BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Giới hữu trách đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất nước mắm “bẩn” ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, bằng cách lấy nước máy pha với hóa chất rồi dán nhãn “Nước mắm cá cơm” bán cho người tiêu thụ.
Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 10 Tháng Chín, 2019, cho biết do tố cáo của người dân ở khu vực, Cục Quản Lý Thị Trường Bình Dương phối hợp với Cục Cảnh Sát Môi Trường Bộ Công An thành lập đoàn liên ngành bất ngờ kiểm tra Cơ Sở Sản Xuất Nước Mắm Phúc Khang (ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) do bà Đoàn Kiều Anh (33 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, Sài Gòn) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đăng Hoàng Phúc (chồng bà Kiều Anh) đang thực hiện “quy trình” sang chiết nước mắm để giao cho khách hàng với hơn 550 lít nguyên liệu “không rõ nguồn gốc.”
Khai với cơ quan hữu trách, ông Phúc cho biết nước mắm nguyên liệu được ông mua tại một cơ sở ở Vũng Tàu với giá 4,000 đồng ($0.17)/lít, thế nhưng ông Phúc lại không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Môi Trường, khẳng định cơ sở này mua hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5, Sài Gòn) mang về pha chế với nước máy, cùng một chút nước mắm loại rẻ tiền để làm “Nước mắm cá cơm,” không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên ngày 11 Tháng Chín, Cơ Sở Sản Xuất Nước Mắm Phúc Khang hoạt động trong một căn nhà cấp 4, rộng khoảng 70 mét vuông. Trước sân nhà chất khoảng 30 can nhựa (loại 20 lít/can), bên trong chứa một thứ nước màu nâu đen. Phía sau căn nhà có hai bồn chứa (loại 1,200 lít/bồn) và hàng trăm can, chai nhựa lớn, nhỏ treo lủng lẳng khắp hàng rào. Kế bên hai bồn này là một cánh cửa dẫn vào nhà vệ sinh. Bên trong nhà vệ sinh bẩn thỉu, ẩm thấp và hôi thối có hàng chục ống nước nối chằng chịt với nhau, một số ống được nối với hai bồn nước dẫn thẳng vào khu sản xuất nước mắm trong nhà.
Trong khu sản xuất chỉ có ba người làm việc. Theo đó, người thứ nhất có nhiệm vụ cho chai nhựa lên băng chuyền, sau đó vặn vòi xả nước máy “có màu nâu vào bên trong.” Tiếp đến, người thứ hai dùng khoan tay tự chế để đóng nắp chai, rồi bỏ từng chai xuống nền nhà. Người còn lại dán nhãn mác “Nước mắm cá cơm” Phúc Khang vào chai, sau đó dùng màng co nylon quấn các chai lại với nhau thành từng lốc tám chai.
Chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ, “dây chuyền sản xuất” của Cơ Sở Sản Xuất Nước Mắm Phúc Khang cho ra lò khoảng 100 chai nước mắm. Hàng “nước mắm” thành phẩm này được chở đi bán cho các chợ dân sinh, các quán cơm vỉa hè, khu công nhân, lao động nghèo ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 2, quận 12 (Sài Gòn) và một số khu vực tại tỉnh Bình Dương.
Ông Phúc cho biết cơ sở Phúc Khang sản xuất năm loại “nước mắm” với các dung tích khác nhau (5 lít, 900 ml, 650 ml, 500 ml và 200 ml) bằng quy trình sản xuất, pha chế như sau: 20 can nước mắm nguyên liệu (khoảng 1- 2% độ đạm) + 6 can nước (20 lít/can) + caramen để tạo màu, sau đó sang chiết vào các chai có dung tích như trên rồi dán nhãn mác và bán ra thị trường.
Do làm bằng nước lã với hóa chất…nên giá bán các loại nước mắm cũng “siêu rẻ,” chỉ từ 4,000 – 35,000 đồng ($ 0.17- $1.51) tùy theo loại và dung tích.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản thu giữ toàn bộ hàng trăm lít nước mắm bẩn cùng nguyên liệu, chất tạo màu, mùi tại cơ sở chờ kiểm nghiệm để “xử lý theo quy định của pháp luật.” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment