Hòa Ái, phóng viên RFA-2018-04-06
Trạm BOT cầu Đồng Nai là trạm đầu tiên thực hiện thu phí tự động.Courtesy: Citizen’s photo
Vấn đề liên quan các trạm thu phí BOT tại Việt Nam, trong tháng 3 lại gây chú ý đối với dư luận trước thông tin Bộ Giao Thông-Vận Tải đang xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thu phí BOT tự động, có thể chế tài xử phạt những chủ xe không dán thẻ hoặc không có tiền trong thẻ trả phí tự động BOT.
Chế tài xử phạt
Vào trung tuần tháng 3, truyền trong nước đưa tin Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đến hết năm 2019, toàn bộ trạm BOT trên cả nước đều phải thu phí tự động.
Tại buổi họp về vấn đề thu phí tự động ở các trạm BOT, diễn ra trong ngày 16 tháng 3, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định đó là chủ trương lớn nhằm nâng cao tính minh bạch của thu phí đường bộ, tiết kiệm chi phí và giảm ùn tắc, tai nạn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong thời gian tới, các trạm áp dụng thu phí tự động, chỉ còn 1 làn thu phí dừng (thu phí tiền mặt) và đến năm 2019 việc thu phí sẽ hoàn toàn tự động. Ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh hiện tại vẫn có tình trạng cản trở do chủ đầu tư BOT không muốn thực hiện thu phí tự động, do đó đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019, nhà đầu tư BOT nào không hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí tự động thì sẽ không cho thu phí.
Một cựu kỷ sư làm việc nhiều năm trong Quân đội Nhân dân Việt Nam giải thích với RFA nguyên nhân vì sao chủ đầu tư BOT không muốn cách thức thu phí tự động:
Nếu đưa tất cả vào tự động hóa thì trở thành minh bạch và người ta sẽ rất khó để làm gian dối trong đấy. Nói nôm na là làm thủ công thì có khi làm 10 đồng, lấy được 3 đồng mà gần như không ai biết. Nhưng nếu đưa vào tự động, thì nó thể hiện hết trên máy móc
-Kỷ sư xây dựng
“Nếu đưa tất cả vào tự động hóa thì trở thành minh bạch và người ta sẽ rất khó để làm gian dối trong đấy. Nói nôm na là làm thủ công thì có khi làm 10 đồng, lấy được 3 đồng mà gần như không ai biết. Nhưng nếu đưa vào tự động, thì nó thể hiện hết trên máy móc. Tôi nhớ trước đây, có một thời gian có một số lãnh vực lắp máy tự động thì người ta còn cố tình phá hư máy để làm theo thủ công.”
Tại buổi họp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 16 tháng 3, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, ông Tô Nam Toàn nói rằng thu phí tự động nhằm loại bỏ tình trạng trả bằng tiền lẻ để cố tình gây ùn tắc, gây rối tại trạm BOT.
Bộ Giao Thông-Vận Tải ra quyết định trong năm 2018, tổng cộng 2, 8 triệu ô tô phải được dán thẻ thu phí tự động. Vào hạ tuần tháng 3, Bộ Giao Thông-Vận Tải cho biết đang xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thu phí BOT tự động, có thể chế tài xử phạt những chủ xe không dán thẻ hoặc không có tiền trong thẻ trả phí tự động BOT. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói với báo giới quốc nội rằng tiến độ dán thẻ thu phí tự động diễn ra rất chậm, chỉ có khoảng 500 ngàn xe hơi được dán thẻ và các ô tô nào chưa dán thẻ có thể bị phạt.
Dư luận phản đối
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có nhiều phản đối trước thông tin vừa nêu. Một số chuyên gia pháp lý tại Việt Nam cho rằng, theo luật định hiện hành, việc ép buộc dán tem hay bắt nạp tiền vào thẻ là bất hợp lý. Báo Lao Động Online dẫn lời của Luật sư Bùi Đình Ứng, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nói là Việt Nam chưa hề cấm thu tiền mặt và trong luật không hề quy định việc khi khách hàng sử dụng dịch vụ, mà trong thẻ không có tiền thì bị xử phạt vì vi phạm luật. Báo Lao Động Online cũng dẫn lời Luật sư Nguyễn Phương Tuyến, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội đề nghị Bộ Giao Thông-Vận Tải cùng Tổng cục Đường bộ cần xem xét lại các quyết định dựa trên khía cạnh pháp lý, chứ không chỉ đơn giản gây sức ép với chủ xe mà bỏ qua những quy định khác về pháp luật.
