THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Xưởng Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu sản xuất thương mại sau hơn nửa năm chạy thử, góp phần giúp Việt Nam tự cung ứng được 70% nhu cầu nhiên liệu.
Công ty Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) tên chính thức của dự án Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn tại khu kinh tế cùng tên tại vùng biển huyện Tĩnh Gia chính thức bắt đầu sản xuất thương mại từ hôm 23 Tháng Mười Hai, 2018 trong một buổi lễ rầm rộ có sự tham dự của nhiều chức sắc chóp bu của chế độ.
Dự án có vốn đầu tư hơn $9 tỉ với sự góp vốn liên doanh với hai công ty Nhật, Idemitsu Kosan (35.1%) và Mitsui (4.7%), Tập đoàn dầu mỏ Kuwait (35.1%) và Việt Nam chỉ có 25.1%. Công suất của xưởng lọc dầu tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn dầu thô một năm, thỏa mãn cho khoảng 40% nhu cầu nhiên liệu xăng dầu trong nước.
Trước xưởng Lọc Nghi Sơn, xưởng lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đặt tại Dung Quất, đã bắt đầu sản xuất từ 10 năm trước, nhưng đến nay cũng vẫn gặp các khó khăn tài chính. Chế độ Hà Nội muốn rút bớt vốn, dụ được Nga để bán 49% cổ phần nhưng sau họ lại bỏ chạy vì đòi những điều kiện không được thỏa mãn.
Các sản phẩm của hai xưởng lọc Nghi Sơn và Dung Quất phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại vẫn còn phải nhập cảng nhưng giá lại thấp hơn vì nhà cầm quyền CSVN phải giảm từ từ thuế nhập khẩu theo các thỏa thuận thương mại ở khu vực. Để có thể cạnh tranh, nhà cầm quyền CSVN buộc phải trợ giá, một phần để sản phẩm nội địa có thể cạnh tranh, một phần phải cam kết với các nhà đầu tư quốc tế Nhật và Kuwait để họ chịu đổ tiền vào.
Hai năm trước, một số chuyên viên kỹ thuật và kinh tế từng cho hay các dự án lọc dầu của Việt Nam đều lỗ vốn vì các xưởng lọc đều thuộc loại nhỏ so với các xưởng lọc ở khu vực, trung đông, và những nơi khác, nên chi phí vận hành cao lại phải đội rất nhiều loại thuế, phí của nhà nước. Đó là chưa kể tới yếu tố tiến bộ kỹ thuật đã giúp các loại xe tiêu thụ ít nhiên liệu hơn nên sản xuất xăng dầu của thế giới cũng giảm xuống, giá cả xuống theo. Đây là điều Hà Nội khi lao đầu vào đầu tư sản xuất xăng dầu không ngờ tới.
Cuối năm ngoái, nhà máy Dung Quất xin nhà cầm quyền trung ương “giải cứu” vì “tình hình thị trường có nhiều bất lợi, gồm cung cầu sản phẩm dầu mỏ trên thị trường và các quy định mới của Chính phủ, lợi nhuận của nhà máy lọc sẽ giảm rất nhiều.”
Mới đầu Tháng Mười, 2018, tờ Tuổi Trẻ cho hay, không những sản phẩm của hai xưởng lọc Dung Quất và Nghi Sơn phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài với thuế nhập khẩu giảm dần, mà còn phải cạnh tranh với nhau nên các nhà đầu tư của hai dự án đối diện với nhiều vấn đề tiêu thụ khó khăn. Nhà cầm quyền Hà Nội phải bù lỗ bao nhiêu và trong bao lâu, không thấy đề cập. (TN)
No comments:
Post a Comment