THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Tin cho hay trong buổi lễ khánh thành nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1 hôm 14 Tháng Hai, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn tin cậy, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm môi trường.”
Theo báo Zing, ông Phúc “đề nghị tăng cường sự giám sát của chính quyền và nhân dân địa phương về an toàn môi trường tại nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1” nhưng không nhắc đến vai trò của các tổ chức kiểm định môi trường độc lập.
Nhà máy này được các báo nhà nước tuyên truyền “là niềm vinh dự to lớn của ngành điện, là kết quả vượt bậc của sự nỗ lực của tổng thầu và các đơn vị đến từ Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam”.
Nhiệt Điện Thái Bình 1 do Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đầu tư, khởi công từ Tháng Hai, 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 26,500 tỉ đồng (hơn $1.1 tỉ), trong đó vốn vay ODA của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) là 85%, còn lại 15% vốn đối ứng của EVN.
Nhà máy gồm hai tổ máy với tổng công suất 600 MW (2×300 MW). Nhà máy được kỳ vọng cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện là hơn 3.2 tỉ kWh/năm.
Từ nhiều tháng trước khi nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1 khánh thành, dường như các báo nhà nước nhận được chỉ thị “đăng tin tốt” nhằm để trấn an người dân địa phương về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi thải ra hàng trăm ngàn tấn tro xỉ trong lúc nhà máy hoạt động.
Báo điện tử Dân Trí hồi Tháng Bảy, 2018 mô tả: “Nhiệt Điện Thái Bình 1 là nhà máy có rất nhiều màu xanh. Những đường băng chuyền tải than dài hàng trăm mét nối từ kho đến lò đốt của nhà máy hoàn toàn được đóng kín, đảm bảo không vương vãi một hạt than, bụi than ra ngoài môi trường.
Trên các con đường nội bộ bên trong nhà máy, nhiều hàng cây cũng đã kết tán, cỏ mọc xanh um ở ven đường khiến người ta có cảm giác đây là một nhà máy rất thân thiện. Có thể bắt gặp những đàn bò thủng thẳng gặm có trong khuôn viên nhà máy, cá bơi trong mương thoát nước…”
“Tất cả lượng tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao đều được xử lý, cấp chứng nhận đạt chuẩn theo quu chuẩn Việt Nam hiện hành. Tro bay của nhà máy được phân tích đặc tính, phù hợp với phối trộn bê tông, vữa xây dựng và xi măng,” tờ báo viết.
Tuy vậy, một bài trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cùng thời điểm lại cho hay: “Bình quân một nhà máy nhiệt điện than với công suất 500MW [tức là dưới mức công bố của Nhiệt Điện Thái Bình 1] sẽ sinh ra hơn 100kg thạch tín mỗi năm. Những người uống nước có 50 phần tỉ là thạch tín có nguy cơ phát triển bệnh ung thư cao hơn. Than cũng chứa một lượng nhỏ các chất phóng xạ như uranium và thorium trong tro bay. Các nhà nghiên cứu ước tính nồng độ chất phóng xạ tăng từ 0.03% lên mức 0.12% mỗi năm ở lớp đất bề mặt dày 30cm ở khu vực đất nằm xung quanh bán kính 20km của một nhà máy nhiệt điện than.”
Báo chí nhà nước tại Việt Nam đang bị kiểm soát triệt để và việc đưa tin về nguy cơ gây hại cho môi trường được cho là “vấn đề nhạy cảm”, nhất là các thông tin về khu Nhiệt Điện Vĩnh Tân vốn là nguyên do khiến các cuộc biểu tình bùng phát hồi năm ngoái.
Hiện tại, thông tin về mức độ ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện được cho là do Trung Quốc đứng sau gần như chỉ có thể đọc được trên trang cá nhân của các blogger, nhà báo độc lập.
Hồi năm ngoái, phóng viên độc lập Mai Quốc Ấn từng lên tiếng trên trang cá nhân: “Xỉ nhiệt điện được đem san lấp làm đường nông thôn mới tại Hà Tĩnh–quê hương của ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường. Tôi coi đây là hành vi đem nhân dân ra làm… chuột bạch để thí nghiệm việc xử lý chất thải nguy hại một cách trái pháp luật. Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép được quy định rõ là chất thải nguy hại theo quy chuẩn Việt Nam năm 2012 và thông tư năm 2015 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Với tôi, Bộ Trưởng Hà chỉ là một chính khách khéo nói, không hơn. Và những phát ngôn “yên tâm, yên tâm, yên tâm” của ông chưa bao giờ là cơ sở để môi trường, dân sinh an toàn. Nếu không muốn nói là ngược lại!” (T.K.)
No comments:
Post a Comment