SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Dân đâm thuê chém mướn sắp được “quản lý, huấn luyện” theo một số quy chế và còn được cấp “công cụ hỗ trợ” biến chúng thành “hiệp sĩ đường phố” làm cánh tay nối dài cho công an.
Tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật, 13 Tháng Giêng, 2019 đưa tin công an thành phố Sài Gòn đã báo cáo Bộ Công An về việc quản lý, huấn luyện “hiệp sĩ đường phố” theo “mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận.”
Những “ông kẹ” này lâu nay đã được công an thành phố sử dụng để đánh người hiện vẫn chỉ là những nhóm hoặc cá nhân “tự phát” hành động theo “lệnh miệng” của công an địa phương. Đổi lại, họ chỉ được hưởng những ân huệ nào đó chứ không hề có lương bổng ngoài danh xưng “hiệp sĩ đường phố” ở một lúc nào đó làm công cụ cho công an.
Tờ Thanh Niên thuật lời Đại tá Đinh Thanh Nhàn, phó giám đốc Công An Sài Gòn cho biết hệ thống cánh tay nối dài rất dài của công an “hiện trên địa bàn Sài Gòn có 83 loại mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự. Trong đó, khối đoàn thể thành phố quản lý 45 loại mô hình; khối cơ quan doanh nghiệp 3 loại mô hình; công an các cấp là 35 loại mô hình.”
Riêng với các “mô hình tự phát” ở Sài Gòn, theo ông Nhàn liệt kê ra, “có 4 nhóm mô hình với 25 người, thường được gọi là ‘hiệp sĩ đường phố.’ Hiện công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện quản lý để có hướng dẫn, huấn luyện các ‘hiệp sĩ đường phố’ tự phát có kiến thức về pháp luật, kỹ năng trong quá trình hoạt động.”
Tướng Lê Đông Phong, giám đốc ông an thành phố Sài Gòn không che đậy khi nói “huấn luyện để họ trở thành ‘cánh tay nối dài,’ ‘tai mắt’ – ‘những cộng sự tích cực của lực lượng công an.’ Và ông còn ‘mong ước, mỗi công dân là mỗi chiến sĩ công an.’”
Trước đây, người ta thỉnh thoảng thấy có những nhóm “hiệp sĩ đường phố” tham gia bắt cướp tại một số tỉnh thị và cũng đã có hai ông bị cướp chém chết tại Sài Gòn hồi năm ngoái. Tỉnh Bình Dương có lẽ là địa phương có các nhóm “hiệp sĩ đường phố” nhiều nhất trên cả nước vì trộm cướp “nhiều như rươi.”
Theo tờ Thanh Niên ngày 23 Tháng Năm, 2018, “Trong năm 2017, các ‘hiệp sĩ’ tại Bình Dương đã phối hợp với công an ở địa phương tham gia tuần tra, hỗ trợ giúp sức phát hiện 232 vụ, bắt giữ 576 đối tượng phạm pháp các loại.” Trong đó một nhóm “đã phát hiện, bắt giữ trên 2,000 vụ phạm pháp giao công an xử lý, trong đó có rất nhiều vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản…” Riêng từ đầu năm 2018 đến nay “đã phát hiện 56 vụ phạm pháp, bắt giữ gần 100 đối tượng giao cơ quan chức năng xử lý, trong đó cơ quan công an đã khởi tố 40 nghi can.”
Thấy những người này là tay sai đắc lực, công an tỉnh Bình Dương cho hay 91/91 xã phường, thị trấn của tỉnh đã “thành lập Câu Lạc Bộ Phòng Chống Tội Phạm với 3,248 thành viên, ban chủ nhiệm và hội viên. Trong đó có 84/91 địa phương thành lập đội xung kích phòng chống tội phạm (hay còn gọi là ‘hiệp sĩ’) với 1,508 đội viên.”
Tuy có thành tích như vậy nhưng tỉnh Bình Dương chỉ chi ra trên 9.1 tỉ đồng/năm để “duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, trong đó có tiền xăng xe đi tuần tra, văn phòng phẩm…”
Nhiều tỉnh thành trong đó có cả công an Sài Gòn được Bộ Công An tổ chức cho học tập gương của Bình Dương, nên những gì sắp được hình thành ở Sài Gòn, nhiều phần rút tỉa từ kinh nghiệm của tỉnh bên cạnh.
Ngày 30 Tháng Mười, 2018, tờ báo điện tử Kiến Thức cho hay “Theo phản ánh của anh Nguyễn Khắc Vĩnh, khoảng 6 giờ 30 chiều ngày 29 Tháng Mười, anh điều khiển xe ô tô BKS 56N-6657, đến giao lộ đường Đinh Bộ Lĩnh và Bạch Đằng thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Tại đây, anh yêu cầu cảnh sát giao thông báo lỗi và lập biên bản vi phạm. Lát sau, có 4 đối tượng lạ mặt xuất hiện, mang theo hung khí hành hung. Anh cho biết, mình làm đơn trình trình báo sự việc bị 4 đối tượng lạ mặt hành hung khi làm việc với cảnh sát giao thông lên công an phường 15, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.” Vụ việc đã cho chìm xuồng như nhiều vụ tương tự đã xảy ra và được tường thuật trên mặt báo.
Một số nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị những tên đầu gấu có tên gọi mỹ miều “hiệp sĩ đường phố” có thể gồm cả công an đến hành hung tại nhà và cả trên đường lộ. Khi tin tức và hình ảnh phổ biến rộng rãi trên Facebook, những tên đó còn thách thức thưa kiện và còn dọa tiếp vì được công an bảo kê.
Buổi tối 15 Tháng Tám, 2018, ca sĩ Nguyễn Tín tổ chức một buổi hát có tên “Sài Gòn Kỷ Niệm” cho một nhóm vài chục thân hữu nghe. Chương trình vừa mới chuẩn bị bắt đầu thì cả một đoàn hàng chục công an và đầu gấu xông vào hành hung mọi người. Nguyễn Đại và Nguyễn Tín bị lôi đi, đánh suốt dọc đường rồi quẳng xuống đường ở một khu vực hẻo lánh của tỉnh Bình Dương. Người bị đánh nặng nhất là nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang phải vào cấp cứu tại bệnh viện.
Những ngày sắp tới, như tin tức loan báo, công an chuẩn bị biến “đầu gấu” thành “hiệp sĩ đường phố.” (TN)
No comments:
Post a Comment