SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Truyền thông trong nước những ngày qua đăng khá nhiều bài viết về cuộc chiến tranh biên giới 17 Tháng Hai, 1979 và thẳng thắn gọi Trung Quốc là “quân xâm lược.”
Còn khoảng 3 ngày nữa là đánh dấu cột mốc 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, 17 Tháng Hai, 1979. Hai ngày qua, nhiều báo lớn trong nước đăng tải những bài viết chi tiết về cuộc chiến. Điều đáng nói, và dư luận mạng xã hội cũng nhận thấy là có vẻ như những bài viết này “được phép” sử dụng những câu chữ chỉ đích danh quốc gia đối chọi với quân đội Việt Nam lúc đó, là Trung Quốc.
Ngày 1 Tháng Hai, 2019, ông Phạm Viết Đào, một nhà báo từng bị đi tù 15 tháng vì bị cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đả kích chế độ, viết trên trang Facebook cá nhân rằng “Theo nguồn tin vỉa hè, năm nay Việt Nam chủ trương công khai kỷ niệm 40 năm cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc. Các hoạt động đang được chuẩn bị, chắc sẽ được tổ chức sau dịp Tết Nguyên Đán…”
Báo mạng Vietnamnet hôm 12 Tháng Hai, 2019 phỏng vấn một nhân chứng của cuộc chiến là bà Nguyễn Thị Đào (SN 1957). Hồi ấy, bà Đào mới bước sang tuổi 22, đảm nhận vị trí kho quỹ của trại nuôi lợn Đức Chính.
Bài viết có tên “Chiến tranh biên giới: Ám ảnh từ đáy giếng chôn 43 xác” tường thuật lời bà Đào khi nói về ký ức lúc đó:
“Trước khi quân xâm lược tràn sang, chị em chúng tôi suốt ngày cười đùa rồi tâm sự những câu chuyện về tình yêu, gia đình khi cùng lao động ở trại chăn nuôi lợn. Nhưng rồi một ngày, tôi phải lượm từng thi thể, rồi đưa họ đoạn đường cuối cùng để về với thế giới bên kia.”
Những từ như giặc, xâm lược, kẻ thù, và đặc biệt “Trung Quốc” được nêu rất nhiều lần trong bài viết.
Cũng tờ Vietnamnet, trong một bài viết khác nằm trong loạt bài về chiến tranh biên giới Tháng Hai, 1979 có đoạn được viết:
“Cách đây 40 năm, cũng vào ngày này, Trung Quốc đã xua quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào trận chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng Bắc kinh, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp nẻo quê hương.”
Bài viết này còn ghi thêm: “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc Tháng Hai, 1979 này tuy chỉ kéo dài 16 ngày, nhưng sự căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc sau cuộc chiến còn kéo dài cho đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Và hệ lụy của cuộc chiến còn dai dẳng cho đến tận bây giờ.”
Vietnamnet còn dành hẳn một bài phỏng vấn nghiên cứu sinh môn Lịch sử Vũ Minh Hoàng, Đại Học Cornell (Hoa Kỳ) về một góc cuộc chiến. Bài phỏng vấn này được độc giả nhận định rằng có đưa ra một số tài liệu giải mật từ phía Mỹ.
Thanh Niên Online thì có bài “40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Không thể quên!” của tác giả Mai Thanh Hải viết chi tiết những diễn biến ở biên giới vào sáng sớm ngày 17 Tháng Hai, 1979.
“Sáng sớm 17 Tháng Hai, 1979, Trung Quốc đưa hơn 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, tấn công 6 tỉnh phía bắc nước ta, tàn sát dân lành vô tội. Trên từng tấc đất, vạt rừng Tổ quốc, những người lính, người dân Việt đã kiên cường đánh trả quân xâm lược. Rất nhiều người đã ngã xuống, dựng nên trang sử hào hùng của dân tộc mà mỗi chúng ta mãi mãi không thể quên, không được phép lãng quên.”
Ngay cả VOV, tờ báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 13 Tháng Hai cũng được đăng bài “Tính chính nghĩa của Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc.”
Trong bài này, VOV đưa ra những bình luận khá “mạnh tay” về sự hiện diện của Trung Quốc trong cuộc chiến.
Điển hình như: “Cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược 17 Tháng Hai, 1979 nằm trong mục tiêu phục vụ mộng bá quyền nước lớn, bắt Việt Nam phải lệ thuộc, phụ thuộc… là phi nghĩa. Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược Tháng Hai, 1979 của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa. Bởi, phía Việt Nam là chống lại sự áp đặt, sự lệ thuộc, phụ thuộc vào Trung Quốc, bảo vệ hòa bình, độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, đi lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế thời đại hiện nay.”
Trong khi các báo lớn như Thanh Niên, Vietnamnet, VNExpress, Tuổi Trẻ đều tung ra loạt bài về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, thì tờ Quân Đội Nhân Dân hoàn toàn không (chưa) nói đến.
Hàng năm, khi người dân vào ngày 17 Tháng Hai, đến tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội đặt vòng hoa tưởng niệm những quân dân chết trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc thường bị cản trở, có người còn bị bắt hay đánh đập.
Cũng xin nhắc lại, là cuối tháng này, tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un. Cũng có nguồn tin chưa chính thức nói rằng trong dịp này, ông Trump sẽ gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội. (K.L)
No comments:
Post a Comment