Phạm Chí Dũng/Người Việt
Trong nhiều năm qua, giới quan chức Cộng Sản ở Việt Nam không chỉ khai thác tối đa những điều kiện thuận lợi trong chương trình EB-5 (đầu tư tối thiểu $500,000 để có thẻ xanh) của Mỹ, mà gần đây còn bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số quan chức tham nhũng “nhảy xổ” vào một phương thức đào thoát mới khỏi chế độ.
Tị nạn chính trị!
Rất có thể, vụ Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức vào nửa cuối năm 2016 và sau đó làm hồ sơ xin tị nạn chính trị ở Đức khá “thành công,” cùng một số vụ việc khác như Đỗ Đình Duy, Lê Chung Dũng, Phan Văn Anh Vũ… đã khơi nguồn cảm hứng lớn để nhiều quan chức tham nhũng khác đi theo con đường đó, thậm chí còn có thể tự biến thành… “nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp.”
Tình hình trên diễn ra trong bối cảnh “lò” của Nguyễn Phú Trọng đang rừng rực cháy ở Việt Nam, đầy triển vọng biến năm 2019 và cả vài năm sau đó thành một chiến trường “truy sát tham nhũng” mà sẽ khiến không chỉ quan chức cấp trung ương mà cả nhiều quan chức cấp địa phương bị tống vào “lò.”
Gần đây nhất vào Tháng Ba, năm 2019, một thiếu tá quân đội Việt Nam là Lê Quang Hiếu Hùng đã gọi cho đài VOA Việt Ngữ, cho biết ông ta hiện đang có quốc tịch Grenada ở vùng Caribe, nhưng bị chính phủ Việt Nam yêu cầu cảnh sát Cuba bắt và đang bị giam ở nhà tù La Condesa.
Trước đó, Lê Quang Hiếu Hùng là trưởng phòng kinh doanh của chi nhánh Đầu tư Xây dựng Miền Nam, thuộc Tổng Công Ty Lũng Lô, dưới trướng của Đại Tá Trần Văn Đồng, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Lũng Lô.
Vào Tháng Sáu, 2018, Đại Tá Đồng bị Bộ Quốc Phòng tiến hành thanh tra về những sai phạm với vai trò phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Lũng Lô. Sau đó, Lê Quang Hiếu Hùng đã bị Cơ Quan Điều Tra Hình Sự Các Tổ Chức Sự Nghiệp, Bộ Quốc Phòng, ra lệnh truy nã theo một quyết định đề ngày 22 Tháng Mười, 2018, với tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ Luật Hình Sự.”
Nhưng trong cuộc gọi điện cho đài VOA, Thiếu Tá Lê Quang Hiếu Hùng đã không hề chứng minh rằng vụ việc của anh ta là “việc chính trị,” trong khi lại có khá nhiều dấu hiệu cho thấy Hùng dính vào một vụ làm ăn phi pháp vốn đầy rẫy ở Việt Nam.
Chỉ 5 ngày sau cuộc điện đàm trên, Thiếu Tá Lê Quang Hiếu Hùng đã bị phía Cu Ba cho dẫn độ về Việt Nam để bàn giao cho Cơ Quan Điều Tra Hình Sự thuộc Bộ Quốc Phòng.
Chi tiết đáng chú ý là vụ việc được coi là “dẫn độ thành công” trên đã được công bố trên mặt báo chí nhà nước Việt Nam, trở thành một trong số hiếm hoi vụ dẫn độ được công khai, nhưng khác hẳn vụ “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú” khi vụ này đã bị nhà nước Đức thẳng thừng tố cáo là do mật vụ Việt Nam bắt cóc Thanh ngay tại Berlin vào Tháng Bảy, năm 2017.
Lê Quang Hiếu Hùng đang biến thành một trong những vật thí nghiệm đầu tiên cho chiến dịch “Săn Cáo” của “Tổng chủ” Nguyễn Phú Trọng – nếu có thể tạm gọi cái tên của chiến dịch này là như thế.
Vậy “Săn Cáo” của ông Trọng đã được ấp ủ và hình thành như thế nào?
Rập khuôn Trung Quốc
Có lẽ từ Tháng Sáu, năm 2016, khi lần đầu tiên phát lệnh “việc cần làm ngay” – như một động tác nhái lại “Những việc cần làm ngay” của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm trước đó, Nguyễn Phú Trọng (khi đó còn là tổng bí thư) đã ấp ủ một mưu đồ lớn: bắt đám quan chức tham nhũng phải “ói ra” để thu hồi tài sản tham nhũng mà do đó có thể giúp bù trám phần nào cho ngân sách đảng đang bị hội chứng hộc rỗng do nạn tham nhũng vô giới hạn và chi tiêu hoang tàng quá độ.
Khi đó, báo đảng đặc biệt mô tả chủ trương “thu hồi tài sản tham nhũng,” bởi thực tế là cho đến nay tỷ lệ thu hồi tài sản qua các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt được từ 8-10%, quá thấp so với mức mà Trọng cần có để duy trì chế độ đảng trị của ông ta.
Một năm sau đó, Trọng khởi xướng chủ trương “kiểm tra tài sản quan chức,” với số lượng quan chức bị kiểm tra lên tới 1,000 người, bao gồm các ủy viên Bộ Chính Trị, 200 ủy viên Trung Ương và khoảng 800 ủy viên thường vụ cấp tỉnh và thành phố.
Khi đó, chủ trương này đã khiến rất nhiều biệt thự, tài khoản ngân hàng và vàng bạc kim cương chôn giấu của giới quan chức giàu nứt đố đổ vách ở Việt Nam phải chịu cảnh mất ngủ.
Tuy nhiên sau một thời gian thử nghiệm, chủ trương trên có nguy cơ lặng lẽ chết yểu vì vấp phải phản ứng của quá nhiều quan chức nổi chìm tài sản đang trụ vững ngay trong bộ máy đảng của Trọng.
Một năm tiếp theo, Tổng Bí Thư Trọng dò dẫm thêm một bước: “Trung ương dự kiến tăng thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là cấp huyện trở lên, có thể đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong tỏa tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản.”
“Cơ quan chức năng được quyền cấm xuất cảnh, phong tỏa tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản” lại là một thẩm quyền quan trọng của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc, được Tập Cập Bình giao cho Vương Kỳ Sơn mà do đó đã đưa cơ quan kiểm tra kỷ luật này vượt mặt Bộ Công an để trở thành cơ quan có quyền uy thuộc loại ghê gớm nhất Trung Hoa đương đại. Thậm chí, một số nguồn tin của báo chí quốc tế cho biết Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương còn có nhà tù riêng.
Đến lúc đó, Nguyễn Phú Trọng và nhân vật quyền lực thứ hai sau ông ta là Trần Quốc Vượng có vẻ muốn “làm thật,” muốn triển khai một chiến dịch “nhốt cáo” thực sự, thay cho chiến dịch “săn cáo” vẫn chẳng có kết quả gì đáng tự hào cho tới khi đó.
“Săn Cáo” là biệt danh của chiến dịch truy tìm và dẫn độ quan chức tham nhũng Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài, do Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn trực tiếp phụ trách. Một đội chuyên gia săn lùng hàng trăm người hoặc hơn có kinh nghiệm điều tra, am hiểu luật pháp cơ bản của quốc tế, giỏi võ thuật và ngoại ngữ đã được tổ chức để hoạt động tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc,…
Cho tới nay, Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của Trung Quốc đã tổ chức khá thành công chiến dịch “Săn Cáo” và lôi về hàng trăm quan chức, đại gia tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài. Đầu năm 2017, Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương lần đầu tiên công bố danh sách khoảng 1,000 quan chức mà trong đó chính quyền Trung Quốc biết rõ 30% trong số đó đang ở nước nào và làm gì.
Triển khai chủ trương “Săn Cáo” với độ trễ sau Trung Quốc khoảng 5 năm, cho tới nay Việt Nam mới chỉ đạt được thành tích “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú” (trong khi nhà nước Đức thẳng thừng cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, và hiện nay Đức đang mở một phiên tòa lớn xử vụ bắt cóc này).
Trong khi đó, những nhân vật cùng Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam với Trịnh Xuân Thanh là Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy đều đã “ra đi tìm đường cứu nước” nhưng cho tới nay “công an Việt Nam giỏi nhất thế giới” vẫn không làm sao tìm ra và lôi về được. Thậm chí cả một quan chức phụ trách một chi nhánh Ngân Hàng EximBank (Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam) chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của khách hàng và trốn ra nước ngoài, bị công an Việt Nam truy nã quốc tế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tung tích nào.
Giới quan tham có dám… “bất đồng chính kiến”?
Sau khi Hoa Kỳ thông báo tạm ngừng cấp thị thực EB-5 cho người Việt Nam từ Tháng Ba, năm 2018, đã xuất hiện thông tin nhiều quan chức giàu sụ ở Việt Nam phải tính toán một phương cách khác: thay vì tìm mọi cách “nhập khẩu” vào Mỹ như trước đây, họ chuyển sang “địa bàn Tây Âu,” cho dù số phận của họ ở Châu Âu sẽ rủi ro hơn ở Mỹ nếu “tổng tịch” của họ quyết định mở một chiến dịch “Săn Cáo” như Tập Cận Bình đã tổ chức để lôi cổ những kẻ tham nhũng về nước quy án.
Dự liệu là sau trường hợp của đào tẩu và xin tị nạn chính trị không thành công của thiếu tá quân đội Lê Quang Hiếu Hùng, sẽ có thêm những quan chức Việt “ra đi tìm đường cứu nước” ở xứ “tư bản giãy chết,” mà nếu phương thức lo thẻ xanh không thật an toàn thì chắc chắn họ sẽ không ngần ngại đào bới một lý do chính trị nào đó để tị nạn chính trị.
Nhưng muốn được các quốc gia phương Tây hoặc Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận tư cách tị nạn chính trị, những quan chức Việt này lại phải chứng minh được là họ có những hoạt động bất đồng hoặc đối lập với chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam và đã bị đàn áp. Làm thế nào để họ có thể “kiến tạo” được một hồ sơ đắt giá đến thế? Đó là điều quá khó đối với giới quan chức đã quen phá tàn, ăn mạt.
Hoặc nếu không thể làm giả được hồ sơ “bất đồng chính kiến,” liệu những quan chức tham nhũng có dám đứng lên đối kháng với chính quyền như giới đấu tranh dân chủ nhân quyền vẫn cương cường? (Phạm Chí Dũng)
No comments:
Post a Comment