HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong bối cảnh báo nhà nước năm nay được lệnh nói tương đối thoáng về cuộc chiến biên giới năm 1979 với Trung Quốc, một số blogger bày tỏ bực tức trước phát ngôn của Giáo Sư Sử Học Phạm Hồng Tung, chủ biên sách giáo khoa lịch sử trong chương trình “Giáo Dục Phổ Thông Tổng Thể”, trên báo VietnamNet.
Tờ báo thuộc Bộ Thông Tin Truyền Thông hôm 13 Tháng Hai trích dẫn quan điểm ông Tung: “Tôi nghĩ cuộc chiến tranh năm 1979 đã lùi xa 40 năm. Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước. Nhiều quốc gia cựu thù đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và người Trung Quốc hà cớ gì lại không thể. Nếu chúng ta cùng có trách nhiệm với tương lai của thế hệ trẻ hai nước, với tiền đồ của hai quốc gia, dân tộc.”
“Chỉ có thể bằng con đường hòa giải lịch sử thì chúng ta mới góp phần ‘giải độc lịch sử’, bắc thêm một nhịp cầu chắc chắn cho hai quốc gia, dân tộc vượt qua hận thù, định kiến của quá khứ, tiến đến bến bờ hòa bình, hữu nghị, hợp tác,” theo VietnamNet.
Trong bài phỏng vấn, Giáo Sư Tung cũng thừa nhận việc đưa cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 vào sách giáo khoa “là một vấn đề nhạy cảm trong giáo dục lịch sử” và “nếu làm không cẩn thận, những chuyện xung đột, hận thù trong quá khứ sẽ bị đánh thức và sẽ làm sống dậy, châm ngòi cho những hận thù trong tương lai” (!?)
Phát ngôn của ông Tung lập tức bị ông Nguyễn Như Phong, đại tá công an, cựu tổng biên tập báo Petrotimes chỉ trích trên trang cá nhân: “Điều khiến tôi kinh hoàng là ông này lại có quan điểm là ‘các nhà sử học Việt Nam và Trung Quốc nên ngồi lại với nhau bàn bạc thống nhất quan điểm, nội dung rồi hãy đưa vào trường dạy…’ [Ông này] coi đó là việc làm ‘hòa giải’ giữa hai dân tộc! Quả là một luận điệu bậy bạ hết sức, và ông này có lẽ được ăn lương Tàu thì phải!”
“Cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc Tháng Hai, 1979 ở biên giới phía Bắc là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, mặc dù Đặng Tiểu Bình luôn rêu rao là ‘cuộc chiến hạn chế’ nhằm ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Ấy vậy mà giờ đây ông ‘thầy giáo’ này lại muốn ‘bàn bạc thống nhất với giới sử học Trung Quốc’. Đây đích thị là một thằng phản động. Tôi rất mong sinh viên Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội [nơi ông Tung đang làm giảng viên] có thái độ với ông này. Còn ông Nhạ [Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ] nếu không bị ‘câm điếc’ thì cũng mong phải có chính kiến đối với ông Tung,” ông Phong viết.
Cùng thời điểm, phóng viên tự do Ngô Nguyệt Hữu bình luận trên trang cá nhân: “Tôi thật không biết bằng cách nào với tư duy nô lệ, khiếp đảm ngoại bang, nhu nhược đớn hèn, sẵn sàng dùng uyển ngữ làm nhẹ máu xương anh linh của các anh hùng liệt sĩ để đổi lại mấy chữ viễn vông ‘hoà giải không kích động hận thù’, [ông Tung] lại có thể là một giáo sư sử học được? Làm sao ông lại có thể nghĩ ra âm mưu dạy lịch sử vệ quốc cho hậu bối bằng cách đợi kẻ thù xâm lược trong giai đoạn đó đồng ý cho chép gì, nhắc gì được? Ông không biết xấu hổ hay sao mà thốt ra những lời xằng bậy ấy? Ông không thể dẫn dụ người khác theo lối nô lệ tư duy như vậy được!”
Từ nhiều năm qua, việc sách giáo khoa lịch sử tại Việt Nam “lảng tránh” đề cập đến cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 và không nhắc tên Trung Quốc là “quân giặc” khiến nhiều thế hệ phụ huynh bức xúc.
Trong dịp 17 Tháng Hai năm nay, tuy báo chí nhà nước đã được phép của Ban Tuyên Giáo CSVN đăng bài có góc nhìn khá thẳng thắn về sự kiện này, nhưng công luận vẫn bức xúc về chuyện sau 40 năm, chương trình học sử của học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 vẫn chưa có dòng nào đề cập cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ngoại trừ sách lịch sử lớp 12 chỉ có đúng 11 dòng. (T.K.)
No comments:
Post a Comment