05/22/2018 - 17:30 — songchi
Song Chi.
Khi phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài, lạc hậu, từ những suy nghĩ, nhân sinh quan, thế giới quan cho đến hành vi, cách ứng xử của người dân cũng bị “lệch lạc” đi so với người dân của các nước tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ. Những điều mà người dân các nước tự do, dân chủ cho là tự nhiên, bình thường thì người dân các nước độc tài lại cho là xa vời, khó hiểu, ngược lại, có những điều mà người dân các nước tự do, dân chủ cho là “không bình thường”, không thể chấp nhận được thì dân chúng các nước độc tài lại quen đi và thấy là bình thường.
Điều đó hiện đang xảy ra với Việt Nam lâu nay, mà chính nhiều người Việt cũng không ý thức được.
Nhận thức sai, mơ hồ về chính trị, về quyền công dân, quyền con người.
Quan điểm về chính trị thì quá rõ, chế độ độc tài cộng với hệ thống tuyên truyền dối trá, một chiều và nền giáo dục ngu dân suốt mấy chục năm, đã thành công trong việc tạo nên những thế hệ dân chúng sợ hãi, né tránh chuyện chính trị, coi việc quan tâm, bàn luận về những vấn đề chính trị xã hội của đất nước hay chỉ trích những cái sai của chính phủ là điều cấm kỵ. Những câu nói quen thuộc mà chúng ta vẫn thường nghe là “nói chuyện gì thì nói, nhưng không nói chuyện chính trị”, “chuyện lớn đã có đảng và nhà nước lo, mình quan tâm thì có được gì”…
Những người nói những câu ấy để bào chữa cho cách sống thu vào vào vỏ ốc để được bình yên, thật ra không hiểu rằng chính trị chả phải là cái gì xa vời hay tách biệt với những chuyện khác trong cuộc sống. Chính trị là giá xăng dầu, thịt cá hôm nay lên hay xuống, là một loại thuế mới vừa ra mà người dân phải đóng, là chuyện con cái đi học bị bắt nộp đủ thứ tiền, là đau ốm vào bệnh viện không có tiền chữa hay khi tai nạn, thất nghiệp…nhưng nhà nước lại không có bất cứ một chính sách an sinh, hỗ trợ nào…Cho tới những chuyện lớn hơn như hàng cây cổ thụ đẹp tỏa bóng mát bao nhiêu năm bị đốn cụt hay một kiến trúc cổ đẹp bị phá bỏ không ai hỏi ý dân; khói bụi ô nhiễm mưa ngập quanh năm ở thành phố, biển bị ô nhiễm cá chết hàng loạt, lũ lụt cứ càng năm càng nặng, càng chết nhiều người vì rừng bị tàn phá v.v…và v.v…Đó là chính trị. Chính trị là tất tần tật mọi thứ liên quan đến đời sống con người. Làm thế nào bạn có thể né tránh được?
Nhận thức sai về chính trị, người dân cũng không hiểu đúng về mối quan hệ giữa nhân dân và chính phủ/nhà nước. Nhân dân lúc nào cũng phải “biết ơn Đảng, ơn chính phủ”. Cũng rất quen thuộc khi một ai đó chỉ trích những cái sai của nhà nước và người khác bèn mắng: “Nhà nước nuôi cho nó ăn học bao nhiêu năm mà nó vô ơn thế đấy”, hoặc “Không có Đảng, không có Bác, thì có được như ngày hôm nay không”…Trong khi thực tế, đảng cộng sản chỉ là một đảng phải chính trị, bộ máy nhà nước tồn tại được là do người dân còng lưng đóng thuế nuôi họ để họ làm việc cho dân. Ở các nước tự do dân chủ thì người dân bỏ phiếu lựa chọn đảng cầm quyền, lựa chọn người nào làm Tổng Thống, Thủ tướng, lãnh đạo đất nước; nếu làm không tốt thì dân bầu đảng khác, người khác, hoặc đòi hỏi họ phải từ chức hoặc bỏ phiếu truất phế họ.
