Ánh Liên (VNTB)
Vào 11h30, ngày 2.4, một người phụ nữ Việt (37 tuổi) tên Bạch Mai đã tự sát ngay tại phòng lãnh sự (Cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) bằng một con dao
Người phụ nữ này trước đó hỏi về thủ tục làm giấy thông hành và mong muốn được về nước.
Câu chuyện này tiếp tục được đưa vào danh sách ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài và những câu chuyện. Bởi từ lâu, cơ quan này tại một số nước thường bị người dân phản ánh là lạm thu, kiện tụng, ăn chặn, buôn lậu,… Và công dân Việt Nam mỗi khi tìm đến cơ quan đại sứ quán thì hay rơi vào trạng thái ‘nhẫn nhịn, ức chế, xấu hổ’.
ĐSQ Việt nam tại Malaysia. Ảnh: cắt từ Youtube
Trong khi ĐSQ Việt Nam tại Malaysia làm việc với thái độ bàng quan và gây ra cái chết của người phụ nữ Việt thì ĐSQ tại Nam Phi lại từng ‘trao sừng tê giác lậu cho một tay buôn có tiếng’; trong khi ĐSQ Việt Nam tại Chi lê bị phát hiện là ‘phơi những chiếc vây cá mập trên mái nhà’ thì ĐSQ tại Đức lại bị cáo buộc ‘tiến hành vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’; trong khi ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản bị phát hiện ‘lạm thu, nhân viên lễ tân không biết tiếng Nhật‘ thì ĐSQ Việt nam tại Indonesia lại không bảo vệ được ngư dân nước mình, khi ‘vắng mặt’ tại một phiên tòa liên quan đến việc tranh chấp ngư trường bắt cá, và người thuyền trưởng tên Lưu Văn Lý đã phải ‘xin đi tù sớm’; trong khi ĐSQ Lào khi công dân Việt nam bị sát hại và lên tiếng dửng dưng ‘đó không phải là việc của chúng tôi’ thì ĐSQ Việt nam Hàn quốc hành một ông bố phải đưa đứa con 3 tháng tuổi đi 1500km để làm thủ tục khai sinh; và ĐSQ Việt nam tại New Zealand lại không kém khi đòi hỏi các thủ tục chứng nhận liên quan đến hộ chiếu mà pháp luật không quy định.
Vây cá phơi trên nóc Đại Sứ Quán CSVN
ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài từng được kỳ vọng là sự hóa thân của câu tục ngữ ‘Nhiễu điều phủ lấy giá guơng. Người trong một nước phải thương nhau cùng’, tuy nhiên, cách hành xử của nhiều những ĐSQ trong thời gian qua đã chứng minh ngược lại: đó là ăn chặn, là tranh thủ làm tiền; là bòn rút của đồng bào xứ Việt từng cắc bạc, là hách dịch – quan liêu; là đè đầu cưỡi cổ và bóp chẹt đồng tiền của bà con.
Khi cơ quan đại diện bảo vệ lợi quyền của người Việt ở nước ngoài bị đánh mất niềm tin, thì người dân đành phải lập ra nhóm hội để tự bảo vệ lợi quyền của mình, và nhóm Tôi&sứ quán đã ra đời như thế. Với tiêu chí ‘Tôi và Sứ quán là cộng đồng chung của những người sử dụng dịch vụ lãnh sự và những người quan tâm tới vấn đề minh bạch của dịch vụ công này tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài’ – nhóm này như làm thay tính nhân văn cốt lõi của mà các đại sứ quán vốn dĩ cần phải có là ‘tương thân, tương ái’.
Trong khi đó, cùng là một nước Cộng sản, nhưng Trung Quốc ưu tiên tối đa cho người dân. Và một trong số đó là khi đi làm hộ chiếu, thì ĐSQ Trung Quốc luôn ưu tiên làm cho dân nội địa, tại các ĐSQ Trung Quốc ở nước ngoài, cũng luôn có một khu hay dãy hàng riêng để làm hộ chiếu cho người Trung Quốc.
Nhìn qua Trung Quốc, nhìn lại những vấn đề mà ĐSQ Việt Nam tại nước ngoài gây ra, có nỗi nhục nào lớn hơn cái nỗi nhục bị hành và bóc lột ngay cả khi ở đất lạ quê người?
Nhà báo Mạc Việt Hồng (chủ bút Đàn Chim Việt) trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân đã cho biết: Ừ thì họ ăn, họ cũng phải chung chi, chồng tiền, thậm chí mất hàng tỉ cho 1 suất đi. Nước nào càng đông kiều bào, đông bà con lao động, nơi đó càng béo bở, càng dễ vặt. Nhưng nếu không còn lương tâm thì ít nhất họ cũng nên có 1 chút khôn ngoan, ăn của những người có thể ăn và tha cho những người bần cùng, đừng đẩy họ vào chỗ không còn lối thoát.
Ai sẽ chịu trách nhiệm về hình ảnh lem luốc và nỗi ô nhục này, khi mà hết sự việc này nối tiếp sự việc khác mà không bị chấn chỉnh? Trách nhiệm của ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh trong vấn đề này là gì? Tại sao chưa bao giờ ông lên tiếng chính thức về vấn đề này?
Tất cả là câu hỏi bỏ ngỏ, còn người Việt ở nước ngoài – vẫn cứ tinh thần ‘tự lực cánh sinh’, bên cạnh một ĐSQ vô cảm!
No comments:
Post a Comment