BIỂN ĐÔNG (NV) – Bắc Kinh điều lực lượng dân quân biển giả dạng ngư dân “chiếm” một số bãi bồi cát xung quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.
AFP cho biết vào lúc 1 giờ 57 phút sáng Thứ Ba, 5 Tháng Ba, ngư dân Philippines tố cáo tàu Trung Quốc ngăn chặn không cho họ tiến gần sát với đảo Thị Tứ để đánh bắt hải sản trong vùng đánh cá quen thuộc của họ.
Tên gọi Thị Tứ là theo tiếng Việt, người Philippines gọi là Pagasa, còn Trung Quốc gọi là đảo Trung Hiệp (Zhongye dao), tên quốc tế là Thitu Island.
Hồi Tháng Mười Hai, 2018, khi có tin Philippines rục rịch tân trang phi đạo trên đảo Thị Tứ, Bắc Kinh đã cho một đoàn 95 tàu đánh cá cỡ lớn tức dân quân biển có cả hộ tống hạm lớp 053H1G trọng tải 2,000 tấn và tàu cảnh sát biển lớp 818 trọng tải 3,900 tấn đi theo bảo vệ, đi từ đảo nhân tạo Subi tới đảo Thị Tứ đe dọa.
Bây giờ, thay vì chỉ chạy vòng quanh, đám tàu dân quân biển Trung Quốc chiếm giữ luôn những bãi bồi gần đảo Thị Tứ, xua đuổi tàu đánh cá Philippines, rất có thể chờ thời cơ cho những bước kế tiếp.
Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, đã bị quân đội Philippines chiếm đóng từ năm 1960 đến nay. Trước đó, Hải Quân VNCH đã dựng một tấm bia tên đảo Thị Tứ, thỉnh thoảng có ghé ngang nhưng lại không đặt quân đồn trú thường trực như một số đảo khác. Philippines đã lén lút đưa quân tới chiếm giữ. Trên đảo có phi đạo dài 1,260 mét mà Philippines cho sửa chữa lại trong thời gian qua. Họ có kế hoạch tân trang thêm cho phi đạo trong đầu năm nay thì bị Bắc Kinh cho các tàu tới phá rối.
Tuy nhiên, vùng biển giữa đảo Thị Tứ và rặng san hô Subi (còn gọi là Đá Subi) hiện do Trung Cộng chiếm đóng từ năm 2015, đều nằm về phía Tây Bắc Philippines. Đảo Thị Tứ chỉ cách đảo nhân tạo Subi 12 hải lý (khoảng 22 km).
Hồi Tháng Năm, 2014, Việt Nam và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa khi Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu HD981 đến dò tìm dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh theo kế dương đông kích tây đã tiến hành đồng loạt bồi đắp bảy bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1988, thành bảy đảo nhân tạo khổng lồ, trong đó có Subi.
Hiện các đảo nhân tạo này đã trở thành các căn cứ quân sự quy mô cho cả hải quân và không quân Trung Quốc sử dụng trong mưu đồ khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.
Trong khi Việt Nam chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các vùng biển chung quanh, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hơn 80% toàn bộ Biển Đông, vẽ các vạch chủ quyền nối lại giống như hình “lưỡi bò,” nhiều khu vực liếm sâu và vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia.
Theo AFP, đảo Thị Tứ được đánh giá là một ngư trường giàu hải sản, và là một điểm quan trọng trong tuyến đường thủy quốc tế đang bị tranh chấp gay gắt.
Trước khi có tin ngư dân Philippines báo động bị xua đuổi, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1 Tháng Ba đến Manila tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công trên Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Phi). Đây là lời tuyên bố mạnh mẽ nhất, trái ngược với những lời tuyên bố trước đó của các chính phủ Mỹ liên tiếp diễn dịch hiệp định an ninh hỗ tương Mỹ-Phi (ký từ năm 1951) chỉ bảo vệ khi nội địa Phi bị kẻ dịch bên ngoài tấn công, không bao gồm Biển Đông, tức các vụ xung đột liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Dù vậy, sau lời phát biểu của ngoại trưởng Mỹ, ngày 5 Tháng Ba, Bộ Quốc Phòng Phi đưa ra lời tuyên bố của Bộ Trưởng Delfin Lorenzana kêu gọi sửa đổi lại Hiệp Ước Phòng Thủ Chung giữa Hoa Kỳ và Philippines vì Manila không muốn “bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Bắc Kinh.” (K.L, TN)
No comments:
Post a Comment