mặt cá nhân,” ông Tony Buzbee nói.
Bài viết cũng cho biết, vụ kiện này được tiến hành dựa trên các quy tắc tố tụng Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL).
Nhiệt điện Kiên Lương bị hủy bỏ vì ‘treo dự án’?
Theo Vneconomy vào tháng 11/2018, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản phản hồi TEC về Dự án nhiệt điện Kiên lương 1. Theo đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận lý do loại bỏ Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 và 2 ra khỏi danh mục các dự án nguồn điện giai đoạn 2030 là do tiến độ triển khai chậm, và xét thấy năng lực công ty không thực hiện dự án.
Cũng theo trang tin này, ‘từ năm 2011, dự án bắt đầu đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và cũng không thực hiện thủ tục xin gia hạn nộp tiền.’
Dự án đầu tư này cũng được cho là có sự vênh nhau về số liệu đầu tư giữa TEC và báo cáo của tỉnh Kiên Giang, lên mức 81 lần. Và bản thân dự án, theo một báo cáo từ blogger Lê Anh Hùng trên VOA, thì nhiệt điện Kiên Lương từng được giới đầu tư Trung Quốc ‘sốt sắng’ tìm hiểu, và địa điểm xây dựng nhà máy cũng có những yếu tố nhạy cảm về quốc phòng.
Thuần túy kiện đòi hay còn gì nữa?
Báo Tiền Phong ngày 9/9/2019, đăng tải nội dung bài viết với tiêu đề ‘Bí ẩn nữ đại gia Hoàng Yến và khối tiền 3,5 ngàn tỷ khó thu hồi’. Trong đó đề cập đến việc, cơ quan Kiểm toán Nhà nước (Việt Nam) đặc biệt lưu ý là về khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu từ hai công ty có liên quan với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng, và cơ quan này nghi ngờ khả năng thu hồi khoản tiền khổng lồ liên quan đến Nhiệt điện Kiên Lương. Bài báo cũng đồng thời cho biết, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) do bà Hoàng yến làm chủ ‘đang làm việc với cơ quan chức năng kiến nghị đưa dự án Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia’ nhằm xử lý khoản đầu tư và công nợ có liên quan.
‘ITA chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi của các khoản đầu tư và khoản phải thu nói trên do việc này phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương’, báo cáo của cơ quan Kiểm toán nhà nước cho biết.
Vì vụ kiện được tiến hành trên cơ sở Trọng tài quốc tế, nên hồ sơ vụ kiện hoàn toàn bí mật. Tuy nhiên, dựa vào những gì diễn ra trên báo chí, thông báo của công ty Tân Tạo, và báo cáo của Kiểm toán nhà nước thì việc bà Đặng Thị Hoàng Yến tiến hành ‘khởi kiện’ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Trọng tài quốc tế Paris là một cách giải quyết tranh chấp thương mại (đầu tư) được ghi nhận một cách phổ biến trong những năm gần đây giữa một chủ thể là cá nhân đối với một cá nhân, và giữa một cá nhân đối với một cơ quan (chính quyền) Nhà nước. Nếu sắp xếp theo tiến trình và mục đích khởi kiện, thì bản thân bà Hoàng Yến đang tìm một sự thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp đưa dự án Nhiệt điện Kiên Lương vào lại Danh mục các dự án nguồn điện giai đoạn 2030 nhằm thu hồi lại nguồn vốn lên đến 3,5 tỷ đồng nêu trên. Như vậy, kiện đòi lần này dù hướng đến ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng không nhằm các mục đích chính trị, mà thuần túy là giải quyết các tranh chấp trong đầu tư, và tìm kiếm bồi thường đầu tư do bên công ty Tân Tạo tin rằng, phía chính quyền mà đại diện là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ‘phá vỡ hợp đầu đầu tư’. Nói đúng hơn, bà Đặng Thị Hoàng Yến đang hiện thực hóa quan điểm của Tập đoàn Tân Tạo, trong đó, ‘đề nghị được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Kiên Giang đền bù thoả đáng cho cả tập đoàn Tân Tạo và cho các nhà đầu tư nước ngoài vì đã đầu tư rất nhiều vào dự án.’
Chính phủ Việt Nam có tham gia vụ kiện với tư cách bị đơn?
Sở dĩ Chính phủ Việt Nam không thể ‘trốn tránh’ tiến trình tố tụng ở tòa án trọng tài quốc tế vì thực tiễn xét xử quốc tế cho thấy, điều đó sẽ làm hạ thấp uy tín và độ tin cậy của Nhà nước như một bên tranh tụng; làm gia tăng tính bất hợp pháp của Nhà nước đó trong quá trình xét xử liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư. Do đó, Chính phủ Việt Nam hiện tại phải tham gia với tư cách bị đơn.
Vậy nếu nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị tuyên bố là thua kiện bởi Trọng tài quốc tế Paris, thì điều gì sẽ xảy ra? Vì Việt Nam là thành viên của Ủy ban Luât Thương mại quốc tế (UNCITRAL), nên các phán quyết được đưa ra bởi Trọng tài quốc tế sẽ buộc Việt Nam phải tuân thủ trong sự tự nguyện. Bởi kiện đòi của bà Hoàng Yến không chỉ mang tính chất cá nhân, mà cả ‘chức vụ’ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Điều này đồng nghĩa, vụ kiện sẽ giống về mặt quy trình và hệ quả như vụ kiện mà ông Trịnh Vĩnh Bình tiến hành đối với Chính phủ Việt Nam.
Điều cần biết là, kể cả khi ông Nguyễn Tấn Dụng không tham gia vào vụ kiện này, hoặc Chính phủ Việt Nam tìm cách ‘lờ’ đi sự kiện này, thì Ủy ban trọng tài quốc tế Paris vẫn tiến hành các thủ tục tố tụng và ra phán quyết dựa trên cơ sở các chứng cứ mà phía bà Hoàng Yên đưa ra.
Nếu Nhà nước Việt Nam xét thấy, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ý kiến rà soát và loại bỏ dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 khỏi Quy hoạch điện VII là ‘không vi phạm trực tiếp thỏa thuận đầu tư giữa TEC và chính phủ Việt Nam’ thì có thể theo đuổi tiến trình tố tụng. Trong trường hợp ngược lại, phía Chính phủ Việt Nam có thể ‘thỏa thuận’ với bà Hoàng Yến để có thể chấm dứt tố tụng, để tránh hệ quả về một phán quyết lên đến 2,5 tỷ USD – vốn buộc phải lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
No comments:
Post a Comment