LONDON (NV) – Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AI) thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam cho mở cuộc điều tra độc lập về cái chết đầy nghi vấn của một người biểu tình ở tỉnh Kiên Giang.
“Ân Xá Quốc Tế thúc giục nhà cầm quyền các cấp ở Việt Nam mở ngay cuộc điều tra sâu rộng và công minh về nghi vấn các sĩ quan cảnh sát đã tra tấn và làm chết Hứa Hoàng Anh, một người nông dân ở tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, người đã tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Sài Gòn ngày 10 Tháng Sáu.”
Bà Clare Algar, giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế viết trong một bản thông cáo báo chí phổ biến cuối tuần qua sau khi tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế của bà nhận được thông tin của nhiều người chuyển đi trên mạng xã hội.
Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi có một trang facebook cá nhân với tên Hoàng Anh, cư dân tỉnh Kiên Giang đã lên Sài Gòn cùng hàng chục ngàn người khác biểu tình chống dự luật “Đặc Khu Kinh Tế…” và luật “An Ninh Mạng.” Đạo luật trước bị người dân tố cáo mở đường cho người Trung Quốc tràn sang biến ba vùng trọng yếu về an ninh quốc phòng thành những đầu cầu di dân cho người Hoa khi được cho thuê đất dài hạn đến 99 năm. Đạo luật sau bị dân tố cáo là nhằm bóp nghẹt quyền thông tin của người dân qua Internet với những điều khoản mơ hồ, trái với quyền tự do căn bản của người dân mà chính hiến pháp của chế độ công nhận.
Những ngày đầu Tháng Tám, một số facebooker cho hay Hứa Hoàng Anh “qua đời vào trưa ngày 2 Tháng Tám, 2018, tại xã Bàn Tân Định 1, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, sau khi bị công an huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, thẩm vấn về việc anh tham gia biểu tình ở Sài Gòn.
Facebooker Trần Martini gọi Hứa Hoàng Anh là một thanh niên Kiên Giang “với tấm lòng yêu nước sắt son” và cho hay các “vết thương dẫn tới tử vong là ở phần đầu và cổ” trong khi công an địa phương thì chối tội giết người khi vu cho Hứa Hoàng Anh “tự tử.”
Tổ chức AI, dựa vào thông tin từ tổ chức bảo vệ nhân quyền Defend the Defenders cũng viết rằng: “Hứa Hoàng Anh, được phát hiện là đã tử vong sau khi một vài cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà anh vào ngày 2 Tháng Tám. Phía công an sau đó cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết là do tự sát. Tuy nhiên, các vết thương trên đầu, cổ và bụng được tìm thấy tạo ra nghi vấn rằng ông Hoàng Anh có thể đã bị tra tấn đến chết.”
Sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống hai luật kể trên tại Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Bình Thuận, Biên Hòa, Tây Ninh, và một số nơi khác, Công an CSVN đã bắt giữ hàng trăm người. Hầu hết đều bị đánh đập tàn nhẫn, chửi bới và bị cướp hết điện thoại, tiền bạc. Trước khi được thả ra, họ bị buộc ký giấy cam kết không đi biểu tình và phải tự khai gian theo sự ép buộc của công an là nhận tiền từ “phản động nước ngoài” để đi biểu tình.
“Quyền tự do hội họp ôn hòa được quy định tại điều 21 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền hợp pháp mà nó cũng được quy định tại điều 25 trong Hiến Pháp Việt Nam. Nhà cầm quyền cũng cần phải bảo vệ mọi lúc các quyền tuyệt đối như quyền được sống và quyền không bị tra tấn và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác, điều này cũng có nghĩa cần phải triển khai ngay lập tức các cuộc điều tra hiệu quả, độc lập đối với các trường hợp nạn nhân bị chết khi đang giam giữ trong đồn công an,” tổ chức AI nói.
Vu cho nạn nhân “tự tử” là cách giản dị nhất để công an CSVN trốn tội giết người, bất chấp những dấu tích để lại trên thân thể nạn nhân. Tại Việt Nam không có pháp y độc lập nên các bản báo cáo khám nghiệm tử thi không bao giờ viết đúng sự thật.
Tháng trước, ngày 6 Tháng Bảy, 2018, ông Phạm Văn Nam, 61 tuổi, cư dân xóm Thanh Tân, xã Phú Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chết bất thường sau một buổi “làm việc” với công an địa phương. Không có cuộc điều tra hay khám nghiệm pháp y để tìm nguyên nhân cái chết của ông.
Hàng chục người vẫn chết mỗi năm chỉ sau một vài giờ hay một hai ngày khi bị công an CSVN bắt giữ điều tra dù nhà cầm quyền Việt Nam đã ký vào bản Công ước Quốc tế về Chống Tra Tấn từ năm 2013. (TN)
No comments:
Post a Comment