HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Năng suất lao động của người Việt Nam thua kém hẳn so với các nước trong khu vực dù chỉ so sánh với Cambodia, quốc gia thường được coi như thua Việt Nam về mọi mặt.
Ngày 8 Tháng Năm, 2018, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) phối hợp với Đại Học Kinh Tế (Đại Học Quốc Gia Hà Nội) họp báo công bố công trình nghiên cứu thường niên về nền kinh tế của Việt Nam có chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất.”
Người ta thấy tại phần khảo sát “Đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế,” bản báo cáo nói khi so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á và ASEAN, thì thấy “năng suất của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Cambodia.”
Theo bản báo cáo “Đặc biệt các ngành có năng suất thực sự ‘đội sổ’ bao gồm ‘chế biến chế tạo’, ‘xây dựng’ và ‘tiếp vận’ cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa.”
Một số báo mạng tại Việt Nam tường thuật buổi hội thảo công bố báo cáo kể trên, trong đó có tờ Tiền Phong, cho hay: “Theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng và phổ biến được sử dụng trong đo lường hiệu quả phát triển kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã sử dụng phương pháp hạch toán tăng trưởng và phân tích chuyển dịch cơ cấu để tìm hiểu nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam.”
Theo cuộc nghiên cứu của nhóm chuyên viên kinh tế kể trên, năng suất lao động trung bình của người Việt Nam tính theo giá hiện hành tăng từ 38.64 triệu đồng năm 2006 lên 60.73 triệu đồng vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, bản nghiên của của VEPR cho thấy, tới năm 2015, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đang ở mức gần hoặc thấp nhất so với khu vực ASEAN và Đông Bắc Á.
Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodia ở các nhóm ngành: nông nghiệp, điện-nước-khí đốt, bán buôn-bán lẻ-sửa chữa. Việt Nam có năng suất lao động cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành: khai mỏ và khai khoáng, tài chính-bất động sản-dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng-xã hội-cá nhân.
Các tác giả bản nghiên cứu khuyến cáo rằng: “Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Cambodia về năng suất lao động nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn về năng suất lao động của các ngành kinh tế,” theo VNExpress thuật lại.
Giữa tháng trước, Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam cho biết, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay “vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực” theo tờ Dân Trí ngày 13 Tháng Tư, 2018, tường thuật. “Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9,894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore; 17.6% của Malaysia; 36.5% của Thái Lan; 42.3% của Indonesia và bằng 56.7% năng suất lao động của Philippines.”
Tháng Giêng đầu năm nay, khi thấy có báo cáo nói năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn năng suất lao động Lào, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu rằng ông “chưa công nhận” khi ông đến “tham dự và chỉ đạo nhiệm vụ năm 2018 tại Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội. (TN)
No comments:
Post a Comment