HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong danh sách 79 chung cư ở quận Thanh Xuân, có đến 38 chung cư vi phạm “quy định về phòng cháy chữa cháy,” đáng lưu ý trong đó có 26 tòa nhà “không thể khắc phục” đuợc do liên quan đến kiến trúc, kết cấu.
Theo báo VNExpress, ngày 27 Tháng Ba, Ban Đô Thị thuộc Hội Đồng Thành Phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp “giám sát công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư tại quận Thanh Xuân.”
Ông Lê Mạnh Tuấn, phó giám đốc Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội cho hay, sau gần một năm bị đơn vị phát hiện và công khai danh sách, có 79 chung cư vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, đến nay đã có 41 công trình khắc phục “được nghiệm thu và cho phép đưa vào sử dụng.”
Song, trong số 38 chung cư vi phạm còn lại, có 26 tòa nhà không thể khắc phục, do liên quan đến kiến trúc, kết cấu. Đuợc Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy tham mưu, chính quyền thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây Dựng hướng xử lý những chung cư này.
Cũng theo ông Tuấn, ngoài số các tòa nhà “không thể khắc phục” nêu trên, nguyên nhân các chung cư không bảo đảm quy định phòng cháy chữa cháy, là do các tòa nhà đưa vào sử dụng từ lâu, dù có hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng trong thời gian dài không chịu duy trì, bảo dưỡng nên hầu hết khi kiểm tra đều không hoạt động. Cũng có những tòa nhà mà chủ đầu tư không tiến hành các quy định về phòng cháy chữa cháy ngay từ khi xây dựng.
Với các chung cư mới đưa vào sử dụng những năm gần đây, dù đã được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, nhưng khi đưa vào hoạt động một thời gian, lực lượng chức năng đến kiểm tra lại thấy nảy sinh nhiều vấn đề.
“Vừa qua liên ngành đi kiểm tra tòa nhà 34 tầng khu Trung Hòa-Nhân Chính, khi vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy thì áp lực nước làm hàng loạt đường ống bị bể,” ông Tuấn cho biết.
Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội cho rằng, hiện Hà Nội có 25 đội chữa cháy chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm cứu hỏa ở 30 quận, huyện, do địa bàn rộng nên một số đội phải kiêm nhiệm 2, 3 quận huyện. Việc thiếu các đội chữa cháy chuyên nghiệp đã gây khó khăn cho công tác của đơn vị.
Ngoài ra, trong quy hoạch chung cư có quy định về mật độ xây dựng, đường đi cho xe cứu hỏa vào làm công tác chữa cháy để tiếp cận tòa nhà, nhưng trên thực tế đường đi bị chiếm dụng để xây dựng nhiều hạng mục khác, khiến xe cứu hỏa không thể vào khi xảy ra cháy.
“Công tác phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà đặc biệt nóng sau vụ cháy chung cư Carina tại Sài Gòn. Tuần trước Hà Nội có 2 vụ cháy chung cư ở quận Hà Đông, rất may xử lý kịp thời,” ông Tuấn nói.
Theo phúc trình của quận Thanh Xuân, tại quận hiện có 89 tòa nhà chung cư, một số công trình chưa được nghiệm thu việc phòng cháy chữa cháy, chủ đầu tư đã cho dân vào ở.
“Để cư dân vào ở khi chưa hoàn thành các hạng mục, trong đó có phòng cháy chữa cháy, lỗi đầu tiên do chủ đầu tư và cả cư dân,” ông Nguyễn Xuân Lưu, chủ tịch quận Thanh Xuân nói.
Để hạn chế tình trạng trên, ông Nguyễn Chí Dũng, phó giám đốc Sở Xây Dựng không nêu ra được giải pháp hữu hiệu mà chỉ đề xuất: “Cơ quan chức năng có thể làm việc với các đơn vị cung cấp điện, nước để tạm gác hợp đồng và cung cấp dịch vụ cho những chung cư không bảo đảm các quy định phòng cháy chữa cháy.” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment