NINH BÌNH, Việt Nam (NV) – Hôm 6 Tháng Ba, Thượng Tọa Thích Minh Quang, ủy viên Hội Đồng Trị Sự, Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Ninh Bình, phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính, được báo Ngày Nay dẫn lời: “Mỗi năm, chùa Bái Đính cần 70 đến 80 tỷ đồng (hơn $3 triệu đến $3.4 triệu) để duy trì hoạt động. Số tiền công đức, tiền giọt dầu (đặt tiền lẻ tại bệ thờ, chân tượng…) và các nguồn thu khác chẳng được đến 1/3, vì vậy mà doanh nghiệp Xuân Trường hàng năm vẫn phải đài thọ.”
“Mở hòm công đức ra thì thấy vẫn có người đặt tiền 500 đồng. Một xe hơi gom tiền thì khi kiểm đếm cũng chỉ được hơn 30 triệu đồng ($1,289). Hiện tại ở chùa có 400 cán bộ công nhân viên, lương tháng bình quân là từ 4.5 triệu đồng đến 8 triệu đồng ($193–$343). Chi phí là lớn vô cùng. Ví dụ, như một cái xe điện chở khách tính phí là 30,000 đồng ($1.3)/người, mà mỗi năm phải thay tám bình ắc quy trong xe điện, mỗi lần thay hết 50 triệu đồng ($2,148) cho một xe điện. Thu tiền bà con đi lại thì cũng chỉ đủ chi phí thay bình ắc qui,” theo tờ báo của Liên Hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam.
Vị thượng tọa cũng kể thêm rằng năm ngoái, năm kia “phải mất hơn 50 tỷ đồng ($2.1 triệu) để duy tu,” chi phí mua hoa và cây hết 30 tỷ đồng ($1.3 triệu), riêng tiền trị mối ở một nhà tổ đã là 3 tỷ đồng ($128,922)…
Chùa Bái Đính thuộc sở hữu của tỷ phú Nguyễn Văn Trường, thường được biết đến với tên Xuân Trường, người gần đây còn đầu tư xây dựng thêm chùa Tam Chúc được quảng bá là “chùa lớn nhất thế giới” ở tỉnh Hà Nam.
Chính Thượng Tọa Thích Minh Quang cũng thừa nhận trên báo Ngày Nay rằng “lượng du khách đến chùa Bái Đính ngày một đông, ngày cao điểm như hôm mùng Năm Tết Kỷ Hợi có đến 30,000 người viếng chùa.”
Việc phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính thanh minh, kể khổ về chùa Bái Đính diễn ra trong bối cảnh một loạt báo ở Việt Nam đặt vấn đề về việc kinh doanh tâm linh của các ngôi chùa thu hàng ngàn tỷ.
Báo Giáo Dục Việt Nam hôm 2 Tháng Ba cho biết ở chùa Bái Đính đang có “ma trận dịch vụ” và “không có tiền đừng mong lễ Phật” ở chùa này.
Tờ báo mô tả: “Ngay từ cổng vào chùa Bái Đính, du khách đã phải trả 40,000 đồng ($1.7) tiền gửi xe, cùng với đó là ma trận dịch vụ thu tiền như xe điện, vệ sinh, vé thăm viếng… Hòm công đức được bố trí khắp nơi như ma trận, chưa kể là có nhiều khu vực xuất hiện những nhân viên ngồi chờ du khách phát tâm công đức và những nhân viên này không phải người tu hành như ở nhiều di tích khác.”
“Về chùa Bái Đính lễ Phật, mỗi du khách, phật tử nếu sử dụng hết dịch vụ tại đây sẽ phải chi cả vài trăm ngàn đồng. Đấy là chưa tính tiền mà du khách bỏ vào các hòm công đức. Theo thống kê, số người về thăm chùa Bái Đính ngày cao điểm lên đến hơn một vạn, cũng có nghĩa là số tiền doanh nghiệp thu về hàng tỉ đồng, nhưng không ai biết khi doanh nghiệp thu lợi lớn như vậy thì họ đóng thuế được bao nhiêu? Cơ quan nào giám sát, kiểm tra những khoản thu này? Số tiền du khách công đức hoặc bỏ trực tiếp vào các hòm cũng rất lớn, được sử dụng vào mục đích gì, có minh bạch không?” theo báo Giáo Dục Việt Nam.
Nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu ký giả của báo Thanh Niên, bình luận trên trang cá nhân: “Trong khu du lịch Tràng An-Bái Đính có 5 hạng mục hạ tầng gồm các công trình đường sá, cầu cống được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Các hạng mục còn lại đều do Xuân Trường bỏ vốn đầu tư… Dưới góc độ thu tiền dịch vụ, chùa này thực chất đã biến thành một thứ BOT, nhưng chúng còn tệ hại hơn là BOT giao thông vì BOT giao thông thu tiền có thời hạn, hết hạn thì giải tán trả đường lại cho dân, còn BOT chùa thì tư nhân thu lợi vĩnh viễn đến ngày tận thế mới chuyển giao. Nó là siêu BOT, thật lạ lùng quái gở. Lạ lùng quái gở hơn là các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn bình chân như vại. Ai đòi tiền lại cho nhà nước đây?”
Trong một diễn biến khác, báo VietNamNet hôm 4 Tháng Ba phải gỡ link bài “Siêu chùa và ‘công nghiệp’ tâm linh” với nội dung đề cập về các chùa do ông Xuân Trường sở hữu. (T.K.)
No comments:
Post a Comment