Wednesday, November 28, 2018

231 cái tát: sao lại là sao đỏ mà không phải Bộ GD&ĐT?

Ánh Liên (VNTB) Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc nam sinh Hoàng Long N (lớp 6.2, trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục, bị đội sao đỏ của trường ghi vào sổ, đã bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy phạt 231 cái tát khiến học sinh này phải nhập viện điều trị .

Nhiều trang tin sau đó đề cập đến việc, cần dẹp bỏ đội 'sao đỏ'? Vì họ cho đây là nguyên cớ của việc cô giáo chủ nhiệm phạt 231 cái tát? Liệu điều này có đúng?

Nếu nhìn vào cục diện của vấn đề, thì đội cờ đỏ cũng chẳng qua là một hình thức quản lý - kỷ luật trong trường, nó không phải nguyên nhân gốc để dẫn đến việc em Hoàng Long N bị tát, mà cơ bản nạn bạo lực trường học xuất phát từ chính đạo đức của giáo viên và được ấp ủ bởi bệnh thành tích trong nhà trường. Hãy xem hai trong số các khẩu hiệu của trường THCS Duy Ninh, một là 'chất lượng là danh dự của nhà trường', và hai là 'không có học sinh yếu kém, chỉ có học sinh chưa tích cực'. Nếu nhìn một cách cảm quan thì có thể hiểu đây là một nhóm khẩu hiệu tích cực, thúc đẩy thầy và trò thi đua trong học tập, nhưng nếu đặt tính chất lượng là 'danh dự nhà trường' thì đồng nghĩa, nó sẽ chứa đựng những tiêu cực thành tích bên trong.

Chính vì vậy, mà sau khi báo chí lên án sự bạo hành học sinh, thì hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh thay vì nhận lỗi và khắc phục, thì điều mà người đứng đầu nhà trường lại xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Chính yếu tố 'trường chuẩn quốc gia mức độ II' đã bao che cho hành vi bạo lực của cô giáo Phương Thủy, và thúc đẩy cô giáo này thực hiện các biện pháp bạo hành trẻ em, chà đạp lên công ước trẻ và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng không dừng tại đó, bởi Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh lại là nạn nhân của chính cấp trên của mình là Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, khi mà Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã cho nhân viên kiểm tra vụ học sinh trường THCS Duy Ninh hứng 231 cái tát nhưng giấu nhẹm vì thành tích.

Một người đứng đầu ngành giáo dục hiệu còn thành tích đến mức vô cảm, coi trẻ em và mái trường là phương tiện để đạt điểm thi đua, giành danh hiệu tập thể/ cá nhân lao động tiên tiến, giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành giáo dục thì hỏi sao, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy lại có đất dụng võ nhiều đến như thế.

Nhưng dừng ở Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh mới dừng ở trách nhiệm, còn gốc gác của bạo lực và áp lực đầy phi nhân của thầy cô giáo ngành giáo dục trong trường hợp nêu trên chính là 'bệnh thành tích trong giáo dục'. Chính căn bệnh này đã phá nát tuổi thơ của hàng vạn học sinh và gián tiếp đẩy nghề giáo trở thành một nghề dễ động chân tay nhất. Chính căn bệnh thành tích giáo dục đã đào tạo và rèn luyện những giáo viên trở thành những thợ dạy, với sự suy thoái đạo đức trầm trọng, sử dụng các liệu pháp 'áp bức tinh thần và thể chất' để đạt mục tiêu.

Câu chuyện của trường THCS Duy Ninh cũng chỉ là một câu chuyện tiếp theo của nền giáo dục bạo lực vì thành tích hiện nay, bởi trước đó, sự kiện một cô giáo giảng dạy trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) đã 'im lặng' suốt 3 tháng khi lên lớp, và lãnh đạo nhà trường đã gây sức ép để buộc người lên tiếng tình trạng này là em Phạm Song Toàn, học sinh lớp 11A1 phải chuyển trường vì em đã lên tiếng 'không đúng chỗ'.

Chính căn bệnh 'trường chuẩn quốc gia' đã làm gia tăng tình trạng giả dối trong thi cử, khi những em học sinh chưa đủ trình độ đều được giáo viên nâng đỡ để tránh ảnh hưởng thành tích trường, dẫn đến hiện trạng 'ngồi nhầm lớp'.

Khi mà nền giáo dục XHCN vẫn tồn tại cái gọi là 'thi đua' và phong tặng 'chiến sĩ, tập thể lao động, cá nhân lao động' thay vì đề cao tính đạo đức, tính thực học và cả sự nhân văn trong mối quan hệ thầy - trò, thì khi đó, nạn bạo lực vẫn còn sẽ diễn ra dài dài.


Và tất nhiên, đội sao đỏ chỉ là cái cớ để hướng dư luận vào mục tiêu trút giận, thay vì Bộ GD&ĐT, lớn hơn là thuộc tính "thành tích hóa - vĩ đại hóa về hình thức" của nền giáo dục XHCN hiện nay.

No comments:

Post a Comment