Thursday, March 1, 2018

Việt Nam vướng điện than như mắc phải lời nguyền

Phạm Phan Long, Viet Ecology Foundation 
Theo RFA-2018-03-01  
Hình 1. Biểu đồ quy hoạch điện VII chưa điều chỉnh (dựa vào ADB).
 Hình 1. Biểu đồ quy hoạch điện VII chưa điều chỉnh (dựa vào ADB).  Courtesy of Phạm Phan Long
Ngày 28, tháng 2, 2018
Dẫn nhập
Tăng thuế vào xăng ai phải gánh?
Giữ nguyên thuế cho than ai hưởng lợi?
Và những nghị quyết không thi hành ai chịu trách nhiệm?
Việt Nam đã có Luật Bảo Vệ Môi Trường Số: 55/2014/QH13 (2014) với những quy định “ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu”nhưng quy hoạch điện và thuế môi trường hoàn toàn đi ngược các quy định kể trên.
Tuy Nghị Quyết bảo vệ môi trường 41-NQ/TW (2004) đề ra những mục tiêu và quan điểm “bảo đảm sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghệ hiện đại”nhưng thực tế luật thuế bảo vệ môi trường (Luật số: 57/2010/QH12) đánh thuế vào xăng/dân 153 lần nặng hơn vào than/chủ nhiệt điện. Nhiệt điện than là công nghệ lỗi thời, thải ô nhiễm hủy hoại môi trường và có tác hại sức khỏe cư dân nhiều nhất.
Ngoài ra Nghị Quyết phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu 120/NQ-CP (2017) đề ra tầm nhìn dài hạn, phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên” và “ Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển” nhưng Quy Hoạch Điện VII không điều chỉnh theo, vẫn bám chặt vào nhiệt điện than như hệ thống lãnh đạo bị khống chế bởi một lời nguyền.
Thảo luận
Bộ Tài chánh lại đề nghị tăng thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT) từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít xăng (thay vì lên đến 8000 đồng/ lít) nhưng vẫn giữ nguyên thuế ở mức 30 đồng/kg cho than. Nếu dựa vào cùng lượng khí thải ra từ hai nguồn nhiên liệu này để so sánh, người tiêu thụ xăng hiện trả 115 lần và sắp phải trả 153 lần nhiều hơn nhiệt điện than. (Xem phụ lục dưới về tính toán cho con số 153).
Nếu điều chỉnh thuế BVMT cho nhiệt điện than dựa vào khí thải CO2 như xăng, nhiệt điện than sẽ phải trả 4608 đồng/kg than, tương đương 2072 đồng/kWh điện năng.
Chi phí thực sự cho điện than do đó phải kể là 2271 (giá điện EVN công tơ trả bằng thẻ)+2072 (thuế BVMT)=4343 đồng/kWh. Nhưng chưa hết, dân cư (hay xã hội) đang âm thầm phải trả thêm vào chi phí ngoại vi, external cost dưới hình thức tiền thuốc men, giảm tuổi thọ, ô nhiễm môi sinh, biến đổi khí hậu vào khoảng 1589 đồng/kW, do người viết đã tường trình. Tổng chi phí do đó là 4343+1294=5637 đồng/kWh, hay 25 xu US/kWh.
Dân thực thụ phải trả 150% chồng trên tiền trả cho EVN có lẽ không ngờ? Làm sao nhà nước giải thích cho dân giá điện thực thụ đó, khi các nước như Canada, Chile, Hoa Kỳ v.v. có thể mua năng lượng tái tạo xanh và sạch với chi phí bình quân dưới 5 xu US/kWh.
Đề nghị tăng thuế BVMT vào xăng lần này của Bộ Tài Chánh tuy đã hạ từ 8000 đồng xuống 4000 đồng/lít xăng vẫn là ưu đãi nhiệt điện than không thể lý giải; 90 triệu dân không thể chấp nhận cưu mang điện than và gánh chịu ô nhiễm như thế nữa.