Chúng tôi tiếp xúc với một số chủ xe ở Việt Nam và được họ cho biết theo quy định mới của Bộ Giao Thông-Vận Tải khi đăng kiểm xe thì phải dán thẻ thu phí tự động qua trạm BOT. Tuy nhiên, họ cho rằng việc xử phạt nếu thẻ không có tiền là điều phi lý. Một chủ doanh nghiệp vận tải đường bộ, ở Sài Gòn lên tiếng với RFA:
“Tất cả xe nào đi kiểm định thì bên Kiểm định sẽ dán vào xe một cái logo và qua tài khoản trong cái thẻ mình mua thì sẽ trừ tiền dần trong thẻ khi qua trạm BOT. Dán cái logo xong, mà tiền trong tài khoản không có, thì cũng không thể phạt người ta được. Người ta đi qua trạm và trả tiền (tiền mặt), thì cũng là một cách thanh toán, chứ có gì đâu. Đó là giao dịch dân sự giữa chủ BOT với người dân, giao dịch dân sự với nhau mà.”
Bên cạnh đó, không ít chủ xe và dân chúng bày tỏ bức xúc vì điều họ trông chờ Chính phủ và Bộ Giao Thông-Vận Tải cần nhanh chóng công khai minh bạch về những khuất tất của các trạm BOT đặt sai vị trí hay thu phí không đúng quy định thì không tiến hành, mà theo họ Bộ Giao Thông-Vận Tải đang rốt ráo thực hiện cách thức ép buộc người dân trong lưu thông đường bộ khi qua trạm BOT.
Tất cả xe nào đi kiểm định thì bên Kiểm định sẽ dán vào xe một cái logo và qua tài khoản trong cái thẻ mình mua thì sẽ trừ tiền dần trong thẻ khi qua trạm BOT. Dán cái logo xong, mà tiền trong tài khoản không có, thì cũng không thể phạt người ta được. Người ta đi qua trạm và trả tiền (tiền mặt), thì cũng là một cách thanh toán, chứ có gì đâu. Đó là giao dịch dân sự giữa chủ BOT với người dân
-Một chủ doanh nghiệp vận tải
Đài RFA liên lạc với một người dân ở Đồng Nai, đã cùng với khỏang 70 tài xế ký đơn thỉnh nguyện lên các cơ quan chức năng, yêu cầu thanh tra những sai phạm tại trạm BOT Biên Hòa trong cuối năm 2017 và được ông chia sẻ thông tin cập nhật mới nhất:
“Tôi đã liên lạc với Sở Giao Thông-Vận Tải và được cho biết một số điểm thực hiện được thì họ sẽ cố gắng thực hiện, còn những điểm thuộc quyền quản lý và trách nhiệm từ Bộ Giao Thông-Vận Tải thì họ sẽ trả lời sau. Trước mắt thì họ chưa thể trả lời ngay cái đơn kiến nghị của tôi cùng các anh em lái xe đã ký và gửi cho các cơ quan chức năng. Riêng về những lá đơn gửi đến Bộ trưởng, Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ, để yêu cầu thanh tra trạm thu phí BOT Biên Hòa thì cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm trả lời nào.”
Vào ngày 30 tháng 3 vừa qua, 5 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam cùng với gần một trăm cá nhân công khai một bản tuyên bố tố cáo đa số dự án BOT cầu đường có sự cấu kết bất minh giữa các nhà đầu tư và một số quan chức chính quyền địa phương với trung ương. Bản tuyên bố yêu cầu Nhà nước phải nhanh chóng thanh tra những bất cập của tất cả các dự án BOT, và phải dừng dự án cũng như khởi tố những ai vi phạm nếu phát hiện sai trái; đồng thời cần khuyến khích người dân đấu tranh bất bạo động và hợp pháp khi thấy bất bình trước những sai phạm của các dự án BOT ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của RFA về chủ trương tự động hóa thu phí BOT của ngành giao thông vận tải, các tài xế và người dân mà chúng tôi trao đổi đều khẳng định một khi Chính phủ minh bạch thông tin các dự án BOT, từ khâu đấu thầu cho đến khâu vận hành, giá cả hợp lý đúng quy trình thì dân chúng tích cực ủng hộ vì sẽ tiện lợi hơn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ không thể trả phí bằng tiền mặt mỗi lúc qua trạm BOT.
No comments:
Post a Comment