Wednesday, January 16, 2019

Người dân Lộc Hưng: ‘Chúng tôi kiện các cấp có liên quan vụ cưỡng chế’


Cảnh Vườn rau Lộc Hưng tan hoang sau đợt cưỡng chế. (Hình: Người Việt)
Cát Linh/Người Việt
Sài Gòn, Việt Nam (NV) – Khoảng 164 hộ dân đã cùng ký đơn khiếu kiện việc chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cưỡng chế, phá dỡ gần 200 căn nhà tại khu vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, Quận Tân Bình hôm 4 và 8 tháng Giêng vừa qua.
‘Chúng tôi muốn nhìn thấy quyền sử dụng đất của mình’
Một người dân ở Lộc Hưng cho báo Người Việt biết qua điện thoại về sự việc này:
“Chúng tôi không kiện Phường 6 mà chúng tôi sẽ kiện các cấp có liên quan đến 2 đợt cưỡng chế hơn trăm căn nhà vừa rồi. Chúng tôi đã trưng ra tất cả vật chứng nguồn gốc đất từ thời Hội Thừa Sai Paris cho đến chế độ VNCH tiếp quản. Sau năm 1975 thì chúng tôi hoàn toàn không có sự tranh chấp cũng như không có sự trưng thu trưng dụng nào của phía nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng bây giờ họ vịn vào việc là xây dựng trái phép để cưỡng chế nhà của chúng tôi thì đó là trái pháp luật. Nếu theo đúng pháp luật thì chúng tôi phải được cấp quyền sử dụng đất, và nếu có thì chúng tôi sẽ xin giấy phép xây dựng. Cơ bản trong luật pháp Việt Nam thì đó là điều dễ dàng. Nhưng suốt bao nhiêu năm trời họ không trả lời, rồi nói thẳng là không cấp. Trên cơ sở cuộc sống thay đổi, biến động trong xã hội, từ việc trồng rau đến việc mưu sinh càng ngày càng khó khăn, con cái gia đình thêm người buộc chúng tôi phải nghĩ ra cách nào đó để mưu sinh. Đó là 1 trong những yếu tố mà nhà cầm quyền lấy cái cớ là xây dựng trái phép. Không cấp phép thì lấy gì có phép để mà xây.
Đó là yếu tố mà chúng tôi sẽ làm việc với phía luật sư để khởi kiện chuyện đập phá, cưỡng chế trái pháp luật như thế.”
“Xin nói thẳng là yêu cầu các cấp các ngành có liên quan đến việc từ lập dự án đến duyệt dự án hay là quyết định này quyết định kia liên quan đến khu đất, chúng tôi yêu cầu muốn làm gì cũng được, nhưng trước hết phải thượng tôn pháp luật.
Điều chúng tôi yêu cầu chính quyền trước mắt bây giờ giải quyết là làm sao chúng tôi nhìn thấy quyền sử dụng đất của chúng tôi, rồi mọi chuyện sau đó tính tiếp.”

Con chó mực của người dân Vườn rau Lộc Hưng cũng trở thành “dân oan”. (Hình: Người Việt)

Sau ngày diễn ra vụ cưỡng chế, tất cả những bằng chứng gọi là giấy thuế của người dân “nộp” cho chính quyền phường 6, quận Tân Bình trong suốt 20 năm qua được trưng ra.
Thêm vào đó, Toà tổng giám mục Sài Gòn hôm 15 tháng Giêng đã khẳng định “khu vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6 quận Tân Bình trước năm 30 tháng Tư, năm 1975  hoàn toàn không phải đất của nhà nước cũ sở hữu. Và cũng không hề có một cơ sở pháp lý nào cho phép xác định rằng trong thực tế, khu đất trên đã được Trung tâm Viễn Thông 3 tiếp nhận”.
Theo các văn bản tài liệu năm 2007 được đưa ra trên mạng xã hội, nhà nước cũ chỉ sở hữu một phần nhỏ (1,5 ha), còn lại thuộc về Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn.
Trên mạng xã hội gần đây cũng xuất hiện 2 tài liệu, 1bản tiếng Pháp và 1 bản tiếng Việt, cho thấy khu đất Vườn rau Lộc Hưng, Q.Tân Bình, TP.HCM, từ 1955 đã thuộc quyền sở hữu của Hội thừa sai Sơn Tây mà đài phát sóng chỉ được mượn chỗ dựng ăng-ten.
Văn bản của Giáo hội Công giáo Sài Gòn do Linh mục Huỳnh Công Minh – Tổng đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ký năm 2007 nêu rõ:
  1. Từ năm 1954, chính quyền cũ (Pháp thuộc và VNCH) đã mượn một phần đất của Giáo hội để dựng cột antene phát tín, trong đó chỉ có 1.5 ha là thuộc sở hữu của nhà nước cũ.
  2. Trước khi dựng cột antene, khu đất đã thuộc quyền sở hữu của Hội Truyền giáo Công giáo và một số người dân.
  3. Sau năm 1975, cơ quan tiếp quản của chính quyền CHXHCN Việt Nam – Trung tâm Viễn thông 3 – chỉ tiếp quản trạm phát sóng và vài cột antene, chứ không phải toàn bộ khu đất. Người dân vẫn sống và canh tác trên khu đất của mình cho đến tận hôm nay.

Văn bản của Giáo hội Công giáo Sài Gòn do Linh mục Huỳnh Công Minh – Tổng đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ký năm 2007. (Hình: Giáo hội Công giáo VN.)