Nghị Quyết 41-NQ/TW 2004 dường như không ai đọc
Nếu đọc Nghị Quyết NQ 41 ta sẽ thấy cách đánh thuế BVMT xăng và than từ không tuân theo một quan điểm hay mục tiêu nào trong Nghị Quyết này cả.
Kiểm điểm năm quan điểm trong NQ 41
1- Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Nhiệt điện than đi ngược xu hướng nhân loại, nhiên liệu than phần lớn phải nhập cảng từ bên ngoài sẽ đặt an ninh năng lượng quốc gia vào tình huống bấp bênh và an toàn sức khoẻ dân cư sống dưới đe doạ của khói bụi than.
2- Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Nhiệt điện than bẩn, công nghệ cận tới hạn lỗi thời và là than là nguồn năng lượng kém hiệu quả kinh tế nhất, đáng lý phải xoá bỏ than khỏi quy hoạch điện từ NQ 41. Nhưng than vẫn chiếm lĩnh phần rất lớn trong Quy Hoạch Điện VII theo Hình 1, ngay khi điều chỉnh rồi vẫn cho xây thêm 42 GW nhiệt điện than (thay vì 62 GW)  trong khi Trung Quốc chuyển hướng từ nay sẽ không xây thêm một nhà máy nhiệt điện than nào theo Hình 2.
3- Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông ta.
Điều khoản này viết rất hay, nhưng xem kỹ văn bản nghĩa vụ này là của tất cả xã hội nhưng không phải của …  nhà nước.
4- Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.
Quy Hoạch Điện VII không hạn chế ô nguồn ô nhiễm điện than mà kết hợp đầu tư, huy động nguồn lực đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế (nhất là Trung Quốc); kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống xã hội tăng công suất điện than và ô nhiễm lên 400%.
5- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Nhà nước nếu thật tình cần trân trọng lắng nghe khuyến cáo của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, ngân hàng ADB, WWF-OXFAM, các NGO trí thức chuyên gia độc lập và nhất là dân cư chung quanh các trung tâm nhiệt điện.
Kiểm điểm ba mục tiêu của  NQ 41
1- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.
2- Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường.
3- Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.
Toàn bộ cả ba mục tiêu cũng như năm quan điểm trên đều bị Bộ Công Thương  gạt bỏ khỏi Quy Hoạch Điện VII và luật thuế BVMT Bộ Tài Chánh đánh ngược lại.
Nghị Quyết 120-CP ký năm 2017 chưa thực hiện
Quy Hoạch Điện VII phần lớn dùng than và luật thuế BVMT đánh thuế BVMT nhiều nhất vào xăng ít nhất vào than, hoàn toàn đi ngược với Nghị Quyết 120, nhất là hai điều khoản có tính bức phá cấp tiến nhất sau đây:
Điều 3 c) Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống, đảm bảo tính ổn định và sinh kế của người dân, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Điều 4 c) - Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Kết luận và giải pháp
Tăng thuế BVMT vào xăng ai phải gánh?
Thuế BVMT đã giúp ngụy tạo cho điện than ở giá 2271 Đồng/kWh, thực ra dân phải trả đến 5647 Đồng/kWh hay 150% nhiều hơn vì thuế và ô nhiễm.
Giữ nguyên thuế BVMT cho than ai hưởng lợi?
Nhiệt điện than hưởng lợi, năng lượng tái tạo (NLTT) rõ ràng không được chào đón vào Việt Nam. Quy Hoạch Điện VII xếp cho họ ngồi tại manh chiếu dưới cùng với thủy điện so với tấm chiếu trên to gấp năm lần để dành biệt đãi điện than. Giới đầu tư vào NLTT mất tin tưởng đầu tư vào một thị trường kỳ thị họ như vậy, và nếu họ cần có bảo đảm và sẽ đánh lãi xuất cao dự phòng rủi ro vào các dự án ở  VN. (Chú thích: Giá bán vào lưới điện, FiT cho NLTT tuy đã nâng lên 7.8 xu đến 9.3 xu US/kWh nhưng vẫn không thể cạnh tranh với điện than trong quy hoạch hiện thời.)
Và những nghị quyết không thi hành ai chịu trách nhiệm?
