RFA-2018-05-23
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi thảo luận Quốc hội sáng ngày 22 tháng 5 năm 2018.Courtesy of baochinhphu.vn
Trong buổi thảo luận Quốc hội sáng ngày 22 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng niềm tin của dân là nguồn lực xây dựng đất nước.
Sao thủ tướng phải có kêu gọi về niềm tin của người dân lúc này?
Phát triển nhờ vào niềm tin của dân?
Theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả đạt được ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội là do có được niềm tin của người dân và đây cũng chính là nguồn lực rất lớn để xây dựng đất nước.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng lời Thủ tướng Phúc đã phản ảnh thực tế. Ông giải thích:
“Có nhiều lý do như tình hình kinh tế đa phần còn rất nhiều thách thức nhưng chỉ số cho thấy đã có những cải thiện nhất định. Ví dụ như môi trường kinh doanh, những con số về đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.
Phải nêu được vấn đề hiện nay người dân có tin vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản hay không, cái đó rất cần xem lại. Mình cho rằng chẳng mấy ai tin nữa.
- Lã Việt Dũng
Bên cạnh đó cũng có những nỗ lực đang cải cách bộ máy nhà nước, rồi cuộc chiến chống tham nhũng. Có những cải thiện rất nhiều, cả về tốc độ hồi phục kinh tế, ổn định vĩ mô, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một doanh nhân và là nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cũng đồng ý với ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu sự tin cậy của người dân vào chính quyền là một trong những nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội nói chung kể cả phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc ông Nguyễn Xuân Phúc dùng khía cạnh rất quan trọng này để áp đặt vào tình hình Việt Nam hiện nay và coi đó là thành công của chính quyền trong việc thu phục được sự tin cậy của người dân thì cần phải xem xét một cách thận trọng. Ông giải thích thêm:
“Sự tăng trưởng kinh tế năm ngoái đạt 6,81%, và trong quý I năm nay đạt 7,3%, một con số rất đẹp. Nhưng mà con số này không phản ánh điều mà ông thủ tướng muốn ám chỉ, tức là có sự tăng trưởng như thế do có sự tin tưởng của người dân vào hệ thống này.
Thực sự để có tăng trưởng kinh tế đẹp có rất nhiều biện pháp nhất là những biện pháp về tăng trưởng tín dụng, biện pháp tăng thuế giá trị gia tăng, biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Thực sự con số tăng trưởng kinh tế không phải quan trọng hàng đầu vì có thể có tăng trưởng kinh tế nhưng thực sự không có sự phát triển. Bởi vì tăng trưởng con số có thể sửa sang con số bằng cách tính lãi hoặc bằng cách dùng những phương pháp tính khác nhau để tính tăng trưởng kinh tế.”
Theo trình bày của ông Nguyễn Quang A thì năm ngoái Việt Nam có con số tăng trưởng đẹp là nhờ Samsung và Formosa. Ông cảnh báo cần cẩn trọng khi mà so sánh thành tích với cái gọi là dựa vào niềm tin dân chúng.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc không đúng với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay:
“Thực ra câu nói này của ông Phúc cứ như mặt trời mọc đằng đông vậy, nói thế ai chẳng nói được. Phải nêu được vấn đề hiện nay người dân có tin vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản hay không, cái đó rất cần xem lại. Mình cho rằng chẳng mấy ai tin nữa.”
Trên dưới đồng lòng
Trong phần phát biểu trước Quốc hội, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến thảm họa môi trường Formosa và lấy đó làm một bằng chứng về sự đồng lòng của người dân và chính quyền: “Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, đoàn kết nhất trí, từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh của toàn dân tộc được thể hiện thông qua những sự kiện lớn của đất nước. Từ sự việc môi trường do Formosa gây ra, sự việc lớn và nghiêm trọng như vậy nhưng chúng ta đồng lòng rất cao.”
Việc người dân đồng lòng khắp từ Bắc chí Nam, nhất là ở các tỉnh miền Trung, chống lại Formosa và bị chính quyền đàn áp rất khốc liệt không ăn nhập gì với lòng tin của người dân mà ngược lại.
- TS. Nguyễn Quang A
Vào tháng 4 năm 2016, thảm họa môi trường do nhà máy Formosa xả chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra biển đã khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và đời sống ngư dân tại đây. Phía Formosa sau đó đền bù 500 triệu đô la Mỹ cho người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, nhà máy này vẫn tiếp tục hoạt động.
Vì vậy, khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến thảm họa môi trường Formosa như sự đồng lòng của chính phủ Hà Nội và người dân, nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng đây là sự so sánh khập khiễng:
“Mình cũng như rất nhiều người dân ở Việt Nam chưa thấy các ông ấy làm gì ở Formosa cả. Mặc dù các ông ấy bảo rằng có năm mươi mấy tiêu chuẩn môi trường nhưng theo mình tiêu chuẩn quan trọng nhất là luyện than cốc, là từ khô sang ướt, thì bọn nó (Formosa) không làm được. Rõ ràng bài toán về môi trường vẫn như vậy và chẳng còn cách nào khác ngoài việc Formosa tiếp tục thải ra biển.
Nếu ông Phúc tiếp tục dùng cái đó để nói rằng vì người dân đặt niềm tin nên Formosa phải xin lỗi, nhượng bộ, hay làm gì đó mà đấy là động lực để phát triển đất nước thì nghe hơi khôi hài, vì đến bây giờ hậu quả của Formosa vẫn còn tiếp tục.”
Không chỉ riêng anh Dũng, mà cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng tỏ ra ngạc nhiên về việc dùng Formosa làm ví dụ của ông Nguyễn Xuân Phúc:
“Việc người dân đồng lòng khắp từ Bắc chí Nam, nhất là ở các tỉnh miền Trung, chống lại Formosa và bị chính quyền đàn áp rất khốc liệt không ăn nhập gì với lòng tin của người dân mà ngược lại. Tôi nghĩ cái đó (sự đồng lòng của người dân phản đối Formosa) chính phủ khó có thể huy động cho sự tăng trưởng kinh tế hoặc củng cố hệ thống.”
Những cuộc biểu tình phản đối hoạt động của nhà máy Formosa hay yêu cầu khởi kiện nhà máy này gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường biển của Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp mạnh mẽ trong suốt thời gian vừa qua.
Đáng chú ý nhất là trường hợp nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, người tham gia vào đoàn biểu tình yêu cầu đóng cửa Formosa đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên y án sơ thẩm 14 năm tù giam trong phiên tòa ngắn ngủi sáng 24-4-2018 vừa qua.
Từ những sự việc này, câu phát biểu “niềm tin của dân là nguồn lực xây dựng đất nước” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của công luận. Nhiều người đặt vấn đề hiện còn bao nhiêu người vẫn tin vào bộ máy lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam khi mà biết bao trì trệ, bảo thủ làm đất nước tụt hậu so với những nước khác, kể cả Lào và Campuchia, không hề được giải quyết; thậm chí ngày càng bế tắc hơn.
No comments:
Post a Comment