Ngược lại trong một chế độ độc tài như VN, người dân quen nghĩ mình là phận con tôm con tép, chịu ơn đảng, chính phủ; quan chức cũng có lối suy nghĩ như vậy, thậm chí coi dân như con cái, quan chức là cha mẹ. Câu nói của bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam là rất điển hình cho lối suy nghĩ này:
Tại buổi họp báo ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004, khi bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã trả lời: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”!
Và tất nhiên, người dân lại càng mù mờ về quyền công dân, quyền con người. Không biết mình đã và đang bị nhà nước này cướp đi những quyền gì, thậm chí những quyền ấy có ghi rành rành trong Hiến pháp nhưng đảng và nhà nước cộng sản vẫn cứ lờ đi, không thực hiện.
Nhận thức, quan điểm lệch lạc về chuẩn mực đạo đức, đúng sai
Nhiều người Việt có nhận thức, quan điểm không đúng về chính trị là điều dễ hiểu. Nhưng nhiều người Việt cũng đang có những nhận thức, quan điểm lệch lạc, lệch chuẩn về các giá trị đạo đức, cái gì đúng cái gì sai, cái gì có thể chấp nhận được, cái gì không thể hoặc phi đạo đức, phi nhân.
Ví dụ thì rất nhiều chỉ xin đưa ra vài cái:
Câu chuyện một cô giáo ở Trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, mặc dù sau đó trước sức ép của dư luận, Ban Giám Hiệu trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng với cô giáo này, nhưng cái cách mà cô giáo và người nhà của cô đối mặt với vấn đề cho thấy họ chưa thực sự nhận ra mức độ sai trái của sự việc.
Ngay một quan chức trong ngành, Trưởng phòng GD & ĐT An Dương, cũng tìm cách làm giảm nhẹ vấn đề: “Học sinh bị ép uống nước giẻ lau bảng, trưởng phòng giáo dục "mong dư luận cảm thông" (Trí Thức Trẻ) vì “Cô Hương còn trẻ, quá trình giảng dạy không kiềm chế được cảm xúc nên có hành động như vậy…” Cha mẹ của cô giáo này-đều là cán bộ, thì bênh con. Khi bà nội của cháu bé đưa cháu đi khám sức khỏe thì mẹ cô giáo là bà Tạ Thị Ng. (Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện An Dương), đã bực tức giật những tờ kết quả khám sức khỏe trên tay bà, đồng thời gia đình vẫn cho việc xử phạt buộc thôi việc là quá nặng “Gia đình giáo viên phạt học sinh súc miệng nước giẻ lau: "Hãy cho con tôi cơ hội sửa sai"(Người đưa tin)
Bản thân cô giáo, nhân vật chính của câu chuyện vẫn không nhận ra sự ác tâm của mình, rằng hành động cho trẻ uống nước bẩn trước mặt cả lớp là xúc phạm đến thân thể, làm tổn thương nặng nề tâm lý trẻ. Lúc đầu thì “bị sốc, hoang mang và không ngờ rằng hành động của mình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến như vậy” (“Cô giáo bị sốc tâm lý sau khi phạt học sinh 'súc miệng' bằng nước giặt giẻ lau bảng”, 2Sao) sau đó thì khóc xin lỗi nhưng vẫn cho rằng "Tôi lỡ vì kinh nghiệm chưa nhiều", ("Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ: "Tôi lỡ vì kinh nghiệm chưa nhiều",VietnamNet)
Tuổi tác hay việc thiếu kinh nghiệm không phải là nguyên nhân của hành động sai trái này, càng không phải là lý do để biện minh, bào chữa. Chính sự ác tâm và không nhận thức được đúng sai, không thương yêu, tôn trọng trẻ em/học sinh cũng không hiểu về những yêu cầu, phẩm chất của người thầy giáo… mới là nguyên nhân. Và khi không có được những hiểu biết, phẩm chất này thì tốt nhất đừng làm nghề giáo nữa.