Các bộ Công Thương, Tài Nguyên Môi trường và các tập đoàn EVN, Vinacomin có quyền lực quyết định nên có trách nhiệm tìm nguồn điện tối ưu kinh tế và môi sinh đáp ứng nhu cầu quốc gia. Xã hội dân sự cần lên tiếng yêu cầu nhà nước điều chỉnh mức thuế và tháo gỡ lời nguyền điện than ra cho cả nước. Lời giải vốn nằm sẵn trong các luật NQ đã có nêu trên và sau đây là những phương án không xa lạ, có thể trích ra từ những khuyến cáo quy hoạch trong nước và quốc tế:
Quốc hội luật hóa các Nghị Quyết và điều chỉnh dần luật thuế BVMT dù tăng giá điện nhưng giảm thuế xăng.
  1. Tiết kiệm tiêu thụ điện năng có thể giảm nhu cầu 15% là ưu tiên cao nhất.
  2. Chuyển điện than sang nhiệt điện khí tất cả nhà máy đã có theo độ khả thi từng trường hợp như Hoa Kỳ.
  3. Ngưng đóng hồ sơ đang có không xét dự án nhiệt điện than nào trừ khi chuyển sang nhiệt điện khí.
  4. Không duyệt xét thêm nhiệt điện than nào chưa xây như Trung Quốc.
  5. Tăng đầu tư vào NLTT lên tối đa ít nhất ngang hàng Trung Quốc.
Thực hiện cần có những bảo đảm cốt yếu sau:
Phải có Đánh giá tác động môi trường chiến lược tích hợp cho toàn bộ trung tâm nhiệt điện không chỉ làm độc lập cho từng dự án.
  1. ĐTM chiến lược phải do chuyên gia độc lập thực hiện có bảo đảm trách nhiệm nếu sai lầm.
  2. Tham vấn công khai với dân cư và trí thức.
Đề nghị tăng thêm thuế xăng lần này của Bộ Tài Chánh sẽ tiếp tục ưu đãi nhiệt điện than phải bác bỏ; 90 triệu dân không thể chấp nhận cưu mang điện than và gánh chịu ô nhiễm như thế nữa.
Ghi nhận
Người viết trân trọng cám ơn những thân hữu đã giúp duyệt xét, thảo luận, tu bổ bài khảo luận này và chia sẻ mối quan tâm chung.
Tài liệu tham khảo
[1] Thuế BVMT
[2] Giá điện VN
[3] Chi phí ngoại vi
[4] Quy Hoạch Điện VII
[5] Quy Hoạch Điện VII điều chỉnh
[6] FiT-in Tariff
[7] ADB ALTERNATIVES FOR POWER GENERATION IN THE GREATER MEKONG SUB-REGION
[8] Quy hoạch điện Trung Quốc
[9] Tăng ô nhiễm điệ than VN
[10] Nghị Quyết BVMT  41-NQ/TW
[11] Nghị Quyết BV ĐBSCL 120/NQ-CP
Phụ Lục 1
So sánh thuế BVMT xăng và than
  • Thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dân chúng tiêu thụ là 4000 đồng/lít, hay 5194 đồng/kg.
  • Xăng phát thải 3,08 kg CO2/kg, như vậy dân phải trả 1685 đồng/kg CO2 khi tiêu thụ xăng.
  • Thuế bảo vệ môi trường đánh vào than là 30 đồng/kg.
  • Than phát thải 2,73 kg CO2/kg, như vậy than trả 11 đồng/kg CO2 đốt than.
  • Như thế, dân chúng đang bị trừng phạt nặng nề, họ phải trả thuế BVMT cho xăng 1685/11=153 lần nặng hơn so với nhiệt điện than.
Chú thích:TS Nguyễn Đức Thắng nhận định thuế môi trường đúng ra cần đánh vào các ô nhiễm khác không chỉ CO2. Nếu tính thêm thuế cho CH4, N2O, thuỷ ngân, SO2, NOx, tỉ lệ 153 có lẽ sẽ còn cao hơn nữa.

No comments:

Post a Comment