Theo NLDO-28/03/2018 23:25
Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đang bị "xẻ thịt", kinh doanh với đủ mọi hình thức từ quán cà phê cho đến... xưởng mộc
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động vào cuối tháng 3-2018, dù nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất TP Quảng Ngãi với 3 mặt tiền đường nhưng khung cảnh bảo tàng lại hẩm hiu, nhếch nhác.
Ở khu vực cổng chính của bảo tàng (mặt Nguyễn Du, TP Quảng Ngãi) có 2 quán cà phê với diện tích hàng trăm mét vuông, xung quanh là xe cộ ngổn ngang. Quán cà phê nằm ở phía Đông trong khuôn viên bảo tàng được xây dựng từ năm 2015 đến nay. Riêng một quán nằm ở phía Tây mới xuất hiện cuối năm 2017. Thậm chí một trụ ATM của ngân hàng cũng được dựng lên trong phần đất cạnh cổng chính bảo tàng.
Đi sâu vào bên trong là khung cảnh lụp xụp, các hiện vật bị xâm lấn, nhiều nơi trở thành khu trưng bày dàn cây cảnh của các ông chủ quán cà phê. Cạnh bên nơi trưng bày của bảo tàng là một xưởng mộc bày ngổn ngang các loại cưa xẻ.
Ông Trần Văn Trung, một người dân sống gần bảo tàng, cho rằng bảo tàng là nơi trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan, giúp người dân hiểu nguồn gốc của các hiện vật, am hiểu lịch sử dân tộc nhưng hiện nay, bảo tàng quá nhếch nhác. Nhiều hiện vật bị xuống cấp. "Làm kiểu này còn ai dám đến bảo tàng nữa. Nếu có đến cũng chỉ đến uống cà phê, nghe tiếng máy cưa gầm rú chứ còn gì đâu nữa tham quan" - ông Trung nói.
Quán cà phê nằm trong khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi
Theo ông Lê Hồng Khánh, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, toàn bộ khuôn viên 2 quán cà phê và xưởng mộc trước kia thuộc phần đất bảo tàng quản lý nhưng hiện đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cắt giao cho doanh nghiệp.
"Về nguyên tắc, đất UBND tỉnh đã giao cho doanh nghiệp, họ có quyền làm gì thì làm. Dù chúng tôi có muốn ngăn họ cũng không được bởi quyết định cắt đất bảo tàng giao cho doanh nghiệp do UBND tỉnh đưa về, chúng tôi phải làm theo" - ông Khánh nói.
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương xã hội hóa bảo tàng Quảng Ngãi và giao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Công ty CP Đầu tư Phát triển Đoàn Ánh Dương (gọi tắt Công ty ĐAD) thực hiện dự án này. Sau đó, Công ty ĐAD đã xin phép lập khu nhà rường làm trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm các hoạt động triển lãm di sản văn hóa, hiện vật trong khu vực thuộc khuôn viên bảo tàng.
Dù mang tiếng khu trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa nhưng khi đến đây, người dân hầu như không thấy gì ngoài khu nhà rường làm nơi bán cà phê. Ngay tại cổng vào khu nhà rường cũng được đơn vị chủ quản đặt tên Cà phê Nhà Cổ.
Ssau khi "hợp thức hóa" quán Cà phê Nhà Cổ với hoạt động kinh doanh cà phê, nước uống trong khuôn viên bảo tàng, đến tháng 9-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định cắt 4.933 m2 đất thuộc khuôn viên bảo tàng cho Công ty ĐAD thuê với thời hạn 49 năm. Lý do thu hồi cho Công ty ĐAD là để xây dựng trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Phần đất bị cắt này bao bọc bảo tàng gồm cả 2 quán cà phê, xưởng mộc.
Bài và ảnh: TỬ TRỰC
No comments:
Post a Comment