Câu chuyện ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa bị một loạt vũ công, stylist tố cáo quấy rối tình dục, thậm chí tấn công tình dục, là một ví dụ khác. Suốt một thời gian dài, Phạm Anh Khoa đã ứng xử với các đồng nghiệp nữ hết sức thô lỗ, coi thường họ, nhưng cách mà rocker này phản ứng sau khi bị tố cáo, cũng như quan điểm bênh vực của nhiều người là hết sức lệch lạc. Lúc đầu Phạm Anh Khoa nhất định cho rằng mình không sai và không xin lỗi, khi xin lỗi lần thứ nhất thỉ vẫn chưa thật lòng, vẫn quanh co bào chữa, khi dư luận tiếp tục phản ứng mạnh hơn thì còn không hiểu tại sao mọi người lại khó tha thứ đến thế. Mãi đến khi đứng trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, đến “nồi cơm” của mình và gia đình, rocker này mới thấm thía và xin lỗi một cách đàng hoàng, chân thành hơn. Chỉ mong đó là những suy nghĩ thật, lời hứa thật và sẽ thay đổi thật sự trong tương lai, chứ không phải chỉ để cho dư luận bỏ qua rồi sau một thời gian lại đâu vào đấy.
Những suy nghĩ, thái độ, cách hành xử của Phạm Anh Khoa có lẽ xuất phát từ suy nghĩ cho mình là một tài năng, nổi tiếng, nên có quyền làm gì thì làm, cũng như hiểu sai về hai chữ nghệ sĩ và môi trường showbiz, rằng “nghệ sĩ” là sống “theo cảm xúc”, là phóng khoáng, hay như P.A.K nói “Trong showbiz, vỗ mông nhau là chuyện bình thường, như là một cách hỏi thăm”
Đồng thời chính ca sĩ này cũng thừa nhận, không phân biệt được ranh giới giữa sự tán tỉnh hay đùa bỡn với sự quấy rối tình dục, thậm chí tấn công tình dục.
Và trong rất nhiều người bênh vực P.A.K, cũng không phân biệt được điều này, có người còn cho rằng một cô gái trong giới showbiz đã quen với sự thoải mái, đụng chạm với người khác phái, hoặc “đã không cỏn trinh” từ lâu, thì việc gì phải làm ầm lên như vậy? Quan điểm này cũng sai luôn. Một cô gái hay một người phụ nữ có thể rất thoải mái, nhưng không phải vì vậy mà người đàn ông tự cho có thể làm gì cô ấy thì làm; còn trinh hay không là chuyện riêng của cô ấy, nhưng không thể vỉ thế mà cô ấy phải bỏ qua những hành vi mất dạy, kể cả đối với một gái điếm thì một vụ tấn công hay cưỡng hiếp vẫn phải gọi đúng tên của nó.
Nhiều người khác thì tỏ ra ái ngại cho gia đình, 2 đứa con nhỏ của P.A.K và kêu gọi mọi người hãy rộng lượng tha thứ.
Trước đây trong vụ diễn viên hài Minh Béo bị bắt về tội ấu dâm cũng có những đồng nghiệp, bạn bè Minh Béo kêu gọi dư luận hãy cho Minh Béo một cơ hội v.v…
Trong một xã hội mà nhiều vấn đề vẫn được giải quyết đầy cảm tính, giải quyết theo tình chứ không theo luật pháp thì xấ hội ấy chưa tiến bộ được và còn lắm chuyện bất công, trái khoáy, phi lý tiếp tục diễn ra. Cán bộ phạm tội ấu dâm được tuyên 18 tháng tù treo vì tuổi cao, bệnh tật, là đảng viên, có nhiều đóng góp…Nghệ sĩ phạm tội ấu dâm hoặc gạ tình, bên cạnh những người lên án, luôn luôn có những người bênh vực, kêu gọi dư luận rộng lượng, đừng dồn người ta vào đường cùng. Thầy giáo đạo văn vẫn được xét công nhận chức danh giáo sư “vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha” (GS Trần Ngọc Thêm: "Ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn nhưng được phong giáo sư vì tinh thần nhân văn", VNExpress) v.v…
Và còn vô số những ví dụ tương tự và "khôi hài" hơn thế gấp bội mà ngày nào chúng ta cũng có thể đọc, nghe, chứng kiến trong xã hội VN. Trong khi chúng ta quên mất rằng nhân đạo, vị tha với thủ phạm là phi nhân, độc ác với nạn nhân. Hoặc nhân đạo, nhân văn, dễ dãi trong những trường hợp như vậy là khuyến khích, dung dưỡng cho những cái xấu, cái ác, điều không tử tế tiếp tục tồn tại, sinh sôi nảy nở. Cái xấu, cái ác chỉ có thể giảm đi, công lý, công bằng chỉ có thể có trong một xã hội thượng tôn pháp luật mà thôi.
