Theo RFA-Tre-2019-01-24
Hình minh họa. Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (giữa), Trịnh Xuân Thanh (trái đang ngồi), cựu quan chức Tập đoàn dầu khí quốc gia, tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018- AFP
Trong hai ba năm qua, hàng trăm quan chức lãnh đạo các địa phương, các ngành, từ cấp sở, cấp tỉnh đến bộ trưởng, tướng tá công an, … của Việt Nam nối nhau vào tù vì tham nhũng. Sài Gòn và Đà Nẵng đi cả giàn đến vãn cả cán bộ. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng nói, từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương Đảng quản lý đã bị thi hành kỷ luật, trong đó có 5 uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm. 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng. “Đây là con số chưa từng có”- ông Trọng nói.
Có ai từng hỏi cuộc sống của những quan chức tham nhũng sau khi ra tù sẽ như thế nào?
Trước kia có hẳn một từ lóng dành riêng cho cuối nẻo công danh của các quan chức là “hạ cánh an toàn”. Cứ bay bổng vẫy vùng trong những vùng trời thụt két, miễn hạ cánh an toàn, về hưu đúng quy trình, bảo toàn tài chính là được.
Một người am hiểu chính trường và doanh trường Việt Nam kể cho tôi: Ở Hà Nội, sếp lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và quan chức chính quyền về hưu thường sinh hoạt xã hội trong những nhóm nhỏ bao gồm đồng nghiệp và những mối quan hệ từ khi còn giữ chức. Có thể gọi các nhóm này là dạng câu lạc bộ nhỏ không chính thức, vì họ có những địa điểm để thường xuyên gặp gỡ, bàn luận, uống cà phê, đi dã ngoại, tổ chức hoạt động xã hội cùng nhau. Bật mí là rất nhiều quan chức tham nhũng đục nước nhưng may mắn hạ cánh an toàn thì rất chăm chỉ làm từ thiện, suốt ngày đi thăm vùng nông thôn nghèo, tặng quà người nghèo. Tuy nhiên ta sẽ nói về chuyện này sau, còn bây giờ quay lại việc chính.
Sau khi chồng hạ cánh an toàn, các quan bà thường dễ thích ứng hơn quan ông, vì vai trò của phụ nữ Việt Nam vẫn thường là trong gia đình, quản nội trợ và thay mặt chồng nhận quà. Chỉ một số người sắc sảo hơn thì khi chồng tại chức họ cũng tham gia các hoạt động hậu trường như có mặt trong các hội phu nhân, chăm chỉ chăm sóc quan bà to hơn để gây dựng quan hệ thân thiết, tìm kiếm chỗ dựa nâng đỡ cho công danh của chồng. Còn hầu hết, họ là những phụ nữ không xuất sắc, không có sự nghiệp riêng. Thế nên sau khi chồng về hưu, cuộc sống của họ không có quá nhiều thay đổi. Đặc biệt lúc này thường con cái đã lập gia thất và sinh con đẻ cái, có nhiều cháu chắt nên người phụ nữ chuyển sự quan tâm và niềm vui vào những đứa cháu bé.
Đàn ông thì không thế. Vốn là những người lãnh đạo lớn và lâu năm, họ có tầm hoạt động và quan tâm rộng lớn hơn hẳn những người khác. Tham ô là một lẽ, nhưng không thể phủ nhận được phần lớn trong số họ là những người tài trí. Họ có nhu cầu sử dụng thường xuyên các khả năng trí tuệ của mình, cũng có nhu cầu được chứng minh sức mạnh bản thân. Vì thế, về hưu là một quyết định có tính cột mốc vô cùng khó chịu. Đang hét ra lửa, xách cặp vào cơ quan người người cúi mặt, một câu nói có thể khiến kẻ sống người chết, bước chân ra cửa người người xun xoe khúm núm, cả năm không cần móc tiền túi ra bao giờ, lên xe xuống ngựa đều ưu tiên… đùng cái về hưu. Như sét giữa trời quang, tất tần tật ăn trên ngồi trước, phục dịch hầu hạ, nịnh nọt bợ đỡ… biến mất tăm. Không biến từ từ để cho người ta quen dần, mà biến lập tức, biến hoàn toàn và triệt để như chỉ sau một cú vung chiếc đũa thần.
Ông quan lúc này mới biết hóa ra đi ăn sáng cũng cần phải trả tiền. Có một thứ gọi là taxi. Máy bay cũng bán vé. Nhà hàng không miễn phí. Tình nghĩa anh em chiến hữu keo sơn thề hứa cũng giống như chai nước mắm trong bếp, nghĩa là có hạn sử dụng.
Nghĩa là đột nhiên, hoặc đột nhiên một cách dần dần, ông rơi trở về làm người phàm. Các cuộc họp vô cùng quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước nay là chỗ của những gương mặt khác. Báo chí không còn săn đón để lấy bằng được một câu nói của ông. Từ chỗ ai cũng chầu chực xin ý kiến, nay tận mắt thấy đàn em lũ lượt chạy theo chủ mới. Cũng chẳng còn đàn đàn lũ lũ những cái phong bì hay chiếc thẻ mỏng nhét trong quyển sổ tay tặng anh ngày rằm. Chua chát, tức giận, xót xa tình đời đen bạc, cay đắng… Nhưng ông vẫn còn mạnh khỏe, vẫn còn sống tốt đến vài chục năm nữa. Ông không cam tâm làm một ông nội, ông ngoại chỉ biết bế cháu hò hét nó ăn cháo như những đàn ông tầm thường khác. Ông phải tiếp tục có mặt ở những nơi tập trung những người từng quyền thế như ông, để tiếp tục bàn bạc và cho ý kiến. Trong cơn say sưa nào đó, các ông tự hào gọi đó là “nội điện”, nơi thâm cung của thâm cung, nơi vạch quyết sách của quyết sách.