Mãi cho đến năm 2000, khi bà con làm thủ tục kê khai đất, UBND quận Tân Bình mới bác bỏ với lý do trước và sau năm giải phóng, phần đất chuyên dùng bị các hộ chiếm dụng trồng hoa…
Ngoài ra, theo Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, chính quyền CSVN đã vi phạm chính bộ luật đất đai của mình, khi không cấp giấy chứng nhận bất động sản chính thức cho người dân cư trú và canh tác lâu dài tại đây sau thời điểm năm 1999, dù người dân đã tiến hành kê khai đất theo các đợt 1987, 1992, 1993 và 1998.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tiến, là đời thứ 4 trong gia đình sinh sống vườn rau Lộc Hưng cho biết hơn mười mấy năm nay, chính quyền TP. HCM luôn né tránh người dân khi họ gửi đơn tố cáo đến các cấp lãnh đạo.
“Không hiểu sao người dân chúng tôi đều đóng thuế, có giấy quyết định thuế, và sổ thuế. Không hiểu chính quyền hay nhà cầm quyền muốn cướp đất của người dân như thế nào, torng khi đó chủ trương của Đảng và Nhà nước, bà con chúng tôi vẫn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, yêu cầu lãnh đạo thành phố ra tiếp bà con, làm theo đúng qui định của pháp luật. Nhưng mười mấy năm nay, lãnh đạo thành phố trốn bà con chúng tôi, không tiếp, không muốn tiếp cận, muốn cướp đất của bà con.”
Khu đất vườn rau Lộc Hưng rộng khoảng 5 ha được người dân cho biết thuộc Hội thừa sai Paris cho người dân sử dụng để sinh sống và trồng rau từ thời Pháp thuộc. Phần đông người dân ở đây là dân di cư từ miền Bắc vào khoảng năm 1954 và là người Công giáo.
Chính quyền Quận Tân Bình đã nhiều lần thực hiện các đợt cưỡng chế trong hơn 10 năm qua và trận càn quét sau cùng vào ngày 4 và 8 tháng Giêng đã quét sạch toàn bộ nhà cửa ở khu vực này.
Một người dân, cũng là chủ của những căn nhà trọ trong khu vực vườn rau cho biết người dân không hề nhận được 1 thông báo nào hoặc 1 tiếp xúc thỏa thuận nào giữa chính quyền và người dân theo đúng qui trình pháp lý.
Niềm tin không còn
Hôm 13 Tháng Giêng, truyền thông trong nước cho biết chính quyền quận Tân Bình có thông báo hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu vực vườn rau, đồng thời hỗ trợ chi phí từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho các hộ trồng rau ở dây bị ảnh hưởng do giải tỏa.
Liên quan đến quyết định hỗ trợ bồi thường, dư luận vẫn chưa quên câu chuyện Thủ Thiêm với nhiều lần chính quyền nhà nước đưa ra đề nghị hỗ trợ cho các gia đình bị mất đất. Ngay cả khi ông Bí thư Thành Ủy TP.HCM, Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải “giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm và phải tập trung giải quyết theo hướng có lợi nhất cho bà con”, hoặc khi ông khẳng định “Chúng tôi không gạt bà con đâu”, thì sau đó một nhóm người dân oan Thủ Thiêm phải quyết định quay về dựng lều trên mảnh đất cũ của mình.
Ông Lê Văn Lung, 59 tuổi, trước đây là một doanh nhân ở Thủ Thiêm nay đã bỏ việc để dành trọn thời gian cho việc khiếu kiện cho ông và cho những gia đình mất đất khác nói rằng hành động quay về dựng lều trên đất bị giải tỏa là xuất phát từ bức xúc chung.
Cũng như những người dân Thủ Thiêm khác, ông đã rất ngán ngẩm với những thông báo hỗ trợ của chính quyền mà không có một phương án giải quyết cụ thể nào.
Ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ rất khó được giải quyết theo đúng pháp luật, rất khó giải quyết cho có căn cơ. Cái từ căn cơ này là giải quyết cho nó tận gốc, cho nó rõ ràng, chỗ nào sai thì sửa, ai làm sai thì xử lý. Theo như 10 nội dung của UBND Thành phố đưa ra thì nó không giải quyết căn cơ. Hồi xưa không là phương án bồi thường. Như vậy đã trái luật rồi. Qua 1 thời gian người ta khiếu nại thì lại hỗ trợ thêm. Hai lần hỗ trợ thêm. Ngày hôm nay, ngày mai, ngày mốt lại hỗ trợ.”
Cũng trong ngày thứ Ba 15 Tháng Giêng, năm 2019, trên trang cá nhân của luật sư Trần Vũ Hải cho biết 20 hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng đã mời luật sư, ít nhất 10 tổ chức hành nghề luật sư đã nhận lời.
Bốn 4 đại diên cho hàng chục hộ dân Vườn Rau Lộc Hưng đã gặp các luật sư, trao giấy đề nghị hỗ trợ pháp lý của 20 hộ dân. Tất cả các luật sư có mặt trong buổi gặp mặt đã nhận lời. Đến nay, ngoài 10 tổ chức hành nghề luật sư đã đồng ý nhận trợ giúp các hộ dân này, còn nhiều luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khác đã ngỏ ý tham gia vào việc trợ giúp cho các gia đình vườn rau Lộc Hưng.

No comments:

Post a Comment