Thursday, January 24, 2019

Làm Thủ tướng trong một nước đã có ‘Tổng – Chủ’



Bù nhìn?

Mặc Lâm – VOA

Trong các đời Thủ tướng phải công nhận ông Nguyễn Xuân Phúc là vị Thủ tướng hiền nhất. Ông vừa hiền vừa bình dân và vừa vô tư trong các phát ngôn. Con số người cười ông và thương ông chắc ngang nhau. Cười vì tính tình dễ dãi đến khù khờ và thương vì sự hiền hậu hiếm hoi trong thế giới Cộng sản khi mà lãnh đạo được tô vẽ ngang tầm với thần thánh.
Mặc dù những phát ngôn của ông có dáng dấp của căn bệnh hoang tưởng nhưng nếu xét kỹ thì đó là cách duy nhất để ông tồn tại trong hệ thống mà ông đang giữ chức “rõ to”. Tuy nhiên vấn đề là chung quanh ông còn quá nhiều người ngang với vị trí mà ông nằm giữ. Họ là 20 Ủy viên Bộ chính trị, là những người nắm những lá phiếu có trọng lượng, và không may nhất cho ông là trên ông chỉ có một người, mà người đó đang chứng tỏ có lòng ham muốn quyền lực vô biên dám nghĩ dám làm những việc chỉ xảy ra trong chế độ cộng sản.


Từ bao năm nay chính phủ do một Thủ tướng cầm đầu được phân chia quyền lực rõ ràng đó là ông ta chịu trách nhiệm trước các chính sách vĩ mô về kinh tế, giáo dục, y tế cũng như các lĩnh vực quan trọng khác của đất nước. Dưới quyền ông là các Bộ trưởng trách nhiệm trực tiếp phần hành mà họ được giao phó. Thủ tướng cũng chịu trách nhiệm gián tiếp về những bất cập trong chính phủ do ông lãnh đạo, chằng hạn các chính sách không phù hợp, thất bại trên lĩnh vực ngoại giao, hay tham nhũng, mua quan bán chức, hối mại quyền thế trong chính phủ… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất may chưa dính tới những vụ cộm cán như Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng mà các vụ án lớn đang xảy ra liên tiếp trong mấy tháng gần đây.
Thủ tướng Phúc tuy chưa có cơ hội để dính vào những trọng án, hay có nhưng chưa bị khám phá nhưng chiếc ghế mà ông ngồi đang lung lay một cách rõ rệt từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước.
Vài động thái gần đây cho thấy ông Thủ tướng không còn đưa ra quyết định nào quan trọng tầm cỡ quốc gia, mà ngược lại, Bộ Chính trị thay ông làm hai việc rất ý nghĩa.
Việc thứ nhất, theo báo chí loan tải thì “Bộ Chính trị đồng ý tăng tổng mức đầu tư 2 tuyến metro ở TP. HCM từ 43.000 tỷ lên 95.000 tỷ đồng qua ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành phố vừa nhận văn bản truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM – tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Bộ Chính trị đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 từ 17.388 tỷ (được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2009) tăng lên 47.325 tỷ đồng và tuyến số 2 từ 26.116 tỷ đồng (phê duyệt năm 2010) tăng lên 47.891 tỷ.”
Ai cũng biết những gì thuộc về chính phủ thì Thủ tướng là người phê duyệt, trong khi đó Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo chỉ trách nhiệm về mặt Đảng và công tác cán bộ, nay Đảng nhảy vào phê duyệt ngân sách cho một dự án thuộc lĩnh vực do chính phủ quản lý thì phải chăng Đảng đang thập thò thăm dò dư luận về mục tiêu quản lý luôn cả chính phủ, một việc mà dân tình đồn đoán từ trước khi ông Trọng nắm luôn chức Chủ tịch nước?
Và kết quả là trước nguồn tin này đến sáng ngày 5/1/2019, các bài viết về việc “Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý duyệt tăng 51.712 tỷ đồng (tương đương 2,23 tỷ USD) cho 2 tuyến Metro TPHCM” đã bị gỡ bỏ, hoặc dẫn qua 1 bài viết khác.
Việc thứ hai, Ngày 3/1/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố, trong có quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Người ký quyết định này là ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Năm ngày sau, chiều 8/1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 đã nhấn mạnh việc thu âm ghi hình: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân. Đây là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống, ý nói đến sự đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng”.
Phải hiểu thế nào giữa hai quyết định?
Không khó để nhận ra rằng ông Phúc đang chống trả lại thế lực âm thầm hạ bệ ông một cách yếu ớt. Trong vai trò Thủ tướng đáng lẽ ông có quyền kỷ luật một Chủ tịch UBND khi ông này vi phạm hiến pháp một cách trắng trợn về quyền của công dân. Thế nhưng ông Nguyễn Đức Chung lại là một ủy viên Bộ Chính trị vì vậy ông Phúc đành ngậm bồ hòn làm ngọt khi chiếc đèn xanh đã được bật lên từ ông Tổng Bí Thư.
Vậy thì rồi ra trong vai trò Thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ được làm gì? Không lẽ cứ tới các tỉnh thành rồi ban bố cho nó những “đầu tàu” để làm vui lòng cán bộ của tỉnh ấy?
Nếu không làm được những việc mà từ trước tới nay các đời Thủ tướng khác đều làm được hóa ra ông là Thủ tướng….bù nhìn sao?

No comments:

Post a Comment