HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Truyền thông nhà nước Việt Nam cho hay kỳ họp Quốc Hội CSVN đang diễn ra với nhiều dự luật được bàn thảo và dự trù sẽ được thông qua. Tuy vậy, một dự luật được đa số người dân trông chờ nhất là Luật Biểu Tình thì “tiếp tục trì hoãn” và “bị loại ra khỏi chương trình nghị sự.”
Tờ Dân Trí hôm 20 Tháng Năm viết: “Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội cho biết đến nay, chính phủ vẫn chưa chuẩn bị xong để báo cáo quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về Luật Biểu Tình.”
“Việc ban hành Luật Biểu Tình là rất cần thiết, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân chính đáng của mình và xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội,” báo này viết.
Trả lời nhật báo Người Việt từ Sài Gòn, Luật Sư Đặng Đình Mạnh, người làm chủ văn phòng luật mang tên ông, nhận định: “Sự chậm trễ ban hành Luật Biểu Tình có thể đặt chính quyền vào thế khó khi phải giải thích lý do ngăn cản biểu tình (nếu có) là vì chưa có Luật Biểu Tình. Lý do đó có thể sử dụng với công chúng trong nước, nhưng không thể dùng để giải thích với thế giới bên ngoài, nơi mà công dân thường xuyên viện dẫn trực tiếp các điều luật từ Hiến Pháp để bảo vệ quyền của mình hơn là các văn bản luật để thực thi hiến pháp.”
“Việc Quốc Hội chưa ban hành Luật Biểu Tình không thể ngăn cản được sự biểu tình của công chúng khi điều đó phát sinh từ một sự bức xúc tập thể, một nhu cầu có thật. Có thể là cuộc biểu tình để phản đối, lên án chính quyền Sài Gòn đã giải tỏa nhà đất ở Thủ Thiêm trái quy hoạch được phê duyệt hợp pháp, hoặc để kêu gọi chính quyền nghiêm trị những trường hợp xâm phạm môi trường nghiêm trọng,” Luật Sư Mạnh nói.
Ông Mạnh cũng cho biết thêm: “Đừng quên rằng Hiến Pháp Tu Chính năm 2013 vẫn tái xác nhận quyền biểu tình tại Điều 25 ‘Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.’”
“Vì quyền biểu tình là biểu hiện sự tự do tư tưởng, tự do biểu đạt quan điểm đã là một trong những chuẩn mực chung cho nhân loại từ năm 1948, thời điểm thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam là thành viên ký kết nên có nghĩa vụ tuân thủ. Do vậy, việc trì hoãn thông qua Luật Biểu Tình không cản trở được quyền biểu tình mang tính hiến định của công chúng,” ông Mạnh nói.
“Thời gian gần đây, công chúng phải xuống đường biểu tình để biểu thị quan điểm của mình, ngõ hầu, bảo vệ tài sản cá nhân, gia đình, bảo vệ đạo đức xã hội, bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Các cuộc biểu tình đều thực hiện trong bối cảnh Hiến Pháp đã quy định biểu tình là quyền của công dân. Thế nên, hành vi biểu tình nếu không gây bạo động, không vi phạm quy định pháp luật gì khác thì đều là hành vi hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến được hiến pháp thừa nhận và bảo vệ,” ông Mạnh nói.
Cũng theo Luật Sư Mạnh, việc Luật Biểu Tình bị hoãn trong lúc Luật An Ninh Mạng dự trù sắp được thông qua “phát đi một thông điệp không thể rõ ràng hơn về quan điểm ngày một nghiêm khắc, khắt khe của chính quyền đối với các sự biểu đạt, chia sẻ quan điểm của người dân trong không gian mạng.”
Việc CSVN lần lữa Luật Biểu Tình từ từ khóa họp Quốc Hội này sang khóa họp khác cũng khiến cư dân mạng bất bình.
Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động viết trên trang Facebook cá nhân: “Tôi nhớ đại biểu Trương Trọng Nghĩa, kỳ họp nào cũng đòi nợ. Có lần, giữa phòng Diên Hồng, ông Nghĩa nói: ‘Luật Biểu Tình không phải là chuyện mới, Hiến Pháp 1946 đã quy định, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công nhận quyền này của công dân. Hiến Pháp 2013 đã hiến định. Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đặt vấn đề xây dựng Luật Biểu tình. Vậy tại sao chúng ta chưa làm?’”
“Đáp lại, Luật này vẫn được ‘xin lùi’. Và ngay cả nghị sự về chương trình làm luật năm tới cũng chẳng thấy đâu. Giờ Quốc Hội đã sang khóa XIV. Và giờ là vì là ‘chưa chuẩn bị xong’. Nhây, cùn còn quá Chúa Chổm. Trong khi đó, Luật An Ninh Mạng và Luật Đơn Vị Hành Chính Kinh Tế Đặc Biệt về các đặc khu sẽ được thông qua trong một, hai tuần tới với tốc độ đúng là tên lửa,” ông Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân.
Hồi năm 2015, báo Hà Nội Mới cùng một số báo “lề phải” khác quả quyết: “Năm 2016 Việt Nam sẽ có Luật Biểu Tình.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment