HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Giá xăng dầu tại Việt Nam tăng giá bán lẻ từ ngày 2 Tháng Tư, 2019, sau nửa tháng giá điện tăng, sẽ kéo theo giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ leo thang, ảnh hưởng mọi mặt đời sống xã hội.
Tin tăng giá xăng từ chiều Thứ Ba, 2 Tháng Tư, được các báo tại Việt Nam loan tải theo quyết định của “Liên Bộ Công Thương-Tài chính.” Theo báo VNExpress “mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1,377 đồng, lên mức 18,588 đồng (80 cent); xăng RON 95 tăng 1,484 đồng, lên mức 20,033 đồng (86 cent). Các mặt hàng dầu cũng tăng 1,086 đến 1,219 đồng mỗi lít, tùy loại.”
Việc tăng giá xăng dầu thấy nói nhà nước phải lấy tiền từ “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” để bù lỗ vì giá xăng dầu quốc tế tiếp tục leo thang. Chính sách kinh tế của nhà cầm quyền CSVN có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” nên các công ty nhập cảng hay sản xuất xăng dầu nội địa không được phép tự quyết định giá cả theo thị trường mà có sự “điều hành” của nhà nước.
Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm giá xăng bị đẩy lên cao hơn tại Việt Nam trong khi năm ngoái giá xăng dầu trong nước bị điều chỉnh 19 lần.
Tháng trước, ngày 20 Tháng Ba Bộ Công Thương loan báo tăng giá điện thêm 8.36%, nay tăng giá xăng dầu mà báo chí trong nước nói “khá mạnh,” sẽ lôi theo sự tăng giá mọi mặt trong khi lương bổng vẫn chỉ có vậy.
Tháng Giêng đầu năm 2019, nhà cầm quyền nêu mục tiêu kiềm giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ở khoảng 3.3% đến 3.9%, tức là sẽ cố “kiểm soát lạm phát dưới 4%.”
Trong ngày họp chính phủ vào ngày 2 Tháng Tư về tình hình kinh tế xã hội của Tháng Ba, 2019, người ta thấy ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng-chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, họp báo khoe: “Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tháng Ba giảm 0.21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8.7%). CPI bình quân quý I/2019 tăng 2.63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.”
Nay với các đợt tăng giá điện và xăng dầu, khó lòng kềm giữa được mức lạm phát ở mức độ đã nêu. Ngay từ Tháng Mười năm ngoái, giới chuyên gia kinh tế trong nước đã từng dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2019 sẽ lên cao hơn 4% từ khi chế độ Hà Nội áp đặt “thuế bảo vệ môi trường” lên “kịch trần.”
“Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà chính phủ và Quốc Hội đặt ra cho những năm gần đây,” báo Nhà Điều Hành dẫn lời ông Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) ở Hà Nội. Nói khác, theo ông kềm chế lạm phát “khó có thể đạt được.”
Hồi Tháng Chín năm ngoái, khi có tin tăng thuế xăng dầu, chuyên gia kinh tế nay đã nghỉ hưu Lê Đăng Doanh được báo Dân Trí dẫn lời: “Tôi nghĩ đây là biện pháp không được người người dân ủng hộ nhiều. Tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay, ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng. Chưa kể, xăng tăng thì từ hạt gạo, quần áo tới con gà, con vịt đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân.”
Ông Doanh đặt câu hỏi tại sao không cắt giảm chi thường xuyên hiện đã chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, tiết giảm các khoản chi lãng phí, không hiệu quả như đi nước ngoài, chi phí lễ tân, tiếp khách thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.
Hồi Tháng Hai, 2018, báo Dân Trí phỏng vấn ông Huỳnh Thế Du (tiến sĩ kinh tế của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam là do “việc chi ngân sách cao lại kém hiệu quả.” (TN)
No comments:
Post a Comment