Nguyên nhân sâu xa hơn là do chúng ta không phân biệt được đúng sai, chúng ta bị lệch lạc trong việc nhận thức, quan điểm về các chuẩn đạo đức, chúng ta đã quen với những cái xấu, sự bất bình thường trong xã hội.
Có nhiều câu chuyện khi một đứa trẻ, một học sinh bị lạm dụng tình dục bởi một giáo viện hay nhân viên của trường, nhà trường thay vì đứng về phía nạn nhân thì lại bao che, bất hợp tác với phóng viên, tìm cách làm cho câu chuyện “chìm xuồng” vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của nhà trường.
Hay câu chuyện mới đây về 5 hiệp sĩ đường phố ở Sài Gòn truy bắt cướp, bị cướp đâm tử vong 2 người, 3 người còn lại bị thương nặng, cho thấy cái sai từ từ phía nhà cầm quyền khi cứ để cho mô hình này tồn tại một cách tự phát mà không hề đào tạo kỹ năng, cung cấp cho họ những phương tiện, cách thức tối thiểu để tự bảo vệ mình trước kẻ cướp. Nhưng trên hết, mô hình này sai vì trách nhiệm săn bắt cướp, bảo vệ trật tự trị an là của công an, không phải của người dân. Mà lực lượng công an nước này thì đâu có thiếu người? Chưa kể, không phải ai tham gia săn bắt cướp, là “hiệp sĩ đường phố”, cũng hoàn toàn vô tư vì việc nghĩa và hiểu biết pháp luật, giới hạn quyền của mình tới đâu nên rất dễ có những người dựa vào đó vi phạm pháp luật như hành hung kẻ cướp quá tay, hành hung người dân đi biểu tình vì cho đó cũng là “gây rối trật tự, trị an”….
Có vô số những cái “bất bình thường” như vậy. Ngay Trung Quốc, một nước lớn, giàu mạnh hơn VN gấp nhiều lần, có một lịch sử văn hóa dày dặn, lâu đời, thế giới cũng phải nể, thế nhưng chỉ sau hàng chục năm sống trong một chế độ độc tài phi nhân, rất nhiều người Trung Quốc đã bị hỏng về mặt văn hóa ứng xử, các tiêu chuẩn đạo đức thông thường. Báo chí truyền thông của Trung Quốc và các nước vẫn hay đưa những tin tức, câu chuyện về sự vô cảm, độc ác với đồng loại hay sự không tử tế, thiếu lương tâm trong kinh doanh, làm ăn của một số người dân. Còn khi đi du lịch sang các nước khác, khách Trung Quốc là một trong những nhóm du khách thường bị nước chủ nhà phàn nàn, cười chê vì lối ứng xử thô lỗ, kém văn hóa.
Thế mới thấy một mô hình thể chế chính trị sai lầm có thể tàn phá một quốc gia, một dân tộc như thế nào. Không chỉ về kinh tế, mức độ thành công, phát triển hài hòa của quốc gia đó, mà tại hại hơn nhiều lần, là sự tàn phá, hủy hoại về văn hóa, đạo đức xã hội, về Con Người-từ trong nhận thức, nếp nghĩ cho đến hành vi, hành động. Sau này khi chế độ cộng sản bị sup đổ, việc xây dựng lại đất nước từ đầu đã khó, việc "xây" lại Con Người càng khó khăn và mất nhiều thời gian hơn gấp bội.
No comments:
Post a Comment