Niềm tự hào đó có lúc đúng, có lúc không, vì cái lẽ đơn giản “cờ đến tay ai người ấy phất”.
Tóm lại, khi tại vị thì nhăn nhó nếu bị các cụ hưu trí níu tay chân, viết thư riêng, viết thư ngỏ, chỉ đạo… nhưng khi bản thân cũng thành hưu trí thì trăm phần trăm các vị cựu quan chức cần cái nơi sinh hoạt xã hội riêng ấy như cần hơi thở.
Vốn dĩ nhiều năm đứng trên đỉnh cao, họ không có bạn, hoặc cực kỳ hiếm hoi những người bạn thực sự. Họ hầu như không có bạn học hay quan hệ hàng xóm, do khác quá xa về hoàn cảnh. Đến họ hàng xa khi không còn được hưởng lợi do người thân làm quan đem lại thì có vẻ cũng phai nhạt đi chữ tình, huống gì bạn học hay xóm giềng. Nên các câu lạc bộ cựu quan chức chính là niềm vui, là sự tái lập không gian xã hội đã từng có, là bằng chứng để các ông thấy mình “vẫn thế”, còn mạnh mẽ, khôn ngoan, trẻ khỏe, quan trọng và cần thiết cho nhiều người. Đó là nhu cầu tối thượng của con người, ở cái đỉnh cao nhất của tháp Maslow.
Nhưng, nếu vị cựu quan chức lại bị hầu tòa vì những tội lỗi trước đó thì sao?
Sau khi ra tù (mức án có thể rất nhẹ), hoặc chỉ cần trong thời gian dính đến điều tra, truy tố, họ bị chính giai tầng của mình tẩy chay.
Vị am hiểu nọ kể: Tại các câu lạc bộ, không ai chào mừng họ đến nữa. Họ vẫn đến, nhưng sẽ nhiều người lảng xa hoặc giả vờ không nhìn thấy. Rồi có một người nào đấy nhẹ nhàng đi đến nói nhã nhặn “ Tôi nghĩ anh không nên đến đây nữa”.
Vì tuy họ về hưu nhưng vây cánh, các mối quan hệ làm ăn vẫn còn. Con cái cũng có thể đang làm quan. Nên với bề ngoài, danh tiếng là tối cao. Các cựu lãnh đạo không thể để một người mang án tù hoặc đang trong vòng điều tra được quyền ngồi ăn chung, đi cùng xe, vấy cái tiếng xấu và xui xẻo lên bản thân họ. Mặc dù lòng vả cũng như lòng sung, đã làm quan cộng sản chẳng mấy ai không “ăn”, nhưng “ăn” bao nhiêu miễn chùi sạch mép thì còn có người vỗ vai mời một tách cà phê. Bị lộ thì dứt khoát không còn đồng chí nữa. Họ bị chính giai tầng của mình rút phép thông công. Con chiên ghẻ không được phép ở trong đàn chiên.
Sau khi bị mất sạch danh dự với bản án, sự trả giá về tinh thần lúc này thể hiện ở dạng mới, dai dẳng đến suốt đời. Các mối quan hệ gần như đứt sạch. Ra đường, hàng xóm chỉ trỏ xì xào, có người cười ngay vào mặt. Đi nước ngoài sống với con á? Tiếng tăm không sành, môi trường không quen, không có ai lui tới, và nhất là sẽ bị chính cộng đồng Việt kiều sỉ vả khinh thường. Ở Việt Nam may ra còn có họ hàng.
“Đau khổ tận cùng. Chỉ ăn rồi ngủ, loanh quanh trong nhà chờ chết”-vị nọ tổng kết.
Cứ hình dung những ông già 70 tuổi, giàu có nên vẫn rất khỏe mạnh, trí tuệ vẫn sáng suốt, giờ chỉ còn tồn tại như cái bóng, không bạn bè, không quan hệ xã hội, loanh quanh trong nhà hết ăn rồi ngủ, đến lên phây chém gió cũng phải giấu tên, một đời kiến thức và kinh nghiệm từng trải nay trơ mắt mục rữa không thể trao truyền cho ai, ngày qua ngày đếm từng bữa cơm chờ chết. Tiền vận càng hào quang, càng lên xe xuống ngựa, hậu vận càng thảm thương.
Cứ hình dung những ông già 70 tuổi, giàu có nên vẫn rất khỏe mạnh, trí tuệ vẫn sáng suốt, giờ chỉ còn tồn tại như cái bóng, không bạn bè, không quan hệ xã hội, loanh quanh trong nhà hết ăn rồi ngủ, đến lên phây chém gió cũng phải giấu tên, một đời kiến thức và kinh nghiệm từng trải nay trơ mắt mục rữa không thể trao truyền cho ai, ngày qua ngày đếm từng bữa cơm chờ chết. Tiền vận càng hào quang, càng lên xe xuống ngựa, hậu vận càng thảm thương.
Chỉ nghĩ đã rùng mình!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment